'Ngân hàng Nhà nước không nên tăng sốc giá vàng'

18/07/2024 19:44 GMT+7

Theo các chuyên gia về vàng, Ngân hàng Nhà nước tăng giá vàng miếng SJC bán ra hôm nay 18.7 hơn 3 triệu đồng/lượng có phần 'hơi sốc', nên có cách điều chỉnh giá vàng SJC phù hợp hơn trong thời gian tới.

Giá tăng sốc nhưng vẫn hợp lý

Sau 1,5 tháng đứng yên ở mức 75,98 triệu đồng/lượng, hôm nay 18.7, giá vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng mạnh hơn 3 triệu đồng/lượng, lên mức 79 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.

'Ngân hàng Nhà nước không nên tăng sốc giá vàng'- Ảnh 1.

Hôm nay 18.7, giá vàng miếng SJC Ngân hàng Nhà nước bán ra tăng mạnh hơn 3 triệu đồng/lượng, lên mức 79 triệu đồng/lượng

NGỌC THẮNG

Sau động thái tăng giá của Ngân hàng Nhà nước, ngay lập tức, giá vàng miếng SJC trên thị trường được điều chỉnh tăng vọt.

Gần 9 giờ hôm nay, Công ty SJC niêm yết giá mua vào với mức 78,5 triệu đồng/lượng và bán ra 80 triệu đồng/lượng. So với những ngày trước, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng hơn 3 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng nhẫn 4 số 9 được SJC mua vào với giá 76 triệu đồng/lượng và bán ra 77,5 triệu đồng/lượng, tăng 620.000 đồng/lượng.

Biến động vàng ngày 18.7: Giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng vọt lên 80 triệu đồng

Động thái điều chỉnh giá hôm nay đã khiến giá vàng miếng SJC quay trở lại cao hơn giá vàng nhẫn cùng thương hiệu khoảng 2,5 triệu đồng/lượng thay vì ngang giá như hôm qua, hoặc thậm chí thấp hơn giá vàng nhẫn trong vài ngày trước đó.

Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh phân tích, giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước chắc chắn sẽ tăng, không có chuyện giá vàng thế giới bằng giá vàng trong nước. "Không lẽ Ngân hàng Nhà nước đi nhập vàng về lại bán ra lỗ, còn nhiều loại chi phí khác đi kèm thì giá phải lên" ông Khánh nói.

Nhìn nhận mức tăng giá vàng bán ra hơn 3 triệu đồng/lượng trong ngày hôm nay của Ngân hàng Nhà nước là "hơi sốc", song theo ông Khánh mức tăng này vẫn hợp lý. Sau khi tăng giá, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng. Mức chênh duy trì khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng là hợp lý.

"Trước đó, tôi dự đoán theo đà tăng của giá vàng thế giới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng giá bán vàng miếng SJC từ 1 - 2 ngày trước, hôm nay mới điều chỉnh là có độ trễ. Có lẽ, Ngân hàng Nhà nước chủ trương không muốn thay đổi giá nhiều như thị trường tự do. Khi nào giá vàng thế giới tăng mạnh thì Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh giá", ông Khánh chia sẻ.

Nên điều chỉnh giá vàng SJC khi vàng thế giới tăng khoảng 50 USD/ounce

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương khi trao đổi với Thanh Niên cũng nhìn nhận, Ngân hàng Nhà nước tăng giá vàng bán ra hơn 3 triệu đồng/lượng là "hơi bất ngờ, hơi sốc nhưng vẫn hợp lý".

Thời gian qua, giá vàng thế giới tăng nhanh mà giá vàng SJC trong nước lại neo lại. Ngân hàng Nhà nước đặt ra nhiệm vụ kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới một cách hợp lý, chứ không phải Ngân hàng Nhà nước neo giá vàng SJC. Vì thế, giá vàng thế giới tăng, giá vàng SJC tăng theo là đương nhiên.

Vàng SJC được dập ra từ vàng nguyên liệu nhập về. Ngân hàng Nhà nước đương nhiên phải căn cứ vào tình hình giá vàng thế giới để điều chỉnh giá vàng SJC cho hợp lý. Giả sử, thời gian tới, giá vàng thế giới sụt giảm, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể điều chỉnh giảm giá vàng SJC và ngược lại.

Vị này phân tích thêm, khoảng 10 ngày trước, giá vàng thế giới ở mức trên 2.300 USD/ounce. Từ đó đến nay, giá vàng thế giới đã tăng thêm khoảng 150 USD/ounce, Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh giá vàng SJC, đây là yếu tố gây tình trạng "hơi sốc".

"Ngân hàng Nhà nước không nên điều chỉnh tăng giá sốc mà xử lý bằng cách tăng từ từ, tránh gây tâm lý hoang mang trên thị trường; nên xem xét tăng giá vàng miếng SJC khi giá vàng thế giới biến động tăng khoảng 40 - 50 USD/ounce.

Tránh điều chỉnh quá nhiều, Ngân hàng Nhà nước cũng phải theo dõi xem xu hướng giá vàng biến động có sự ổn định hay không. Ví dụ, khi đang tăng giá, trong một vài ngày, giá vàng thế giới không có xu hướng giảm thì mới điều chỉnh tăng giá vàng SJC. Trường hợp giá vàng thế giới giảm cũng tiến hành tương tự", ông Phương nhấn mạnh.

Nhằm thực sự ổn định thị trường vàng về lâu dài, nhiều chuyên gia kinh tế tái khẳng định cần khẩn trương sửa đổi Nghị định số 24/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để loại bỏ những bất cập.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu: "Cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định số 24/2024/NĐ-CP để bỏ độc quyền vàng miếng SJC và độc quyền nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước, cho phép các đơn vị kinh doanh vàng khác được nhập khẩu vàng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.