Được sự giới thiệu của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Cà Mau, chúng tôi đã đến tìm hiểu thực tế tại huyện Trần Văn Thời. Ông Mai Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục huyện cho biết: Phong trào giáo dục của huyện được đánh giá cao trong tỉnh, toàn tỉnh có 9 trường đạt chuẩn quốc gia, thì huyện chiếm tới 4 trường (chưa tính 2 trường sắp được công nhận).
Việc đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng cho nhu cầu giáo dục có những bước tiến đáng kể. Năm 2000 đã thanh toán dứt điểm tình trạng dạy 3 ca. Năm 2003, xóa hết hình ảnh các điểm trường vách lá tạm. Chương trình kiên cố hóa trường học triển khai từ năm 2003 đến nay với mục tiêu hoàn thành 410 phòng học mới trong toàn huyện. Tuy vậy, tại địa phương vẫn còn khá nhiều những ngôi trường bán kiên cố xây dựng đã lâu, nay xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn chưa có nguồn kinh phí nào để khắc phục. Điển hình là Trường Tiểu học Khánh Bình Đông I, thuộc xã Khánh Bình Đông, một xã thuộc vùng dự án 135, nơi có nhiều hộ nghèo, nhiều đồng bào dân tộc, điều kiện đi lại khá khó khăn...
Đúng như ông Hải phản ảnh, Trường Tiểu học Khánh Bình Đông I, ngoài hai hàng cây bàng tỏa bóng mát trong sân tạo phong cảnh dễ nhìn thì hầu như chẳng có gì đáng giá. Trường có tổng cộng 2 dãy phòng học (trong đó đã phải sử dụng tạm 2 phòng làm phòng giám hiệu và phòng chứa các dụng cụ). Ban giám hiệu trường cho biết dãy A được xây năm 1997, còn dãy B xây năm 1996, với diện tích mỗi phòng (tính cả hành lang) khoảng 72m2 nhưng kinh phí đầu tư bình quân chỉ trên dưới 20 triệu đồng/phòng nên chất lượng kém. Phòng giám hiệu không có gì ngoài một tấm bảng nhỏ và một bộ bàn ghế băng dài dùng làm việc vừa dùng để hội họp. Các phòng học thì phần nền lót gạch tàu tất cả đều đã bung lên, gạch vỡ ra thành từng mảnh nhỏ trộn lẫn với cát nền làm thành những mặt bằng chông chênh, lớp mái lợp bằng tôn phibro xi măng phần lớn cũng giòn gãy, nứt nẻ, trong đó lớp mái của dãy B đã hết độ an toàn để tận dụng, còn các cửa phòng bằng gỗ, cái thì mục ván, cái bục khung.
Ông Đặng Văn Đỏ - Phó hiệu trưởng trường không giấu được nỗi ray rứt: "Năm học 2004-2005, trường có 18 lớp tiểu học, 3 lớp mẫu giáo với 469 em học sinh, năm học tới có 17 lớp tiểu học, 4 lớp mẫu giáo với sĩ số tới 491 em nhưng sân trường là sân đất. Chúng tôi rất muốn làm một cái nền xi măng dù chỉ chừng trên dưới 100m2 để tiện cho sinh hoạt tập thể của các em ngoài trời nhưng cũng không biết đào đâu ra tiền; vận động từ phụ huynh học sinh cũng rất khó bởi ở đây các gia đình đều nghèo. Bởi vậy, biết được ý định tốt đẹp của Ngân hàng ANZ, chúng tôi rất mong ngân hàng có dịp đến đây để hiểu rõ tình cảnh của chúng tôi và quan tâm hỗ trợ cho chúng tôi dù trong chừng mực nào, chúng tôi cũng rất mừng và rất cảm kích".
Có lẽ lời tâm sự trên của vị Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Bình Đông I không nằm ngoài mối quan tâm mà Ngân hàng ANZ đã gửi gắm tới báo Thanh Niên: "Biết rằng phần chia sẻ của chúng tôi là nhỏ bé nhưng tin rằng quý báo sẽ chấp nhận hỗ trợ chúng tôi thực hiện mong ước thắp sáng niềm tin, hy vọng cho các em học sinh...".
Khoa Chiến - Lâm Hùng
Bình luận (0)