Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt đến mức nào thì Ngân hàng Nhà nước can thiệp?

Mai Hà
Mai Hà
15/01/2024 15:21 GMT+7

Theo quy định hiện hành, một số tổ chức tín dụng yếu kém hiện nay đã đủ điều kiện kiểm soát đặc biệt, nhưng theo dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ chỉ được "can thiệp sớm". Đại biểu lo ngại điều này có thể gây rủi ro lớn hơn cho an toàn hệ thống.

Tiếp tục kỳ họp bất thường thứ 5 Quốc hội khóa XV chiều 15.1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt đến mức nào thì Ngân hàng Nhà nước can thiệp?- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh

GIA HÂN

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6).

Đáng chú ý, theo ông Thanh, trong quá trình tiếp thu, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng theo quy định hiện hành, một số tổ chức tín dụng yếu kém hiện nay đã đủ điều kiện đặt vào kiểm soát đặc biệt. Nhưng theo quy định tại dự thảo luật sẽ chỉ được can thiệp sớm, có thể gây rủi ro lớn hơn cho sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định những trường hợp như mất thanh khoản hoặc rút tiền hàng loạt nên chuyển về kiểm soát đặc biệt, để đúng với tính chất, mức độ, do can thiệp sớm là việc tổ chức tín dụng tự khắc phục ở bước đầu, vẫn còn trong trạng thái an toàn.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ ngân hàng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước? Đồng thời, cho rằng việc can thiệp sớm cần được thực hiện ngay khi có những dấu hiệu cảnh báo vi phạm trong quản trị, điều hành ngân hàng, vi phạm các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng không quá dài...

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp.

Cụ thể, số lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.

Hoặc xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục; vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời gian 6 tháng liên tục; bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước.

Xem nhanh 12h: Khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 Quốc hội khóa XV

Cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công khai danh tính

Xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng là một trong những nội dung quan trọng được tiếp thu, điều chỉnh.

Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt đến mức nào thì Ngân hàng Nhà nước can thiệp?- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành tại phiên họp Quốc hội sáng 15.1

GIA HÂN

Trong quá trình góp ý, một số đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu thêm các quy định về xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng trên cơ sở tổng kết thực tiễn quản lý hoạt động của các ngân hàng, nhất là xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát và quy định cụ thể hơn về các nội dung này, hướng đến mục tiêu xử lý được vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối các ngân hàng...

Theo UBTVQH, các quy định tại dự thảo luật tiếp tục được hoàn thiện để tăng cường minh bạch hoạt động của ngân hàng. Cụ thể, bổ sung các quy định để bảo đảm hơn quyền tham gia quản trị, điều hành của cổ đông, nhóm cổ đông thiểu số như quyền đề cử nhân sự để bầu làm thành viên hội đồng quản trị, quyền yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường.

Đặc biệt, tăng cường hơn nữa minh bạch trong hoạt động, quản trị, điều hành của ngân hàng thông qua việc bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của ngân hàng trở lên.

Bổ sung trường hợp ngân hàng, công ty con của ngân hàng không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, ngân hàng khác là người có liên quan của cổ đông lớn, thành viên góp vốn của ngân hàng đó.

Theo UBTVQH, các quy định theo dự thảo luật do Chính phủ đề xuất nhằm hạn chế việc thao túng, chi phối quản trị, điều hành của cổ đông lớn, người có liên quan tại ngân hàng, ngăn ngừa tình trạng cho vay đối với doanh nghiệp “sân sau” của các ngân hàng hoặc cổ đông lớn.

Tuy nhiên, UBTVQH nhận thấy, để bảo đảm hiệu quả trong thực thi quy định pháp luật, bên cạnh những quy định cụ thể tại luật, Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.

Trong đó có sự tăng cường trao đổi, phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành nhằm kịp thời phát hiện những hành vi cố tình “lách” các quy định về sở hữu cổ phần, về người có liên quan, hoặc xác định các quan hệ giữa cổ đông lớn của ngân hàng với các doanh nghiệp “sân sau”.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống thông tin của cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp để minh bạch hóa thông tin về cá nhân, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động ngân hàng. UBTVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục hoàn thiện các quy định nhằm phòng ngừa rủi ro và tiệm cận với thông lệ quốc tế.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.