Chia sẻ tại buổi họp báo quý 1/2024 của Ngân hàng Nhà nước hôm nay 19.4, tại Hà Nội, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, chức năng của chính phủ, của ngân hàng T.Ư các nước là khi có một ngân hàng thương mại gặp khó khăn đều phải có giải pháp kịp thời để can thiệp.
Điều này nhằm đảm bảo cho ngân hàng đó không đổ vỡ, không ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc gia và sự an toàn của hệ thống các ngân hàng thương mại.
Khi SCB xảy ra sự cố mất thanh khoản vào tháng 10.2023, Ngân hàng Nhà nước có chức năng và luật pháp cũng quy định điều khoản yêu cầu ngân hàng T.Ư phải thực hiện biện pháp ổn định ngân hàng này.
Ông Đào Minh Tú thông tin, SCB không phải là ngân hàng đầu tiên, trong vòng 10 năm qua cũng đã có những ngân hàng yếu kém, những ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Đơn cử, cách đây 8 - 9 năm, có 3 ngân hàng thương mại bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, buộc phải xử lý.
"Đây là quy luật vận động của nền kinh tế, ở ngay các nước trên thế giới cũng có thể xảy ra. Vì thế, phải có một giải pháp về chính sách được luật hóa để quy định các biện pháp can thiệp nhằm đảm bảo sự ổn định hoạt động cho ngân hàng đó, cũng như ổn định hệ thống, an ninh trật tự xã hội đối với những ngân hàng thương mại", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước thông tin thêm, SCB là một trong những ngân hàng có quy mô lớn, có tổng tài sản lớn. Do đó, những giải pháp để xử lý cũng đòi hỏi thủ tục và đủ quy mô.
Nhấn mạnh đến nay SCB vẫn đang hoạt động ổn định, ông Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng một lộ trình để từng bước tái cơ cấu ngân hàng này. Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu một cách rất khẩn trương, tích cực cơ chế, tạo điều kiện cho ngân hàng từng bước phục hồi hoạt động.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong các biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo sự ổn định SCB, trong đó có những khoản cho vay của ngân hàng T.Ư đối với ngân hàng yếu kém đều được thực hiện theo đúng quy định pháp luật đã cho phép. Các biện pháp thực hiện này đều rất chi tiết, góp phần đảm bảo được ngay sự ổn định, an toàn hệ thống.
"Việc cung ứng tiền dù nhiều hay ít đều có công cụ để điều hòa lượng tiền đưa ra thông qua việc cho SCB vay hay những nhiệm vụ tái cấp vốn, nhiệm vụ cho vay các ngân hàng thương mại bình thường hiện nay. Khi chúng tôi thấy rằng lượng tiền trong nền kinh tế nhiều, dư thừa thì lập tức có những biện pháp", ông Tú nói.
Cơ quan thi hành án nói gì về việc Trương Mỹ Lan phải bồi thường hơn 670.000 tỉ đồng?
Tín dụng tăng tích cực trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp
Tại buổi họp báo, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin, tín dụng trong tháng 3 đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Đến ngày 29.3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.
Trong quý 1/2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cũng tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao; tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, tiếp tục khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Hiện lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối năm 2023. Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31.3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống...
Bình luận (0)