"Làn sóng" giảm LS huy động
Sáng 6.3, 4 ngân hàng (NH) thương mại có vốn nhà nước (Big 4) gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đồng loạt giảm lãi suất (LS) tiết kiệm 0,2% ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Cụ thể, LS huy động kỳ hạn 6 - 9 tháng của Big 4 ở mức 5,8%/năm, 12 tháng ở mức 7,4%/năm, từ 24 tháng trở lên xuống còn 7,2%/năm…
Một số NH cổ phần cũng công bố giảm lãi huy động từ đầu ngày 6.3 với tốc độ giảm mạnh hơn. Tuy nhiên, sự phân hóa LS rõ rệt giữa các NH ở kỳ hạn 6 tháng. Chẳng hạn, VPBank giảm LS tiết kiệm từ 0,2 - 0,6%/năm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, cụ thể đối với LS từ 6 - 12 tháng dao động từ 8,2 - 8,6%/năm. Mức LS cao nhất của NH này là 8,8%/năm với số tiền gửi từ 10 tỉ đồng trở lên.
Trong khi đó, Sacombank huy động LS kỳ hạn 6 tháng còn 7,5%/năm, 12 tháng còn 7,9%/năm và mức cao nhất là 8,4%/năm thuộc kỳ hạn 36 tháng. NH Bản Việt huy động lãi kỳ hạn 6 tháng xuống 8,1%/năm, 9 tháng còn 8,5%/năm, 12 tháng còn 8,9%/năm và mức cao nhất 9,5%/năm ở kỳ hạn 24 tháng. LS huy động tiết kiệm thông thường của NH này thấp hơn 0,1%/năm.
Theo như thỏa thuận trước đó giữa các NH, kể từ ngày 6.3, các NH thương mại cổ phần sẽ giảm toàn bộ 0,5%/năm LS huy động so với bảng LS hiện hành. Riêng nhóm Big 4 giảm LS vào khoảng 0,2% so với mức LS hiện hành tính từ ngày 27.2. Các kỳ hạn giảm áp dụng ở 6 - 12 tháng. Đây là "làn sóng" giảm LS huy động lần 2 của các NH. Trước đó, các NH thỏa thuận mức LS huy động tối đa không quá 9,5%/năm. So với cuối năm 2022, LS huy động tiết kiệm của các NH hiện nay giảm từ 1 - 2%/năm.
Mặt bằng LS nguội dần và lãi huy động có xu hướng đi xuống. Thế nhưng, lãi cho vay hiện nay giảm khá chậm. LS cho vay phát sinh mới đã giảm bình quân khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2022, duy trì từ 10 - 15%/năm tùy theo khoản vay. Đặc biệt, những khách hàng vừa tính lại LS cho vay từ đầu năm 2023 thì gần như bị "treo" ở mức 15 - 16%/năm.
LS vay chưa giảm
Nghe thông tin hàng loạt NH công bố giảm LS tiết kiệm lẫn LS cho vay khiến nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp vui mừng. Ông L.V.K, chủ hộ kinh doanh tại Q.Tân Phú (TP.HCM), cho hay ông đang có khoản vay 1 tỉ đồng ở Eximbank và sẽ đáo hạn trong tuần này. Khoản vay này có thời hạn 9 tháng và thời gian qua LS chỉ hơn 9%/năm. Thế nhưng, cuối tuần qua, ông đã hỏi phía NH khi đáo hạn để được tiếp tục vay thì được nhân viên báo LS khi đáo hạn vay lại sẽ là 12,5%/năm.
"Nghe LS giảm mừng quá nhưng mà NH báo vẫn ở mức cao. Mình đang cần để hoạt động kinh doanh thì vẫn phải chấp nhận thôi, không biết khi nào mới được giảm", ông L.V.K nói.
Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia, hiện sức tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh. Công ty chưa có phát sinh khoản vay nào mới nên không biết LS là bao nhiêu. Trong khi đó, các khoản vay cũ đã giải ngân mà công ty đang trả lãi dao động từ 10 - 12%/năm. Các hợp đồng vay vốn của công ty thông thường sẽ được điều chỉnh 6 tháng một lần nên giờ chỉ biết chờ. Ông Trường vẫn kỳ vọng khi có nhu cầu vay mới hay đến kỳ điều chỉnh hợp đồng cũ thì LS sẽ xuống thấp.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng tiền, lãi suất liên ngân hàng tăng
Ngày 6.3, NH Nhà nước hút ròng lượng tiền hơn 21.500 tỉ đồng trên thị trường mở. Nhà điều hành đã hút về 23.300 tỉ đồng ở 2 kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày, trong khi bơm ra chỉ hơn 1.746 tỉ đồng kỳ hạn 7 ngày. Từ tháng 2 đến nay, NH Nhà nước liên tục hút ròng tiền trên thị trường khối lượng lớn.
Trong khi LS tiết kiệm có xu hướng giảm thì LS trên thị trường liên NH lại tăng từ 0,2 - 0,5%/năm so với cách đây 1 tháng.
Hay bà Nguyễn Anh Thư, chủ một doanh nghiệp về thủy sản, cũng chia sẻ đầu năm nay bà cần vay vốn nhưng khi đó các NH đều hẹn, chưa cho vay. Đến nay tình hình xuất khẩu quá khó khăn, tiêu thụ trong nước cũng chậm. Chính vì vậy, bà không còn nhu cầu mở rộng nguồn nuôi trồng nên không vay nữa. Bà nhấn mạnh: "Giờ LS có giảm chút xíu thì như công ty mình cũng không cần nữa vì tiêu thụ không được".
Khá nhiều doanh nghiệp khác khi được hỏi cũng có chung câu trả lời là khoản vay cũ đa số đều được đáo hạn từ cuối năm 2022 hay đầu năm 2023 đã có LS cao nên không được điều chỉnh giảm. Một trong những nguyên nhân khiến khách hàng không có nhu cầu vay thời gian qua là LS quá cao, gây gánh nặng chi phí tài chính. Dư nợ tín dụng của ngành NH đối với nền kinh tế hiện nay trên 12 triệu tỉ đồng, LS cho vay nếu giảm 0,5 - 1%/năm thì khách hàng giảm được khoảng lãi phải trả lên đến 60.000 - 120.000 tỉ đồng. Thế nhưng, với việc chờ giảm LS huy động mới có thể giảm lãi vay thay vì NH kéo giảm biên lợi nhuận, LS cho vay sẽ khó giảm nhanh trong thời gian ngắn, đặc biệt những khoản vay liên quan bất động sản ở mức cao, có khi lên đến 16 - 17%/năm.
Bình luận (0)