Ngăn chặn thảm nạn giao thông nửa đêm về sáng: Đừng xem thường đạo đức lái xe

09/03/2023 07:08 GMT+7

Dù các quy định pháp luật đã rất cụ thể, chế tài ngày càng nghiêm khắc với các hành vi vi phạm giao thông, hạ tầng giao thông cũng đã hoàn thiện hơn rất nhiều… Thế nhưng, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và nguy cơ của nó vẫn ở mức báo động.

Có bằng lái chỉ là điều kiện cần

Nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông (TNGT) thì rất nhiều: lỗi kỹ thuật của phương tiện (mất lái, mất phanh, nổ lốp…); tài xế phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá tải, không tuân thủ các quy định về tốc độ, sử dụng chất kích thích…; việc quản lý lỏng lẻo của đơn vị kinh doanh vận tải, buộc tài xế phải lái xe trong một thời gian dài, quá sức, ngủ gật…; đường xấu, nhiều ổ gà, mố cầu hư hỏng nặng, không kịp sửa chữa…

Ngăn chặn thảm nạn giao thông nửa đêm về sáng: Đừng xem thường đạo đức lái xe  - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông của xe khách 16 chỗ BS 76B - 006.60 lúc 3 giờ 41 ngày 14.2 tại H.Núi Thành (Quảng Nam) khiến 10 người tử vong, 11 người bị thương

MẠNH CƯỜNG

Liệt kê ra thì rất nhiều, và tranh luận sẽ trở nên rất gay gắt. Tuy nhiên, nguyên nhân chính yếu được nhiều chuyên gia đồng tình nhất vẫn là ý thức an toàn của người tham gia giao thông, đặc biệt là vai trò của người tài xế.

Thử so sánh, những chuyến máy bay được vận hành vô cùng phức tạp, với tốc độ bay lên tới gần 800 - 900 km/giờ, lại là những thiết bị bay trên trời… nhưng tại sao hiếm xảy ra tai nạn đến thế. Trong khi những chiếc xe ô tô, chạy trên mặt đường với tốc độ rất thấp, tốc độ lưu thông trung bình ở nước ta cũng chỉ ở mức 40 - 60 km/giờ, nhưng số vụ TNGT vẫn cứ cao? Vì một phi công được tuyển dụng và đào tạo rất bài bản, theo các quy chuẩn quốc gia và quốc tế, bên cạnh đó là các quy định nghiêm ngặt về giám sát vận hành, đặc biệt là số giờ bay/ngày.

VẤN ĐỀ VẪN LÀ GIÁM SÁT, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM), tại điều 65 luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô: không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Nếu người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Đối với các lái xe ô tô chạy tuyến đường dài (bao gồm xe khách, xe du lịch), luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định: ngoài việc không được lái xe quá 10 giờ/ngày và liên tục 4 giờ, thì một lái xe chạy khoảng 2 giờ rưỡi đến 3 giờ thì phải nghỉ từ 30 - 45 phút rồi mới tiếp tục hành trình.

Theo luật sư Mạch, ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa như (container, xe đầu kéo, xe tải) bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị giám sát hành trình phải được hợp quy, đảm bảo ghi nhận, truyền dẫn đầy đủ, liên tục về máy chủ của đơn vị kinh doanh. Phải ghi và lưu trữ dữ liệu trong bộ nhớ thiết bị về hành trình, tốc độ, thông tin lái xe, thời gian lái xe liên tục, số lần và thời gian dừng đỗ xe.

Thông qua thiết bị giám sát hành trình đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ biết được các thông tin cần thiết xem có đảm bảo quy định hay không và xử lý những xe vi phạm. Quy định đã rất rõ, vấn đề vẫn là giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ngược lại, điều kiện đầu vào cũng như đào tạo, sát hạch, cấp bằng cho một tài xế xe khách - người mà có vai trò quyết định sinh mạng của hàng chục hành khách lại khá đơn giản, chỉ tập trung vào kỹ năng thực hành lái xe, mà rất ít chú trọng đến yếu tố trình độ học vấn, ý thức, đạo đức nghề nghiệp…

Theo quy định hiện nay, điều kiện của một người học lái ô tô B1, B2 là trên 18 tuổi… mà không có các điều kiện kèm theo khác. Nên chăng cần có những quy định bổ sung về điều kiện hành nghề tài xế, đặc biệt là tài xế lái xe dịch vụ, xe khách, xe vận tải thuộc nhóm nguy cơ cao xảy ra thảm họa giao thông.

Theo đó, có bằng lái chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ chính là phải được đào tạo nghiệp vụ, huấn luyện về đạo đức, tác phong… Giấy phép hành nghề sẽ được cơ quan quản lý nhà nước cấp và quản lý minh bạch, rõ ràng.

PHẢI PHÁT HUY CHO BẰNG ĐƯỢC thiết bị giám sát hành trình

Một điểm rất đáng chú ý khác là phần lớn các TNGT nghiêm trọng lại xảy ra ở khung giờ nửa đêm về sáng (0 - 5 giờ), vì đặc điểm của khung giờ này là đường vắng, tài xế thường xuyên lái xe vượt tốc độ trong một trạng thái sinh học rất dễ buồn ngủ.

