Ngân hàng khó cho vay, lãi suất tiết kiệm vẫn tăng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
24/08/2024 06:21 GMT+7

Tiền đang "ứ" trong ngân hàng nhưng lãi suất tiết kiệm đang tiến tới mức kịch trần để hút vốn là nghịch lý trên thị trường tài chính hiện nay.

Lãi suất tiết kiệm tiến gần mức kịch trần

Ngân hàng (NH) số Cake by VPBank tăng lãi suất huy động tiền đồng 0,3%/năm. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng lên 4%/năm, từ 2-5 tháng lên 4,3%/năm, từ 6-11 tháng lên 5,5%/năm, từ 11-18 tháng lên 6%/năm, từ 24-36 tháng lên mức cao nhất 6,1%/năm. Mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng 4%/năm của Cake by VPBank đang là mức cao nhất trên thị trường. Đồng thời lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đang tiến gần đến mức trần cho phép ở mức 4,75%/năm. Với kỳ hạn 1 tháng, một số nhà băng có mức lãi suất cao như BVBank, NCB 3,7%/năm; VPBank, VietBank ở mức 3,6%/năm; HDBank ở mức 3,55%/năm; Eximbank, SHB, TPBank ở mức 3,5%/năm…

Theo Hiệp hội NH VN - Văn phòng đại diện TP.HCM, trong 3 tuần qua (từ 29.7 - 16.8), có 15/36 NH điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi cá nhân; 4 NH điều chỉnh giảm lãi suất. Tăng mạnh nhất là DongABank với 0,9% kỳ hạn 12 tháng lên mức 5,45%/năm. Sacombank tăng 0,5% kỳ hạn 1 tháng, tăng 0,4% kỳ hạn 3-9 tháng lên mức 2,8-4,3%/năm. Hiện mức cao nhất ở NH này là 5,7%/năm kỳ hạn 24-36 tháng online. CBBank tăng 0,4% các kỳ hạn từ 1-12 tháng lên mức 3,7-5,55%/năm; hiện mức cao nhất ở NH này là 5,85%/năm kỳ hạn 24-36 tháng online. Các NH còn lại tăng nhẹ từ 0,1-0,3% các kỳ hạn từ 1-60 tháng. Một số NH giảm nhẹ lãi suất từ 0,05-0,25% cả tại quầy và online, bao gồm ABBank, OCB, Techcombank và SeABank.

Ngân hàng khó cho vay, lãi suất tiết kiệm vẫn tăng- Ảnh 1.

Lãi suất tiết kiệm lên sát mức trần

Ảnh: Ngọc Thắng

Đến thời điểm hiện tại, các NH có lãi suất tiết kiệm 7%/năm trở lên gồm MSB với số tiền từ 500 tỉ đồng trở lên có lãi suất 7%/năm; DongABank có lãi suất 7,5% với số tiền từ 200 tỉ đồng trở lên; HDBank có lãi từ 7,7% và 8,1% với số tiền gửi từ 500 tỉ đồng; PVCombank có lãi lên 9,5% với số tiền gửi trên 2.000 tỉ đồng. Mức lãi suất này được áp dụng ở kỳ hạn 12-13 tháng, gửi tại quầy.

Mặt bằng lãi suất đã tăng từ tháng 5 đến nay. Điểm lạ là các NH cho vay ra khá ì ạch, tăng trưởng tín dụng tháng 7 giảm so với tháng 6 nhưng lãi suất huy động vẫn đi lên. Theo dữ liệu công bố từ NH Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng là 6,1%, lên 14,396 triệu tỉ đồng. Thế nhưng đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng chỉ còn 5,66% so với cuối năm 2023, tương đương với lượng tiền khách hàng giảm vay khoảng 60.000 tỉ đồng. 

Hiệp hội NH giải thích tín dụng tăng chậm do một số nguyên nhân như nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ vốn là động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế vẫn còn gặp khó khăn nhất định. Tín dụng cho lĩnh vực bất động sản vẫn chưa hồi phục hoàn toàn do độ trễ chính sách. Nhiều doanh nghiệp trong các ngành chưa xây dựng được phương án kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Phục hồi không đồng đều giữa các nhóm ngành đã hạn chế nhu cầu chung của khu vực doanh nghiệp. Nhu cầu tín dụng trong nước nói chung chưa phục hồi mạnh mẽ, xu hướng tiêu dùng cá nhân có sự điều chỉnh.

