Ngân hàng Goldman Sachs “vặt lông” khách hàng

16/03/2012 10:10 GMT+7

Uy tín của ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới Goldman Sachs đang bị suy sụp nặng nề khi một giám đốc của ngân hàng này từ chức và tố cáo gã khổng lồ Phố Wall là chỉ chăm chăm tìm cách “vặt lông” khách hàng.

Ngày 14-3, mục Ý kiến của báo New York Times đăng một bài viết với tựa đề “Vì sao tôi rời bỏ Goldman Sachs?” của Greg Smith, 33 tuổi, một cựu giám đốc và phó chủ tịch của ngân hàng này. Ông Smith đã làm việc ở Goldman Sachs từ năm 2000. Trong bài, ông Smith khẳng định: “Môi trường của Goldman Sachs đang trở nên độc hại và mang tính phá hoại hơn bao giờ hết”.

“Văn hóa luôn là một yếu tố quan trọng đem lại thành công cho Goldman Sachs - ông Smith viết - Đó là tinh thần đồng đội, sự khiêm tốn, sự toàn tâm toàn ý phục vụ khách hàng... Văn hóa này là chất vôi vữa vô hình tạo nên sự cố kết của doanh nghiệp khổng lồ này, đảm bảo niềm tin của khách hàng suốt 143 năm qua. Nếu chỉ vì mục tiêu duy nhất là kiếm tiền, nó đã không thể tồn tại lâu đến vậy... Nhưng hôm nay, tôi rất buồn khi nhìn quanh và không hề thấy bất cứ dấu vết nào của nền văn hóa đó... Tôi đã đánh mất niềm tự hào và cả niềm tin”.

 
Trụ sở Goldman Sachs ở thành phố New York - Ảnh: AFP

Ông Smith cho biết trong hơn mười năm ông đã phỏng vấn và tuyển dụng các sinh viên xuất sắc cho Goldman Sachs. “Tôi hiểu rằng đã đến lúc phải ra đi khi nhận ra rằng mình không thể nào nhìn vào mắt các sinh viên và nói với họ rằng Goldman Sachs là một nơi tuyệt vời để làm việc”.

Bài viết của ông Smith lập tức đã gây ra một cơn địa chấn ở Phố Wall.

Coi khách hàng là con rối

Trong bài, ông Smith tố cáo ban lãnh đạo Goldman Sachs chỉ quan tâm đến việc bòn rút tiền càng nhiều càng tốt từ túi của khách hàng. “Tôi dự vô số cuộc họp bán chứng khoán phái sinh, và không ai dành dù chỉ một phút thảo luận về cách thức giúp khách hàng. Tất cả đơn giản chỉ là chúng ta làm cách nào kiếm được tiền từ họ càng nhiều càng tốt. Tôi cảm thấy phát bệnh khi nghe mọi người thản nhiên bàn cách làm thế nào cướp bóc được khách hàng một cách tàn nhẫn” - ông Smith viết.

Ông Smith cho biết trong vòng 12 tháng qua, ông nghe thấy năm giám đốc điều hành gọi khách hàng của họ là “con rối”. Ông Smith cho rằng Goldman Sachs thay đổi vì tầng lớp lãnh đạo đã thay đổi. Theo ông, trong quá khứ những người được đưa lên làm lãnh đạo phải có những ý tưởng lớn, trở thành tấm gương cho người khác noi theo và luôn hành xử đúng đắn. Còn nay, “chỉ cần kiếm được nhiều tiền cho hãng (và không phải là kẻ giết người với một cái rìu) là sẽ được thăng chức”.

New York Times cho biết trong vòng 24 giờ, bài viết của ông Smith đã thu hút khoảng 3 triệu lượt truy cập. Theo báo Wall Street Journal, lập tức giá cổ phiếu Goldman Sachs giảm 3,4%. Như vậy, giá trị thị trường của Goldman Sachs giảm tới 2,15 tỉ USD. Phản ứng lại, tổng giám đốc điều hành Goldman Sachs là Lloyd Blankfein tuyên bố bài viết của ông Smith chỉ phản ánh quan điểm của “thiểu số”. Ban lãnh đạo Goldman Sachs cũng bắn đi thông tin cho rằng ông Smith hành động như vậy vì cay cú do không được thăng chức.

Con mực ma cà rồng

Trên thực tế, chẳng phải đến bây giờ Goldman Sachs nói riêng và các ngân hàng Phố Wall nói chung mới bị chỉ trích là suy thoái đạo đức. Năm 2010, phóng viên kinh tế Matt Taibbi của báo Rolling Stone đã cáo buộc Goldman Sachs thao túng thị trường tài chính để kiếm lợi. Ông Taibbi mô tả Goldman Sachs là “con mực ma cà rồng điên cuồng ép chặt vòi vào bất cứ thứ gì có hơi tiền”.

Goldman Sachs từng dính vào hàng loạt vụ xìcăngđan. Hồi tháng 4-2010, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cáo buộc Goldman Sachs lừa đảo khách hàng khi cố tình bán cho họ loại chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp, trong khi đặt cược rằng loại chứng khoán này sẽ rớt giá. Hậu quả là các khách hàng Goldman Sachs thiệt hại 1 tỉ USD. Sau đó Goldman Sachs đồng ý nộp phạt cho SEC hơn 300 triệu USD và bồi thường cho khách hàng 250 triệu USD.

Hồi tháng 2-2010, tạp chí Đức Der Spiegel tố cáo Goldman Sachs âm thầm giúp chính quyền Hi Lạp che giấu tình trạng nợ công nghiêm trọng, khiến cuộc khủng hoảng nợ châu Âu thêm trầm trọng. Cựu giám đốc Ngân hàng Phố Wall William Cohan cho rằng trên thực tế Goldman Sachs đã chơi trò “ăn cướp” của khách hàng từ thời đại suy thoái thập niên 1930. “Nó không xảy ra trong 12 năm qua như Smith mô tả, mà đã đi vào máu của doanh nghiệp này” - chuyên gia Cohan khẳng định.

Nghị sĩ Mỹ Barney Frank, tác giả luật cải tổ tài chính Phố Wall Dodd-Frank năm 2010, nhận định bài viết của ông Smith sẽ có ảnh hưởng lớn tới nỗ lực kiểm soát Phố Wall của Chính phủ Mỹ. Đến nay, luật Dodd-Frank vẫn chưa được thực hiện đầy đủ do sự chống đối của các ngân hàng và các tổ chức vận động hành lang Phố Wall.

Trong bài, ông Smith nhắn nhủ ban giám đốc Goldman Sachs hãy thức tỉnh. “Hãy đưa khách hàng trở lại vị trí trung tâm. Không có khách hàng thì ngân hàng sẽ không tồn tại. Hãy loại bỏ những kẻ suy thoái đạo đức cho dù họ có đem về cho ngân hàng bao nhiêu tiền đi nữa. Hãy điều chỉnh lại văn hóa doanh nghiệp. Những kẻ chỉ quan tâm đến tiền sẽ không giúp Goldman Sachs tồn tại lâu”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.