Ngân hàng sẽ khó “làm ăn” với trái phiếu DN

21/09/2010 00:21 GMT+7

Các ngân hàng thương mại (NHTM) đang đứng trước nguy cơ hết cửa “làm ăn” dựa vào kênh bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN).

Tại cuộc hội thảo giới thiệu “Sổ tay trái phiếu DN” do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổ chức ngày 20.9, hiệp hội này đã gửi những kiến nghị của mình lên Bộ Tài chính về các vấn đề nói trên.

Theo thống kê sơ bộ của VBMA, trong 2 năm (2009-2010) đã có khoảng 100 DN lớn, nhỏ gọi vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu, lượng phát hành thành công tương đương giá trị khoảng 60.000 tỉ đồng. Đây là số vốn “quý như vàng” đối với các DN trong bối cảnh lãi suất vay tại các NH khá cao, và cũng là nguồn lợi nhuận béo bở cho chính các NHTM khi thực hiện bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, tới đây nếu Luật Chứng khoán sửa đổi, và Nghị định thay thế Nghị định 52/2006/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN được thực thi các NH nhiều khả năng sẽ không được thực hiện nghiệp vụ này, nếu được thực hiện thì cũng ít có nhà băng nào dám làm. Cụ thể, theo nghị định mới các NHTM sẽ không được trực tiếp tham gia bảo lãnh phát hành trái phiếu DN, mà chỉ các công ty con của NH được thành lập theo Luật Tổ chức tín dụng 2010 mới được thực hiện. Nghị định chỉ cho phép NHTM được thực hiện nghiệp vụ tư vấn tài chính và làm đại lý phát hành.

Trên thị trường, lâu nay không nhiều DN phát hành được trái phiếu rộng rãi ra công chúng mà chủ yếu phát hành thành công qua kênh riêng lẻ, dưới sự bảo lãnh của các NHTM. Tuy nhiên, Luật Chứng khoán sửa đổi quy định chứng khoán phát hành riêng lẻ sau 1 năm mới được chuyển nhượng. Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA, trái phiếu cũng là một loại chứng khoán, thông thường các NH thường bảo lãnh hoặc làm đại lý bán và phân phối lại cho các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp. Nếu bảo lãnh, làm đại lý mà phải “ôm” 1 năm thì sẽ không NHTM nào dám làm.

Tại cuộc hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cái khó hiện nay của các nhà đầu tư, cũng như các NHTM là thị trường trái phiếu VN đang tồn tại quá nhiều, tới hơn 500 loại trái phiếu với nhiều kỳ hạn, thời gian đáo hạn, lãi suất khác nhau. Điều này khiến trái phiếu DN không thể hình thành đường cong lãi suất chuẩn, nhà đầu tư khó thực hiện giao dịch vì tính thanh khoản quá thấp. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính cần thu hẹp và rút gọn còn khoảng 100, 50 và có thể là 30 loại trái phiếu với cùng loại lãi suất, kỳ hạn trên thị trường. Như vậy, có thể hạn chế phát hành trái phiếu lô nhỏ, tập trung phát hành trái phiếu mới theo lô lớn với thời hạn, kỳ hạn và lãi suất chuẩn 1, 3, 5, 7 hoặc 10 năm. Còn đối với trái phiếu nhỏ, lẻ đang lưu hành có thể mua lại, tái phát hành theo trái phiếu chuẩn về kỳ hạn, thời hạn như trên. 

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.