Ngân hàng cũng sòng phẳng: Bảo đảm được quyền lợi người gửi tiền

27/10/2016 14:32 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết Ngân hàng cũng sòng phẳng trên mục Chào buổi sáng của Thanh Niên số phát hành ngày 26.10.

Nên làm sớm
Ý kiến cho phá sản, giải thể ngân hàng yếu kém đã xuất hiện từ rất lâu rồi. Tuy vậy, làm được hay không là một vấn đề khác. Rõ ràng ngân hàng cũng là doanh nghiệp (DN), hoạt động kinh doanh có lời có lỗ. Lời thì DN được hưởng, lỗ thì phải chịu trách nhiệm với khách hàng, với xã hội.
Tại sao DN giải thể, phá sản mà ngân hàng thì không? Một khi nhà nước bảo đảm chắc chắn rằng nếu một ngân hàng nào đó phá sản thì nhà nước sẽ đứng ra bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền và bảo đảm cả hệ thống thì việc cho giải thể ngân hàng yếu kém nên và làm sớm.
Võ Nghiêm Minh
(Q.10, TP.HCM)
Xử lý trách nhiệm cá nhân
Rõ ràng để tồn tại hay phá sản ngân hàng yếu kém thì nhà nước vẫn chịu thiệt. Chi bằng cứ cho phá sản, nhà nước xử lý một lần rồi thôi còn hơn là để kéo dài, chịu thiệt càng nhiều. Để làm điều này đòi hỏi Chính phủ phải quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, DN yếu kém. Đành rằng bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng là rất cần thiết nhưng những ngân hàng làm ăn tệ quá thì không nên để tồn tại và phải xử lý trách nhiệm của những ông chủ ngân hàng đó và bảo đảm được quyền lợi của người gửi tiền.
Nguyễn Thị Kim Uyên
(Thủ Dầu Một, Bình Dương)
Buộc phải thành công
Một khi Chính phủ cho phép thí điểm giải thể ngân hàng thì các ngân hàng thương mại buộc phải nâng cao năng lực tài chính. Bên cạnh đó, họ phải tăng cường quản trị rủi ro để hạn chế nợ xấu. Điều quan trọng nhất là phải tăng thêm “vốn sạch”, bởi nếu không tăng hoặc tăng bằng vốn ảo thì sớm muộn cũng gặp nhiều khó khăn. Khi đó nguy cơ phá sản là rõ ràng.
Trần Minh Trung
(TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Thí điểm từ quy mô nhỏ
Để thí điểm phá sản ngân hàng, trước mắt Chính phủ nên cho phá sản các quỹ tín dụng, các công ty tài chính hoạt động yếu kém để thị trường quen dần, khách hàng cũng quen dần, người dân quen dần. Sau đó sẽ đến ngân hàng nhỏ yếu kém. Một khi thị trường đã quen với việc phá sản trong lĩnh vực ngân hàng thì sẽ tiến tới đại phẫu các ngân hàng lớn nhưng hoạt động không hiệu quả. Một nguyên tắc trong phá sản ngân hàng là nhà nước sẽ bảo đảm được quyền lợi cho người dân gửi tiền, đó là điều mà người dân rất cần.
Phạm Văn Dần
(P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Trần Thị Bạch Tuyết
Khi kinh doanh mà ở trong tâm thế nếu thua lỗ đã có nhà nước cứu thì người yếu kém năng lực sẽ ỷ lại, thậm chí lạm dụng điều này. Trong nền kinh tế thị trường thì ngân hàng cũng phải vận hành theo cơ chế thị trường, phải chấp nhận cho giải thể, phá sản. Tất nhiên, do là đặc thù ngân hàng nên nhà nước phải bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng bị phá sản.
Trần Thị Bạch Tuyết
(Q.9, TP.HCM)
Lê Thanh Dũng
Ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, nó ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Tuy nhiên, nhà nước không thể “bao” các ngân hàng mãi được, phải trả họ về với thị trường. Khi ngân hàng nào đó thua lỗ, nếu nguyên nhân thua lỗ là do khách quan, thấy còn khả năng tái cơ cấu, vực dậy thì cứu. Nếu do cá nhân cố ý, yếu kém thì khỏi cứu và truy trách nhiệm cá nhân.
Lê Thanh Dũng
(Q.3, TP.HCM)
T.T - Duy Khang
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.