Ngân hàng lớn “đồng thuận” hưởng lợi

14/10/2011 23:05 GMT+7

Cùng thời điểm 16 ngân hàng (NH) đồng thuận thực hiện nghiêm trần lãi suất 14% và 6% theo quy định của NHNN, lãi suất trên thị trường liên NH (nơi các NH vay vốn của nhau) cũng tăng cao. Nghịch lý này cho thấy sự mong manh của việc đồng thuận.

Căng thẳng vốn

Lãi suất cho vay thời hạn tuần trên thị trường liên NH tăng mạnh, lên tới 17 - 19%, cao gấp 3 lần so với lãi suất huy động trong dân cư, cho thấy, huy động vốn của các NH đang rất căng thẳng.

Không thể phủ nhận, việc áp dụng lãi suất huy động 14% đang khiến vốn bị rút khỏi hệ thống NH để chảy sang các kênh khác. Đơn cử, chỉ trong vòng một tuần qua, 5 NH và Công ty kinh doanh vàng bạc đá quý SJC đã bán ra khoảng 10 tấn vàng (tương đương với 260.000 lượng, trị giá khoảng gần 12.000 tỉ đồng). Thị trường đã "nuốt chửng" số vàng này một cách dễ dàng. Chắc chắn, một phần vốn không nhỏ trong đó được rút ra từ hệ thống NH. Một phần không nhỏ trong số đó được chuyển sang USD. Đó là lý do tỷ giá nóng lên trong những ngày qua và lãi suất trên thị trường liên NH tăng mạnh như đã nói trên. Thực ra, ngay tại buổi họp cùng hứa đồng thuận lãi suất, hầu hết các NH có mặt đều lo lắng trước việc vốn huy động của họ đã giảm khá mạnh trong những ngày qua. Nhưng đây vẫn chưa phải là điểm cuối. Căng thẳng vốn của các NH, đặc biệt các NH nhỏ dự báo sẽ bị kéo lên "đỉnh" khi lãi suất huy động vàng bị đẩy vào đường đua. Việc được bán vàng ra thị trường theo giải pháp "7+1" (7 NH và Công ty SJC) đang đẩy lãi suất vàng tăng cao. Giá vàng đang xuống, lãi suất huy động vàng cao, lãi suất tiết kiệm VND thấp... sẽ kích thích người dân lao vào đầu cơ vàng. Xu hướng rút tiết kiệm mua vàng, gửi vàng hưởng lãi suất cao (chưa kể tiềm năng lợi nhuận lớn từ giá vàng tăng trở lại) thay vì nắm tiền đồng sẽ khiến căng thẳng nguồn vốn trong hệ thống NH càng thêm trầm trọng.


Căng thẳng vốn ở không ít NH vẫn tiếp diễn - Ảnh: D.Đ.Minh

NH lớn có lợi

Khi nguồn vốn căng thẳng, các NH sẽ tìm đủ mọi cách để "lách trần, vượt rào" lãi suất để huy động vốn, cứu thanh khoản. Điều này đã xảy ra nhiều lần trên thị trường và lần này cũng không ngoại lệ. Minh chứng rõ ràng nhất là dù NHNN đã xử rất mạnh tay những vụ vi phạm nhưng vẫn không loại bỏ được tình trạng này. Trần lãi suất đứng trước nguy cơ phá sản. Đó là xuất phát của việc NHNN chọn cách tìm đồng thuận từ các NH lớn cách đây 3 ngày.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao các NH lớn hưởng ứng việc đồng thuận thực hiện nghiêm trần lãi suất? Không khó để có câu trả lời. Đầu tiên, nếu cùng mức lãi suất, NH lớn đương nhiên sẽ là địa chỉ "chọn mặt gửi tiền" của khách hàng. Các NH nằm trong nhóm "7+1" cũng "ấm" do được bổ sung vốn từ việc bán vàng ra thị trường. Những NH lớn không nằm trong nhóm này thì hưởng lợi rất lớn từ đầu cơ vốn trên thị trường liên NH với lãi suất cao. Bởi khi thực hiện nghiêm lãi suất huy động 14% và 6% cùng với việc khuyến khích các NH giám sát nhau, các NH nhỏ chỉ còn cửa duy nhất là vay vốn từ các NH lớn. Với lãi suất cho vay thời hạn tuần trên thị trường liên NH lên tới 17 - 19%, các NH lớn, thừa vốn đứng trước cơ hội kiếm lời khủng mà an toàn, nhàn nhã. 

Đồng thuận thực hiện nghiêm trần lãi suất, nhìn bề ngoài thì thấy ổn nhưng thực tế chỉ mang lại lợi ích cho các NH lớn. Nhưng các vấn đề nội tại của ngành NH, chưa thể giải quyết triệt để.

''Đồng thuận thực hiện nghiêm trần lãi suất, nhìn bề ngoài thì thấy ổn nhưng thực tế, mang lại lợi ích cho các NH lớn. Nhưng các vấn đề nội tại của ngành NH, chưa thể giải quyết triệt để''

Gây áp lực sáp nhập NH nhỏ?

Theo ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, chính sách phải đồng bộ. Đã áp trần thì áp trần toàn bộ (cả trên thị trường liên NH) cho công bằng. Còn nếu không, thì điều hành theo thị trường. Đó là can thiệp trên thị trường mở để giữ lãi suất kỳ vọng. Cách làm này không sợ tăng cung tiền vì NHNN cũng đã có đầy đủ các quy định về giới hạn đầu tư, về trạng thái ngoại tệ, cho vay bất động sản, vàng... Cung tiền nhưng tiền không chảy ra thị trường nên không ảnh hưởng gì tới lạm phát.

Đồng quan điểm này, tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cho rằng, lúc này NHNN sử dụng công cụ lãi suất chiết khấu và nghiệp vụ thị trường mở. Theo đó, công bố lãi suất chiết khấu dưới 14% - và thực hiện cho vay đúng với mức lãi suất công bố - đồng thời tiến hành mua vào các giấy tờ có giá thông qua đấu thầu lãi suất hoặc đấu thầu khối lượng với giá trị mua vào thích hợp nhằm bơm tiền vào lưu thông để lãi suất liên NH xoay quanh mức lãi suất chiết khấu (cao hơn lãi suất chiết khấu nhưng thấp hơn lãi suất trần 14%). Kết hợp với quy định các NHTM chỉ sử dụng vốn vay từ các nguồn này phục vụ cho nhu cầu đảm bảo an toàn chi trả, dự trữ bắt buộc chứ không được sử dụng nguồn này để cho vay lại. Có như vậy, bơm tiền nhưng không ảnh hưởng tới lạm phát.

Về lâu dài, theo ông Lê Đạt Chí, NHNN nên mua lại cổ phần chi phối và tiến hành cho sáp nhập. Có thể NHNN và Bộ Tài chính thông qua SCIC tiến hành chào mua những NHTM yếu kém, sau đó cho sáp nhập vào các NHTM có vốn chi phối của Nhà nước. Hoặc mua hai NHTM nhỏ cho sáp nhập lại, Nhà nước quản lý. Nghĩa là có giai đoạn thâu tóm, có giai đoạn điều hành sau sáp nhập và cuối cùng là giai đoạn thoái vốn. Có làm được điều này thì mới sáp nhập được các NHTM yếu kém. Bên cạnh đó, lộ trình tăng vốn phải làm quyết liệt chứ không gia hạn hết lần này đến lần khác như hiện nay. Đẩy lộ trình này nhanh hơn mới gây áp lực cho các NHTM nhỏ tự sáp nhập.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.