Ngân hàng số một cho nhiều start-up ở Mỹ đã phá sản trong 48 giờ ra sao?

12/03/2023 11:29 GMT+7

Việc khách hàng ồ ạt rút tiền chỉ trong 2 ngày đã khiến ngân hàng nổi tiếng với giới khởi nghiệp (start-up) ở Thung lũng Silicon sụp đổ, nhưng bức tranh toàn cảnh phức tạp hơn thế.

Đối mặt với khủng hoảng vốn và tình trạng khách hàng đồng loạt rút tiền đột ngột, Silicon Valley Bank (SVB) đã phá sản vào sáng 10.3 và được cơ quan quản lý liên bang Mỹ tiếp quản. Đây là vụ phá sản lớn nhất của một ngân hàng Mỹ kể từ sau vụ Washington Mutual trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Được thành lập vào năm 1983, SVB chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. Ngân hàng này cung cấp tài chính cho gần một nửa số công ty chăm sóc sức khỏe và công nghệ được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm tại Mỹ, theo CNN.

Mặc dù tương đối ít được biết đến bên ngoài Thung lũng Silicon, SVB vẫn nằm trong số 20 ngân hàng thương mại hàng đầu của Mỹ. Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của ngân hàng là 209 tỉ USD, theo Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ cung cấp bảo hiểm cho người gửi tiền tại các ngân hàng nước này.

Ngân hàng hàng đầu cho các start-up ở Mỹ đã phá sản trong 48 giờ ra sao? - Ảnh 1.

Một chi nhánh của SVB ở San Francisco, Mỹ

CHỤP MÀN HÌNH NEW YORK TIMES

Tại sao ngân hàng phá sản?

Nói ngắn gọn, SVB đã phá sản vì nguyên nhân kinh điển: khách hàng đồng loạt rút tiền, tháo chạy khỏi ngân hàng. Song câu chuyện đằng sau phức tạp hơn một chút với sự va chạm của vài thế lực khác nhau.

Đầu tiên là Cục Dự trữ Liên bang (Fed), ngân hàng trung ương của Mỹ, với việc bắt đầu tăng lãi suất một năm trước để kiềm chế lạm phát. Fed đã hành động mạnh mẽ và chi phí đi vay cao hơn đã làm giảm đà tăng của các cổ phiếu công nghệ vốn đã mang lại lợi ích cho SVB.

Ngân hàng số một cho nhiều start-up ở Mỹ đã phá sản trong 48 giờ ra sao?

Lãi suất cao hơn cũng làm xói mòn giá trị của trái phiếu dài hạn mà SVB và các ngân hàng khác đã "ăn" ngấu nghiến trong thời kỳ lãi suất cực thấp, gần như bằng không. Danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21 tỉ USD của SVB có lợi suất trung bình là 1,79%, trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ hiện tại là khoảng 3,9%.

Đồng thời, vốn đầu tư mạo hiểm bắt đầu cạn kiệt, buộc các start-up phải rút tiền đang gửi tại SVB. Vì vậy, SVB đã lâm vào tình cảnh: vừa ngồi trên núi lỗ trái phiếu vừa chứng kiến tốc độ rút tiền của khách hàng ngày càng tăng.

Sự hoảng loạn bắt đầu ra sao?

Hôm 8.3, SVB thông báo họ đã bán lỗ một loạt cổ phiếu và họ cũng sẽ bán 2,25 tỉ USD cổ phiếu mới để củng cố nguồn vốn. Điều đó đã gây ra sự hoảng loạn trong giới đầu tư mạo hiểm và họ được cho là đã khuyến cáo các công ty rút tiền khỏi ngân hàng này.

Cổ phiếu của SVB bắt đầu lao dốc vào sáng 9.3 và đến chiều, nó đã kéo cổ phiếu của các ngân hàng khác lao dốc theo khi các nhà đầu tư bắt đầu lo sợ khủng hoảng tài chính 2007-2008 sẽ lặp lại.

Đến sáng 10.3, giao dịch cổ phiếu SVB bị tạm dừng và họ đã từ bỏ nỗ lực huy động vốn nhanh chóng cũng như tìm người mua. Các cơ quan quản lý của bang California đã can thiệp, đóng cửa ngân hàng và đặt nó dưới sự quản lý của FDIC.

Sẽ không có hiệu ứng domino?

Bất chấp sự hoảng loạn ban đầu ở Phố Wall, các nhà phân tích cho biết sự sụp đổ của SVB khó có thể gây ra hiệu ứng domino từng làm chao đảo ngành ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 15 năm.

"Các ngân hàng hiện đang gặp rắc rối quá nhỏ để có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống rộng lớn hơn", Mark Zandi, kinh tế gia hàng đầu tại Moody's, nói với CNN.

Theo FDIC, muộn nhất là sáng 13.3, tất cả những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có toàn quyền tiếp cận các khoản tiền gửi có bảo hiểm của họ. FDIC sẽ cung cấp cho những người gửi tiền không được bảo hiểm một khoản “tạm ứng trong tuần tới”.

Chuyện gì tiếp theo?

Mặc dù khó có khả năng xảy ra sự lây lan rộng hơn, các ngân hàng nhỏ phụ thuộc quá mức vào các ngành thiếu tiền mặt như công nghệ và tiền điện tử có thể gặp khó khăn, theo Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda.

"Mọi người ở Phố Wall đều biết rằng chiến dịch tăng lãi suất của Fed cuối cùng sẽ phá vỡ thứ gì đó, và ngay bây giờ chuyện này đang hạ gục các ngân hàng nhỏ", ông Moya cho biết hôm 10.3.

FDIC thường bán tài sản của một ngân hàng phá sản cho các ngân hàng khác, sử dụng số tiền thu được để hoàn trả cho những khách hàng không được bảo hiểm tiền gửi. Khả năng khác là vẫn có người mua lại SVB, mặc dù điều này hoàn toàn không chắc chắn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.