Kéo vốn chờ cuối năm cho vay

Lý giải cho việc tại sao tín dụng tăng chậm, thậm chí có tháng âm nhưng các NH vẫn tăng lãi suất huy động để hút tiền, ban lãnh đạo một số NH cho biết hồ sơ vay vốn của khách hàng hiện nay tăng lên nhưng thời điểm giải ngân rơi vào quý 3 nên họ thực hiện huy động vốn từ bây giờ. Ngoài ra, một số NH vừa qua cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng lên cao để giữ được nguồn vốn huy động hiện có, giữ chân khách cũ. Mặc dù tăng trưởng tín dụng tháng 7 chậm lại nhưng nguồn vốn dư thừa không mấy dồi dào. Tăng trưởng tín dụng 7 tháng năm 2024 cao hơn so với tốc độ huy động.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các NH tăng lãi suất huy động dù rằng tăng trưởng tín dụng có nhiều khó khăn là do tỷ lệ nợ xấu trong NH gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và ngoại bảng lên mức 6%, đây là mức khá cao. Trong khi NH chưa đòi được vốn đã cho vay thì vẫn phải huy động vốn mới để tăng trưởng tín dụng. Trong 7 tháng năm 2024, tín dụng của toàn ngành NH chỉ mới tăng 5,66%, trong khi kế hoạch năm lên đến 15% nên dư địa những tháng còn lại rất cao. Để cho vay, NH cần chuẩn bị nguồn vốn. Hơn nữa, lạm phát năm nay dự kiến vào khoảng 4-4,5%, trong khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm là 4,7-6,2%, nên người gửi tiền hiện thực dương vẫn thấp. Lãi suất tiết kiệm tăng thu hút dòng tiền so với các kênh khác như USD, vàng, bất động sản…

Theo Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lãi suất huy động đã giảm đầu năm và mới phục hồi lại từ tháng 4 với mức thay đổi bình quân là 0,45-0,7% so với cuối quý 1. Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 9-12 tháng bình quân đã trở lại mức cuối năm ngoái, trong khi lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn hơn chỉ còn thấp hơn 0,15-0,3% so với cuối năm 2023. Vấn đề thanh khoản dẫn đến kỳ vọng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng nhẹ và kết thúc năm 2024 cao hơn mức đầu năm bình quân khoảng 0,5-1%. Ngoài ra, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên NH trong 1 tháng trở lại đây duy trì ổn định ở mức cao khoảng 4,6%/năm. Đồng thời, lãi suất tín phiếu NHNN và cho vay cầm cố trên thị trường mở đều là 4,5%/năm, tương đương với lãi suất tái cấp vốn từ cuối tháng 6 đến nay. Việc hút tiền qua thị trường mở và bán ngoại tệ trong nửa đầu năm một mặt giúp lãi suất liên NH duy trì ở mức cao, mặt khác, hoạt động này có thể khiến cho thanh khoản tiền đồng trở nên khó khăn trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh cung tiền M2 tăng chậm nhưng tín dụng đang tăng tốc nhanh trở lại.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) lý giải tiền không cho vay được nhưng NH vẫn tăng lãi suất tiết kiệm do NHNN bơm hút tiền nhiều trên thị trường và thanh khoản hệ thống NH không dồi dào buộc các nhà băng tăng huy động vốn. Thêm vào đó, lãi suất tiền đồng tăng lên nhằm tránh hiện tượng đầu cơ tỷ giá, lãi suất tiền đồng tăng lên giảm áp lực lên tỷ giá. Hơn nữa, các NH cũng cần chuẩn bị nguồn vốn cho vay vào thời điểm cuối năm. Thông thường từ quý 3 trở đi, các hợp đồng vay vốn cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho các mùa lễ hội, hàng tết gia tăng. Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng vẫn là lĩnh vực chủ lực của ngành NH. Có những thời điểm như hồi tháng 6 năm nay hoặc cuối năm 2023, con số tăng trưởng tín dụng tưởng chừng như không thể đạt được nhưng tăng một cách thần kỳ chỉ trong vài tuần, một lượng vốn lớn được đẩy ra thị trường. Bản thân các NH cũng chạy đua tăng trưởng tín dụng vì nó liên quan đến hoạt động kinh doanh của năm sau, hạn mức tín dụng của năm sau được cấp nhiều hay ít còn phụ thuộc vào mức tăng của năm trước. 

Theo VDSC, NHNN có thể duy trì mặt bằng lãi suất điều hành hiện tại cho đến hết năm 2024. Một trường hợp khó khăn hơn là nếu áp lực đối với tỷ giá tăng cường trong cuối quý 3, đầu quý 4 và điều kiện thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp, NHNN sẽ nâng lãi suất điều hành thêm 0,25-0,5%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.