(TNO) Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đang đón nhận nhiều thành viên hơn trước hạn chót 31.3. AIIB có ưu điểm gì so với Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) do Mỹ dẫn đầu?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Úc Tony Abbott - Ảnh: Reuters
|
Úc và Đan Mạch nằm trong số những nước mới nhất nói rằng họ sẽ tham gia AIIB với tư cách đồng sáng lập, bất chấp sự phản đối từ Mỹ. Đây là biểu hiện cho thấy sức hút của AIIB đang lấn lưới IMF cũng như chứng tỏ vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế, theo Russia Today ngày 29.3.
Nhiều tờ báo đánh giá Mỹ đang thất thế khi chứng kiến các đồng minh lần lượt tham gia AIIB, và chính Washington gần đây cũng “đổi gió” ủng hộ kế hoạch này. Vậy, đâu là thế mạnh AIIB đang nắm giữ?
Trong bài viết kể trên, Russia Today dẫn lại tuyên bố từ phía Úc về việc gia nhập AIIB. Theo đó trước tiên AIIB phải chứng tỏ tính công bằng cao hơn so với IMF.
“Vấn đề chính cần giải quyết trước khi Úc xem xét việc gia nhập AIIB bao gồm việc Hội đồng quản trị của Ngân hàng có thẩm quyền đối với các quyết định đầu tư quan trọng, và rằng không một quốc gia thành viên nào kiểm soát ngân hàng”, Thủ tướng Úc Tony Abbott nói.
Ông Abbott cũng nhấn mạnh dù tham gia AIIB, Úc vẫn có thể tiếp tục hợp tác với các tổ chức tài chính hàng đầu phương Tây, thay vì “nguyện sống chết” với riêng ngân hàng do Trung Quốc đề xướng.
“Làm việc với các tổ chức đa phương quan trọng khác như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), AIIB có tiềm năng để đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực với các lợi ích tiềm năng cho nước Úc”, ông nói thêm.
Phát biểu của ông Abbott có thể hiểu là động thái trấn an Washington, cho rằng việc Úc tham gia AIIB không gì khác ngoài mục đích phát triển kinh tế, theo Tân Hoa xã trong bài viết ngày 24.3.
Tân Hoa xã theo đó cho rằng “nên ca ngợi AIIB ở vai trò công cụ tài chính thiết yếu thay vì cứ nhằm vào mục đích địa chính trị”. Đây là lập luận đi chệch sự chú ý của báo chí phương Tây khi họ xoáy vào việc AIIB phản ánh vị thế và tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc so với Mỹ.
Trên thực tế, các quy định về quyền lợi của thành viên đang là mấu chốt vấn đề. Tân Hoa xã nói mâu thuẫn trong nội bộ Mỹ về vấn đề cải cách tiếng nói của các thành viên IMF đã “gây sự bực bội cho các nền kinh tế khác”.
Trong khi đó, hãng thông tấn này khẳng định “việc Trung Quốc thoải mái tiếp đón thành viên mới chắc chắn sẽ giảm cổ phần của Trung Quốc trong các ngân hàng”, từ đó sẽ không có chuyện kiểm soát quyền lực tại đây.
Bình luận (0)