Ngăn chặn nạn “ăn cắp” thời gian làm việc - Kỳ 2: “Đội đặc nhiệm” vào cuộc

22/04/2013 10:31 GMT+7

Ngay từ tháng 10.2012, Quảng Nam đã chỉ thị tăng cường kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc… nhưng sau đó vẫn cần đến “đội đặc nhiệm” để xử lý các vụ việc phản ánh qua đường dây nóng.

Điểm mặt công chức rề rà

“Đội đặc nhiệm” là một cách gọi mới đối với Tổ kiểm tra, giám sát do Sở Nội vụ Quảng Nam thành lập từ tháng 2.1013 gồm 7 thành viên, được giao quyền tiếp nhận thông tin phản ánh và kiểm tra đột xuất, lập biên bản đối với các trường hợp vi phạm kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở và sử dụng thời gian làm việc. Đường dây nóng (05103.838515 - 833199) cũng đang “nóng” dần, kể từ ngày được lập ra để tiếp nhận thông tin của tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc thấy có dấu hiệu vi phạm liên quan.

 Quảng Nam siết kỷ cương, thái độ và hiệu quả làm việc của cán bộ
Quảng Nam siết kỷ cương, thái độ và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức từ tháng 10.2012 - Ảnh: H.X.H

Từ tháng 10.2012, Quảng  Nam đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc trong các cơ quan, đơn vị. Chính quyền địa phương yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc; không sử dụng thời gian làm việc vào việc riêng, không hút thuốc lá nơi công sở… Nhưng không lâu sau đó, UBND tỉnh phải có văn bản “nhắc lại” vì chưa thấy chuyển biến. Dồn dập trong những tháng đầu năm 2013, Quảng Nam tiếp tục lập tổ kiểm tra, công bố đường dây nóng, tổ chức kiểm tra đột xuất… và tình hình dần được kiểm soát.

Chỉ một thời gian ngắn, “đội đặc nhiệm” đã tiếp nhận, xử lý thông tin, thẩm tra, xác minh 15 trường hợp phản ánh qua đường dây nóng về việc chấp hành thời gian làm việc. Trong đó, có 6 trường hợp liên quan cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở TP.Tam Kỳ và Sở Xây dựng (uống cà phê ngoài quán trong giờ làm việc); 9 trường hợp còn lại thuộc đối tượng của các doanh nghiệp hoặc cán bộ, công chức đang trong thời gian nghỉ phép theo quy định. Biên bản các cuộc “đột kích” của tổ công tác ghi rõ: Ngày 5.1, tại Phòng Kế hoạch-tài chính, Sở GTVT lúc 10 giờ vắng 3 người. Lúc 14 giờ cùng ngày, tại BQL các khu công nghiệp, chỉ có… 1 công chức Phòng Kế hoạch-đầu tư làm việc, hầu hết các phòng khác không có người. 20 phút sau, tại Sở Thông tin - Truyền thông, biên bản cũng ghi nhận một số cán bộ, công chức Văn phòng sở, Thanh tra sở, Phòng tổng hợp vắng mặt. Lúc 14 giờ 40 phút, một số cán bộ, công chức văn phòng và thanh tra Sở Khoa học-Công nghệ cũng vắng mặt tại nơi làm việc. Đến 15 giờ 30, tại Sở Xây dựng, 1 phó giám đốc và 4 công chức Phòng quy hoạch không có mặt. Ngày 18.2, tại Sở Y tế, khi giám đốc đi họp tại UBND tỉnh thì một số công chức văn phòng, thanh tra, Phòng Kế hoạch - Tài chính cũng vắng mặt lúc 14 giờ 30…

Đầu voi đuôi chuột?

Mở rộng kiểm tra tại vài huyện, thành phố, kết quả cũng không khá hơn. Một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại  Phú Ninh, Tam Kỳ chấp hành thời gian làm việc chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng đi trễ về sớm, làm việc riêng. UBND H.Phú Ninh chưa triển khai thực hiện đeo thẻ công chức khi thi hành nhiệm vụ. Tại H.Thăng Bình, một số cán bộ, công chức cấp xã  chưa đeo thẻ công chức khi làm nhiệm vụ. Những trường hợp vi phạm này đều được các huyện, thành phố kiểm điểm nhắc nhở tại buổi lễ chào cờ đầu tháng. Ngoại trừ một số sở (Y tế, Công thương, VH-TT-DL, Nội vụ), đơn vị, địa phương (Văn phòng UBND tỉnh, BQL Khu kinh tế mở Chu Lai, H.Phú Ninh, H.Thăng Bình, TP.Tam Kỳ) cùng vào cuộc siết chặt kỷ  cương, số còn lại bị liệt vào danh sách chưa thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, còn tình trạng chờ văn bản giao việc hoặc nhắc nhở mới triển khai thực hiện…

Việc công khai thông tin vi phạm thoạt đầu cũng gây nhột”, nhưng lại được dư luận ủng hộ vì cho thấy sự nghiêm túc trong triển khai công việc. Thủ trưởng các đơn vị có cán bộ, công chức không thực hiện tốt thời gian làm việc (đã điểm danh) bị kiểm điểm nhắc nhở lần đầu và yêu cầu chấn chỉnh. Tinh thần “nhắc nhở lần đầu”, theo lãnh đạo Sở Nội vụ, là để cán bộ, công chức dần dần thay đổi nếp sinh hoạt cũ, nếu tái phạm sẽ xử lý nghiêm. Vị này cũng quả quyết, không hề có chuyện “đầu voi đuôi chuột”, lúc khởi động thì rình rang nhưng khâu xử lý sau đó lại giơ cao đánh khẽ như nhiều người lo ngại. Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Phước Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng quả quyết: “Dù số lượng cán bộ, công chức bê trễ, vi phạm kỷ cương kỷ luật không nhiều, lác đác một số trường hợp… nhưng chúng tôi vẫn ký ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND để chấn chỉnh tình hình, sớm nâng cao hiệu quả giải quyết công việc được giao. Đợt kiểm tra vừa rồi của Sở Nội vụ phát hiện một số trường hợp trễ giờ, vắng mặt tại cơ quan và kiểm điểm nhắc nhở. Nếu cán bộ, công chức vẫn tiếp tục bê trễ, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm!”.

Góp ý 6 tháng trước khi cấm bia, rượu

Như Thanh Niên đã thông tin, cuối tháng 9.2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện việc không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc đối với cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động) thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

Tuy nhiên, huyện miền núi cao Tây Giang mới là nơi cấm công chức dùng bia rượu buổi trưa đầu tiên, từ năm 2009. Để lệnh cấm hiệu quả, lãnh đạo huyện đã mất 6 tháng để trưng cầu ý kiến, vì thói quen sử dụng bia rượu không dễ từ bỏ. Một vị lãnh đạo H.Tây Giang thời điểm ban hành lệnh cấm rượu bia ấy tâm sự, ông đã trực tiếp chứng kiến cảnh nhiều Bí thư đảng ủy, Chủ tịch UBND xã không ký được văn bản vì... run tay, hậu quả của việc uống rượu nhiều. Thậm chí, có người từ 8 giờ sáng đã phải uống rượu mới “xử lý” công việc.

Hứa Xuyên Huỳnh

>> Ngăn chặn nạn “ăn cắp” thời gian làm việc: Quyết liệt với cán bộ, công chức!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.