Với các quy định pháp luật cũng đã rất cụ thể (Thông tư 12/2020/TT-BGTVT), bao gồm cả thời gian lái xe cho phép của một tài xế/ngày. Và các giải pháp công nghệ hỗ trợ giám sát việc vận hành phương tiện cũng như tài xế đã sẵn có.

Một thiết bị giám sát hành trình hợp quy, hay còn gọi là "hộp đen" trên xe khách đã cho phép quản lý các thông số sau: Giám sát vị trí xe trực tuyến dựa trên vị trí, tốc độ, các thông số kỹ thuật mà thiết bị định vị xe khách gửi về hệ thống giám sát; theo dõi lộ trình xe chạy; cảnh báo vi phạm khi xe đi vào đường ngược chiều, vượt quá tốc độ cho phép, quá thời gian lái xe liên tục...; xem báo cáo tổng hợp và chi tiết về lộ trình, mức tiêu hao nhiên liệu, số lần dừng đỗ, số lần vi phạm của xe.

Bên cạnh đó, các thiết bị định vị hợp chuẩn, hợp quy còn có thể tích hợp với các thiết bị ngoại vi khác như camera giám sát để theo dõi hình ảnh trực tuyến trên xe khách.

Tương tự bài học kinh nghiệm được rút ra từ việc áp dụng bắt buộc dán nhãn ETC, thu phí tự động…, thì một giải pháp thống nhất, có tính bắt buộc nhằm quản lý tập trung dữ liệu vận hành phương tiện và sự tuân thủ chấp hành của tài xế, sẽ giúp giảm thiểu đáng kể TNGT.

Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có sự ngồi lại từ rất nhiều cơ quan liên quan: Bộ GTVT, Bộ Công an, các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, tổ chức vận tải, chuyên gia đầu ngành… Mục tiêu là kết hợp hiệu quả nhất giữa giải pháp công nghệ và việc thực thi chính sách. Cùng với đó, một giải pháp thống nhất nhằm theo dõi, giám sát, quản lý trực tuyến và tập trung quá trình vận hành của phương tiện và tài xế, sẽ giúp chấn chỉnh vi phạm, góp phần đáng kể giảm thiểu tai nạn giao thông.

Quy định thời gian lái xe mỗi ngày tại các nước

Malaysia

Tài xế xe vận tải thương mại, xe dịch vụ công cộng, xe chở hàng, xe du lịch không được lái xe liên tục quá 4 giờ, mỗi ngày lái xe tối đa 8 giờ và không quá 12 giờ làm việc mỗi ngày (tính thời gian lái xe và các công việc liên quan khác). Tài xế phải được nghỉ 30 phút sau mỗi 4 giờ, nghỉ 1 ngày sau mỗi 6 ngày làm việc và nghỉ tối thiểu 12 giờ trước khi bắt đầu hành trình đầu tiên.

Trung Quốc

Thời gian lái xe liên tục vào ban ngày không quá 4 giờ, thời gian lái xe liên tục vào ban đêm không quá 2 giờ và thời gian nghỉ ngơi cho mỗi lần dừng không dưới 20 phút.

Tài xế không được lái xe quá 8 giờ trong một ngày. Thời gian lái xe tích lũy trong 7 ngày liên tục không được vượt quá 44 giờ. Trong thời gian đó, người lái xe phải được nghỉ ngơi hợp lý.

Xe khách không được chạy vào ban đêm trên một số tuyến đường có tiêu chuẩn di chuyển an toàn thấp. Đặc biệt, xe khách đường dài phải ngừng hoạt động từ 2 - 5 giờ sáng hoặc phải thực hiện việc nối chuyến, thay tài xế.

Mỹ

Theo quy định của Cơ quan Quản lý an toàn vận tải liên bang (FMCSA), tài xế chở hàng được lái xe không quá 11 giờ sau 10 giờ nghỉ liên tiếp. Cứ mỗi 8 giờ lái xe liên tiếp, tài xế phải có khoảng nghỉ tối thiểu 30 phút. Bên cạnh đó, tài xế không được tiếp tục công việc lái xe sau mỗi ca làm kéo dài 14 giờ (ca làm tính thời gian lái xe và các công việc liên quan khác) và chỉ được lái xe trở lại sau 10 giờ nghỉ liên tiếp.

Đối với tài xế xe khách, thời gian lái xe tối đa là 10 giờ sau 8 giờ nghỉ liên tiếp. Tài xế không được tiếp tục công việc lái xe sau mỗi ca làm kéo dài 15 giờ và chỉ được lái xe trở lại sau 8 giờ nghỉ liên tiếp.

Liên minh Châu Âu

Theo quy định của Liên minh Châu Âu (EU), tài xế không được lái xe quá 9 giờ một ngày, tổng thời gian lái xe trong một tuần không quá 56 giờ, tổng thời gian lái trong 2 tuần liên tiếp không quá 90 giờ. Bên cạnh đó, cứ mỗi 4 giờ rưỡi lái xe thì tài xế phải được nghỉ ít nhất 45 phút.

Bảo Vinh (tổng hợp)

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.