Ngân hàng First Citizens mua lại SVB vừa sụp đổ

27/03/2023 15:00 GMT+7

Ngân hàng First Citizens của Mỹ đã đồng ý mua lại Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), nhà băng vừa đổ sập trong tháng này gây ra cuộc khủng hoảng lan rộng.

SVB là đối tác chính của giới khởi nghiệp công nghệ tại Mỹ, hoạt động từ thập niên 1980. Đây là ngân hàng lớn nhất tại Mỹ bị sụp đổ từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Sau khi khách hàng đột ngột rút tiền khiến giá cổ phiếu lao dốc, các nhà quản lý của Mỹ đã quyết định tiếp quản quyền kiểm soát SVB và lập ra nhà băng mới gọi là Ngân hàng cầu nối Thung lũng Silicon (SVBB) để điều hành trong lúc tìm nhà đầu tư mua lại.

Ngân hàng First Citizens mua lại SVB - Ảnh 1.

Chi nhánh SVB tại Santa Monica, bang California

AFP

AFP dẫn thông báo ngày 27.3 của First Citizens cho biết đã đồng ý mua toàn bộ các khoản vay và một số tài sản khác của SVB, tiếp quản việc quản lý toàn bộ tiền gửi của khách hàng và một số nghĩa vụ khác.

Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC), tổ chức độc lập của chính quyền đã tiếp quản SVB, cho biết giao dịch liên quan 119 tỉ USD tiền gửi và 72 tỉ USD tài sản.

Khách hàng gửi tiền của SVB sẽ tự động trở thành khách hàng của First Citizens và 17 chi nhánh của SVB sẽ mở cửa trong ngày 27.3 vẫn dưới cái tên Ngân hàng Thung lũng Silicon nhưng là một đơn vị của Ngân hàng First Citizens.

SVB, ngân hàng số một cho nhiều start-up Mỹ, đã phá sản trong 48 giờ ra sao?

First Citizens nói rằng giao dịch được thực hiện nhằm đảm bảo vị thế tài chính vững chắc của ngân hàng và đảm bảo công ty sau khi sáp nhập vẫn có khả năng chống chịu với danh mục cho vay và cơ sở tiền gửi đa dạng.

Ngoài FDIC, Bộ Tài chính và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã vạch kế hoạch đảm bảo khách hàng của SVB có thể rút tiền nếu muốn, đồng thời thiết kế công cụ cho vay mới cho các ngân hàng nhằm ngăn chặn lặp lại tình trạng như SVB.

Cuộc khủng hoảng của SVB đã gây mất niềm tin của khách hàng đối với các ngân hàng có quy mô tương tự, dẫn đến làn sóng rút tiền ồ ạt và gửi vào các nhà băng lớn được cho là an toàn hơn.

Khủng hoảng cũng lan rộng sang châu Âu và góp phần khiến Ngân hàng Credit Suisse lớn thứ hai của Thụy Sĩ bị đối thủ UBS thâu tóm.

Gần nhất, cổ phiếu của Deutsche Bank (Đức) cũng giảm giá mạnh trong ngày 24..3 khi chi phí bảo hiểm vỡ nợ của nhà băng này tăng cao, gây nỗi lo về một cuộc khủng hoảng rộng hơn trong ngành ngân hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.