'Ngân hàng bán vàng khoảng 10 phiên, chênh lệch giá chỉ còn vài ba triệu'?

01/06/2024 15:41 GMT+7

Đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng nhằm thu hẹp chênh lệch giá vàng là phương án phù hợp hiện nay, không ít chuyên gia nhấn mạnh, điểm mấu chốt nhất là cơ chế giá và lượng vàng bán ra.

Mấu chốt nhất là cơ chế giá

Trong 3 ngày qua, giá vàng miếng SJC liên tục "lao dốc". Từ mức đắt hơn vàng thế giới 18,3 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch giá của vàng miếng SJC với vàng thế giới hiện chỉ còn 12,5 triệu đồng/lượng.

Theo một số doanh nghiệp, do lực bán mạnh và liên tục nên họ phải hạ giá mua vào, nới rộng cách biệt mua bán lên từ 2 - 5 triệu đồng/lượng.

'Ngân hàng bán vàng khoảng 10 phiên, chênh lệch giá chỉ còn vài ba triệu'?- Ảnh 1.

Giá vàng giảm nhanh sau thời điểm các ngân hàng thương mại nhà nước công bố phương án bán vàng miếng can thiệp thị trường theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước

TN

Giá vàng giảm nhanh sau thời điểm các ngân hàng thương mại nhà nước công bố phương án bán vàng miếng can thiệp thị trường theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Đánh giá về giải pháp mới bình ổn thị trường vàng được thực hiện từ ngày 3.6 tới, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, đây là một giải pháp cần thiết nhằm tăng nguồn cung vàng, đảm bảo giá cả hợp lý và tính công khai, minh bạch. Nguồn cung vàng miếng được tăng lên một cách cụ thể, trực tiếp do không bị găm giữ hay đầu cơ, đến thẳng tay người tiêu dùng.

Cách làm này được ông Lực đánh giá là có thể tận dụng mạng lưới chi nhánh của các ngân hàng thương mại lớn. "Việc này cùng với tăng cường thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng cũng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng găm hàng, buôn lậu, trục lợi chính sách...", ông Lực nói.

Thống đốc NHNN: Biến động giá vàng không ngoại trừ hành vi đầu cơ, đẩy giá

Trao đổi với Thanh Niên, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh phân tích, tuy hình thức khác đấu thầu vàng, song bán vàng cho dân qua các ngân hàng thương mại về bản chất vẫn là giải pháp tăng nguồn cung vàng. Điểm mấu chốt nhất vẫn là chờ xem giá cả và số lượng bán ra của Ngân hàng Nhà nước như thế nào.

Nhìn nhận việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước là phương án phù hợp trong giai đoạn hiện nay, hướng tới thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi, song TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lưu ý điểm cốt yếu nhất trong phương án can thiệp mới này là cơ chế giá.

Phương án này cần xác định cách tiếp cận rõ ràng là: ngân hàng thương mại nhận ủy thác vàng từ Ngân hàng Nhà nước và bán ra thị trường theo giá Ngân hàng Nhà nước quy định. Không đặt ra yêu cầu để các ngân hàng thương mại kiếm lời trong nghiệp vụ ủy thác này.

"Chẳng hạn, giá thị trường là 88 triệu đồng/lượng vàng trong khi giá nhập khẩu là 72 triệu đồng/lượng, chênh lệch 16 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước quy định giá bán ra thị trường là 86 triệu đồng/lượng thì các ngân hàng thương mại mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước với giá 85,9 triệu đồng/lượng, tức hưởng phí hoa hồng ủy thác 100.000 đồng/lượng vàng.

Mỗi lần bán can thiệp thì thu hẹp chênh lệch giá xuống khoảng 2 triệu đồng/lượng. Tôi tin rằng trong khoảng 10 phiên, chênh lệch giá chỉ còn lại vài ba triệu đồng", ông Phước bày tỏ quan điểm.

Xây dựng thị trường vàng chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế

Nhấn mạnh nếu xem các ngân hàng thương mại như đại lý ủy thác và Ngân hàng Nhà nước ấn định giá bán ra thị trường với một khoảng cách chênh lệch định trước với giá quốc tế thì khoảng 10 phiên, chênh lệch giá vàng sẽ sớm thu hẹp, song theo ông Phước, về lâu về dài để ổn định thị trường vàng, phải có cách tiếp cận khác.

Cụ thể, để có một thị trường vàng hiệu quả phải xây dựng một thị trường vàng chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Ở đó, thị trường được tiếp nhận các công cụ, dịch vụ theo quy luật cung - cầu và rời xa dần tập quán mua bán vàng dưới dạng vật chất.

"Một thị trường với các chứng chỉ vàng, các giao dịch vàng tài khoản… sẽ cho thấy các tiện ích vượt trội so với vàng vật chất mà người dân tiếp nhận. Các chứng chỉ vàng hay giao dịch vàng tài khoản thì mức giá chính là giá quốc tế. Cho nên, cần phải chỉnh sửa ngay Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để có một khuôn khổ pháp lý hội nhập quốc tế sâu hơn, có một thị trường chuyên nghiệp hơn", ông Phước nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều chuyên gia kinh tế cùng đưa ra cảnh báo người dân cần hết sức cẩn trọng trong các giao dịch vàng sắp tới. Lý do, thị trường vàng có nhiều biến động. Đây là thị trường có khả năng sinh lời nhưng cũng hết sức rủi ro, đặc biệt khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng phương thức bán vàng can thiệp trực tiếp.

Hiện tại, cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank đều đã công bố cụ thể kế hoạch bán vàng miếng SJC.

Theo đó, từ ngày 3.6 tới, các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ triển khai bán vàng miếng SJC cho các khách hàng cá nhân. Căn cứ giá mua vàng miếng từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ xác định và công bố giá bán vàng miếng SJC tại website và tại các địa điểm bán vàng của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ thực hiện bán vàng miếng SJC cho khách hàng cá nhân và không thực hiện mua vàng miếng SJC từ khách hàng.

Trong thông báo của mình, các ngân hàng thương mại nhà nước đều lưu ý, trong trường hợp dự kiến mua vàng với khối lượng lớn, để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, khách hàng chuẩn bị sẵn thông tin để khai báo hoặc thực hiện mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại nhà nước trước khi giao dịch hoặc thực hiện thanh toán bằng hình thức chuyển khoản để thuận tiện, nhanh chóng hơn trong giao dịch.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.