Ngăn chặn 'quà cảm ơn' biến tướng: Ứng xử thế nào với 'quà cảm ơn'?

28/08/2023 07:20 GMT+7

Quà cảm ơn đang bị biến tướng thành "cầu nối" lợi ích giữa doanh nghiệp vi phạm và cán bộ biến chất. Loại bỏ "luật bất thành văn" mang tên phong bì, quà cảm ơn, là nhiệm vụ và đòi hỏi cốt lõi trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Cán bộ phải từ chối

Theo luật Phòng, chống tham nhũng, trong mọi trường hợp, tổ chức hoặc người có chức vụ, quyền hạn không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức từ đối tượng liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Nghị định 59/2019 hướng dẫn thêm, trường hợp không thể từ chối, sau khi nhận quà, cán bộ phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, nộp lại quà tặng trong vòng 5 ngày. Quy định đã có và rất rõ, nhưng vì sao vẫn xảy ra câu chuyện cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh nhận túi tiền 200.000 USD từ Công ty Việt Á rồi cất vào phòng ngủ, một tháng sau mới mở ra xem; hoặc cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng được doanh nghiệp (DN) chi hối lộ tới 21,5 tỉ đồng nhưng lại nói thời điểm nhận tiền chỉ nghĩ đơn giản là "tiền cảm ơn", phải đến khi làm việc với cơ quan điều tra, đọc hai cuốn sách luật thì mới biết là vi phạm.

Ngăn chặn 'quà cảm ơn' biến tướng: Ứng xử thế nào với 'quà cảm ơn' ? - Ảnh 1.

Thực tế cho thấy, việc đưa và nhận phong bì được gọi tên bằng mỹ từ "quà cảm ơn" đang ngày càng nhiều. Một điều sai trái lại dần trở thành bình thường, mặc định với cả người nhận và người đưa mỗi khi giải quyết công việc. Người đưa vì muốn nhanh chóng được việc thì nghĩ ngay tới đưa phong bì; người nhận vì có quà nên làm, nếu không có thì không làm hoặc làm không hết trách nhiệm, vòi vĩnh, gây phiền hà. Thậm chí, phong bì còn là "hình thức để mua quan, bán chức", như nhận định thẳng thắn của ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN.

Đáp án cho câu hỏi nằm ở đạo đức công vụ của những người được giao quyền hạn, chức vụ. Những vụ án vừa qua là ví dụ về những cán bộ sử dụng quyền lực được nhà nước giao phó để ban phát, đổi chác lợi ích; một số thì không hiểu hoặc cố tình không hiểu khi cho rằng mình đã làm đúng nên nhận quà cảm ơn là không có gì sai trái. Cần hiểu rằng, một cá nhân được bổ nhiệm giữ chức vụ, ngoài quyền hạn thì họ phải có nghĩa vụ thực hiện đúng, đủ nhiệm vụ mà chức vụ ấy gánh vác. Do đó, việc làm đúng là trách nhiệm chứ không phải giúp đỡ hay ban phát, không thể nói vì mình làm tốt nên được quyền nhận quà cảm ơn. "Tất cả những cái mà anh làm trong chức phận của anh thì người ta đã cảm ơn anh rồi, cảm ơn qua lương đóng góp bằng tiền thuế của người dân. Nếu mà nói cái chuyện ơn huệ sòng phẳng thì như vậy", ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bày tỏ quan điểm.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: "Ở ta văn hóa quà cáp là có, nhưng văn hóa liêm sỉ lại không". Theo ông, nếu như cán bộ, quan chức không có "văn hóa liêm sỉ" này và xã hội không thúc đẩy văn hóa liêm sỉ thì không thể chấm dứt những biến tướng của những món quà cảm ơn tiền tỉ. "Cả người đưa lẫn người nhận đều biết được rằng mức bao nhiêu thì đó là tôi đang mua anh, mức bao nhiêu thì đó là sự biết ơn, lịch sự. Rõ ràng ai cũng cảm nhận được cái đó chứ. Nếu anh có liêm sỉ thì nhận phong bì nặng như vậy, anh thấy ngượng chứ, bị xúc phạm chứ vì nó mua anh mà", ông Dũng nói.

"Trách nhiệm của nhà nước là phải từng bước cải thiện đời sống của cán bộ để người ta không cần tham nhũng. Đó là một trong những nguyên tắc, mục tiêu của phòng, chống tham nhũng. Nhưng trước hết, người cán bộ cũng phải xác định ngay từ đầu, vào nhà nước là phải chấp nhận chuyện đó (khó khăn - PV), chứ không phải vào để làm giàu".

Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội

Bịt lỗ hổng trong xử lý vi phạm

Song để hình thành văn hóa liêm sỉ trong cán bộ, khi cán bộ phải biết rằng lúc thực hiện chức phận được giao là đã được cảm ơn thông qua tiền lương từ những đồng tiền thuế của dân, thì không được nhận cảm ơn, dù chỉ là một đồng, một cắc như ông Nguyễn Sĩ Dũng mong đợi không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Chống tham nhũng, tiêu cực không thể bằng khẩu hiệu đơn thuần.

TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cho rằng khi cơ quan tố tụng không thể xử lý được những món quà cảm ơn tiền tỉ là nhận hối lộ như trường hợp của cựu Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh sẽ dẫn tới nhiều nguy hại. Các cán bộ vi phạm khác sẽ nhìn vào đó để làm "kinh nghiệm" thoát tội cho bản thân. "VN thiếu nguyên tắc "lẽ thường" (common sense) mà nhiều nước áp dụng. Không ai chấp nhận một câu chuyện phi logic, ví dụ nhận quà mà bảo không mở ra xem, hay như việc đến tận trụ sở công quyền để đưa tiền, quả thật là điều rất trớ trêu, mang cả túi tiền đến nhưng lại bảo nhận rồi để đó. Điều này không thể chấp nhận vì phi thực tế, phi tự nhiên", ông Minh nói.

Dẫn chứng quy định tại luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định 59/2019, TS Đinh Văn Minh cho rằng mọi khoản nhận từ hoạt động công vụ đều phải coi là không đúng quy định pháp luật, là nhận hối lộ. Pháp luật đã quy định không được nhận dưới mọi hình thức, nếu nhận rồi thì phải nộp lại, không có lý do gì nhận mà bảo không biết hoặc để đó cả tháng trời mới mở ra xem. Và để "đối phó" những tình huống phát sinh trong thực tiễn mà pháp luật chưa phản ánh kịp, cần xây dựng các án lệ liên quan đến quà cảm ơn, để thống nhất nhận thức khi áp dụng và xử lý vi phạm, tránh trường hợp mỗi vụ việc lại xuất hiện những lý do bao biện khác nhau.

Ông Trương Việt Toàn, nguyên thẩm phán, Phó chánh tòa hình sự, TAND TP.Hà Nội, phân tích rằng bộ luật Hình sự từ trước đến nay không đưa ra khái niệm thế nào là hứa hẹn, trao đổi, bàn bạc. Trong khi đó, theo khoa học pháp lý, "hành vi" nghĩa là hành động hoặc không hành động; xưa nay chúng ta thường để ý tới "hành động" mà ít coi trọng "không hành động". Việc đưa quà cảm ơn mà không có sự bàn bạc, trao đổi, người đưa và người nhận ngầm hiểu với nhau "cứ làm đi rồi sẽ được hưởng lợi" chính là hành vi không hành động. Thực tiễn trên cho thấy nếu cứ theo hướng chứng minh được có sự bàn bạc, trao đổi thì quá rõ ràng rồi; người tiến hành tố tụng phải thực sự chuyên sâu, liên tục cập nhật nhận thức để theo kịp, linh hoạt khi xử lý tội phạm.

Tham nhũng nói chung, vấn nạn quà cảm ơn nói riêng, giống như "tảng băng chìm". Nếu chỉ xử lý vi phạm thì mới thấy phần nổi; muốn nhìn rõ phần chìm cần có cơ chế phòng ngừa từ xa, để vi phạm không thể xảy ra. Một yếu tố quan trọng đó là kiểm soát xung đột lợi ích. Hiểu nôm na, cán bộ làm việc trong lĩnh vực nào thì không được xác lập mối quan hệ ngoài công vụ với đối tượng nằm trong vùng mà mình quản lý. Những mối quan hệ ấy chính là mầm mống để xuất hiện các cuộc trao đổi dưới "vỏ bọc" quà cảm ơn.

"Anh cấp các loại giấy phép cho DN thì không bao giờ được phép tiếp xúc ngoài với DN đó. Bộ trưởng một bộ nào đấy có liên quan tới DN mà thấy đi chơi golf với DN, thậm chí đi xem hát, xem bóng đá với DN là không được rồi", ông Nguyễn Sĩ Dũng nêu ví dụ, và cho rằng để tránh xung đột lợi ích trong chức phận mà mình được giao, tránh ảnh hưởng đến những quyết định của bản thân, cán bộ, công chức phải tuân thủ những chuẩn mực mà pháp luật đã quy định. 

Có nên lượng hóa giá trị quà tặng ?

Hiện chưa có quy định thế nào là tặng quà phù hợp, tặng ra sao là trong sáng, là tình cảm; bởi vậy có thể khó phân biệt đâu là quà cảm ơn, đâu là đưa hối lộ. Có ý kiến đề xuất cần lượng hóa quà cảm ơn là bao nhiêu, để xác định thế nào là quà có giá trị bất thường, để có căn cứ xử lý vi phạm.

Năm 2007, Thủ tướng từng ban hành Quyết định số 64/2007, trong một số trường hợp cán bộ, công chức có thể nhận quà tặng trị giá dưới 500.000 đồng. Quy định này sau đó được bãi bỏ.

TS Đinh Văn Minh cho rằng lượng hóa hay không đều không nói lên cốt lõi vấn đề. Bản chất ở đây là cán bộ có chức vụ, quyền hạn không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức, nếu ép buộc bằng nhiều hình thức để gây khó khăn, nhũng nhiễu, buộc phải "bôi trơn", thì dù ít hay nhiều vẫn là nhận hối lộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.