Đi cùng các doanh nghiệp (DN) Thái Lan đổ bộ vào thị trường VN, ngân hàng (NH) nước này cũng đang gia tăng hoạt động đầu tư mở rộng thị phần đồng thời tham gia quá trình tái cấu trúc hệ thống NH Việt.
Từ đi cùng doanh nghiệp...
|
Không những phục vụ khách hàng của mình, theo một chuyên gia tài chính, các NH Thái còn muốn đóng vai trò kết nối DN trong khối để hoạt động thông qua hệ thống tài chính của họ. Một số NH Thái Lan có thế mạnh phục vụ DN vừa và nhỏ, họ có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ tư vấn cho DN vừa và nhỏ VN tiếp cận nguồn tài chính hay tìm kiếm đối tác nước ngoài.
… đến mở rộng thị phần
NH Thái có thế mạnh về tư vấn đầu tư, cho vay, sáp nhập và thu mua (M&A), tư vấn và phát hành trái phiếu... nên không chỉ đi cùng, tiếp vốn cho DN nước mình mà còn có tham vọng mở rộng thị phần ở VN. NH liên doanh Việt Thái (VSB) được NH Nhà nước VN cấp phép vào năm 1995 với sự góp vốn của Agribank. Tuy nhiên, VSB bị đánh giá là yếu kém toàn diện trong tổ chức và hoạt động, không đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ theo quy định.
Trong khi đó, NH Siam (SCB - Thái Lan) đáp ứng các điều kiện để được cấp phép thành lập chi nhánh tại VN. Vì vậy, NH Nhà nước đã quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của VSB và NH Siam mua lại, tiếp quản tài sản, công nợ rồi thành lập chi nhánh tại VN.
Một NH lớn khác của Thái Lan là Bangkok đang không ngừng gia tăng vốn đầu tư vào VN. Bangkok hiện có 2 chi nhánh tại VN là Bangkok TP.HCM với số vốn 170 triệu USD và Bangkok Hà Nội (80 triệu USD). Một trong 4 NH lớn của Thái Lan là Kasikorn cũng đã có 2 văn phòng đại diện ở Hà Nội và TP.HCM. Kasikorn từng thất bại trong việc thương thảo mua lại một NH Việt nhưng vẫn không giấu ý định sẽ thành lập NH con 100% vốn nước ngoài tại VN.
TS Bùi Quang Tín nhận xét: “Cứ nhìn qua cách người Thái làm ở lĩnh vực bán lẻ sẽ thấy ngay họ sẽ xâm nhập lĩnh vực ngành NH như thế nào. Việc NH Thái muốn vào thị trường VN thông qua việc mua lại những NH yếu kém cũng phù hợp với chủ trương của VN kêu gọi vốn tài chính nước ngoài tái cơ cấu hệ thống tài chính NH trong đó có cả M&A. Trong 3 - 5 năm tới, các NH Việt còn có thể cạnh tranh với phía Thái nhưng về lâu dài thì rất khó”. Cái khó mà ông Tín đề cập đó là hiện có đến 20 NH vốn từ 3.000 - 5.000 tỉ đồng với sức cạnh tranh thấp, nhân sự chất lượng kém, công nghệ cũng lèo tèo, chủ yếu cạnh tranh về lãi suất để chiếm thị phần... thì làm sao cạnh tranh lại được với NH Thái. Đối với các NH tầm trung và lớn, vốn có tốt hơn nhưng vẫn thấp so với đối thủ, khách hàng trong nước nhỏ lẻ, chưa có tính toàn cầu, dịch vụ còn yếu... nên cạnh tranh cũng sẽ khốc liệt.
Bình luận (0)