Theo ông Nhật, doanh nghiệp hiện có 4 kênh huy động vốn là từ khách hàng, trái phiếu cổ phiếu, quỹ đầu tư (trong nước và ngoài nước) và tín dụng từ ngân hàng. Hiện nay các nguồn vốn này đều vướng. Thông tin ngân hàng siết tín dụng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng làm nguồn vốn từ kênh này cũng bị ách.
Ông Nguyễn Minh Nhật, Tổng Giám đốc Vạn Xuân Group |
Độc Lập |
Chúng tôi là doanh nghiệp kinh doanh căn hộ và đất nền, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 sản phẩm các loại, nhưng giờ đều bị vướng kể cả các dự án đầu tư ở các tỉnh. Cái vướng lớn nhất của doanh nghiệp là về vốn và hành lang pháp lý. Để bán được hàng thì doanh nghiệp phải hoàn thành phần nền móng và hồ sơ pháp lý. Để làm được tới khâu này thì vốn từ đâu ra? - Phải nhờ vào tín dụng từ ngân hàng. Tôi làm hồ sơ vay ngân hàng từ 3 – 4 năm nay, hiện nay chúng tôi có khoản vay hơn 2.000 tỉ đồng đang chờ ngân hàng giải ngân. Nhưng các ngân hàng từ tháng 3 đến nay bảo “hết room” nên chưa chịu giải ngân và cho biết từ tháng 6 sẽ giải ngân lại với mức độ hạn chế. Một số ngân hàng ngưng giải ngân cho khách hàng mua nhà hình thành trong tương lai.
TỌA ĐÀM: Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản |
Ông Nhật tâm tư: “Tại tọa đàm, các đại diện ngân hàng bảo vẫn cho vay bình thường nhưng ở góc độ doanh nghiệp tôi xin nói thẳng là chẳng bình thường chút nào. Tôi có cảm giác là ngân hàng có 2 luồng phê duyệt hồ sơ. Tôi đi gặp các ngân hàng, mỗi ngân hàng nói một kiểu nên doanh nghiệp rất là rối. Doanh nghiệp sống sót vượt qua tâm dịch Covid-19 đã là rất may mắn kinh khủng rồi. Nhưng thông tin vay vốn từ ngân hàng làm chúng tôi rất bất an. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm doanh nghiệp BĐS rất cần nguồn vốn từ ngân hàng”.
Ông Nhật cũng kiến nghị để ổn định thị trường BĐS cần có hành lang pháp lý rõ ràng thông thoáng để doanh nghiệp dễ tiếp cận chính sách và triển khai dự án. Hiện nay, tất cả 4 kênh huy động vốn đều bị vướng không riêng gì khâu tín dụng từ các ngân hàng. BĐS là đối tượng kinh doanh có khả năng sinh lời cao và chúng tôi chấp nhận lãi suất 13 – 14%. Tôi hy vọng sau tọa đàm này thì những khó khăn của doanh nghiệp về vốn sẽ được tháo gỡ.
Bà Võ Thị Hồng Mai, Phó TGĐ Công ty Asian Holding |
Độc Lập |
Có đồng quan điểm, bà Võ Thị Hồng Mai, Phó TGĐ Công ty Asian Holding, nêu ý kiến: Khách hàng có đối tượng mua nhà để ở cũng có đối tượng mua đầu tư, nhưng tổng số lượng khách cần tới nhu cầu đòn bẩy tài chính từ ngân hàng khoảng 20 – 30%. Sau khi có thông tin ngân hàng siết tín dụng thì thị trường vốn trầm lắng lại thêm ảm đạm và khó khăn hơn. "Thông qua hội thảo chúng tôi cũng mong muốn ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn, “nới room” tín dụng cho doanh nghiệp và cả khách hàng để thị trường có thể ấm lại trong 6 tháng cuối năm".
Bình luận (0)