Gói tín dụng 405.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi
Theo thông tin Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố tại buổi họp báo ngày 6.10, về tăng trưởng tín dụng, tính từ đầu năm đến ngày 27.9, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,10% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm trước tăng 5,40%).
Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,79% (cùng thời điểm năm trước tăng 6,63%). Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,53% (cùng thời điểm năm trước tăng 6,24%).
Từ cuối quý 2, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Tính đến tháng 8, lãi suất cho vay đã giảm hơn 1,0% so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân bằng đồng Việt Nam của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,8 - 9,2%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4,0%/năm).
Tín dụng cơ bản tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát rủi ro để đảm bảo an toàn hệ thống.
Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới với tổng số tiền lên tới 405.000 tỉ đồng, lãi suất giảm từ 0,5 - 2,0%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Chia sẻ tại tọa đàm "Khắc phục hậu quả bão số 3: Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp?" diễn ra tại Hà Nội cách đây vài ngày, đồng tình với việc có cơ chế hỗ trợ người dân bị thảm họa thiên tai, song theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), chính sách cần đồng bộ.
Về phía ngành ngân hàng, ngoài việc đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho khách vay, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Chính phủ cho giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Còn đối với các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, bà Giang thông tin, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng. Đồng thời, trình Chính phủ ban hành quyết định giữ nguyên nhóm nợ cho những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Khả thi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5 - 7%
Đánh giá về tác động của bão Yagi tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, đại diện Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) phân tích: bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc đầu tháng 9 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua.
Bão Yagi và hoàn lưu sau bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tình hình sản xuất, kinh doanh của 26 tỉnh, thành phố miền núi phía bắc và đồng bằng sông Hồng với mức độ thiệt hại khác nhau.
Nhiều ngành kinh tế đã chịu thiệt hại do gió lốc, ngập lụt, sạt lở đất... nhưng nặng nề nhất là hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng; gia súc, gia cầm, thủy sản bị cuốn trôi...
Ước tính sơ bộ ban đầu, bão Yagi gây thiệt hại khoảng hơn 80.000 tỉ đồng cho các địa phương miền Bắc.
Trong 3 khu vực, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất do bão Yagi. Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của 26 tỉnh bị ảnh hưởng của bão chỉ chiếm khoảng trên 20% giá trị tăng thêm cả nước nên tác động tới tăng trưởng toàn ngành của cả nước không quá cao.
Ngành công nghiệp và xây dựng cũng chịu ảnh hưởng do nhiều công trình thiết yếu, đường sá, cầu cống, hệ thống lưới điện, cấp nước cấp điện bị hư hại nghiêm trọng, tình trạng mất điện, mất thông tin liên lạc trong những ngày mưa bão, ngập lụt làm ngừng trệ sản xuất ở các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, những thiệt hại về cơ sở hạ tầng chỉ tính vào thay đổi tài sản của nền kinh tế, không tính vào hoạt động sản xuất trong kỳ nên mức độ thiệt hại cho hoạt động sản xuất cũng không đáng kể.
"Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất đã chủ động phục hồi sản xuất kinh doanh ngay sau bão để kịp tiến độ các đơn hàng nên công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn có mức tăng trưởng khá ấn tượng bù đắp những thiệt hại của nông nghiệp", bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, nhấn mạnh.
Ngành dịch vụ cũng chịu tác động của bão Yagi nhưng theo Tổng cục Thống kê, mức độ thiệt hại không cao do thời điểm cơn bão diễn ra không phải cao điểm mùa du lịch.
"Trong quý 3, với điểm sáng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành dịch vụ duy trì tăng trưởng ổn định; ngành nông, lâm, thủy sản không bị giảm mạnh đã giúp tăng trưởng kinh tế đạt tăng trưởng 7,4%, phù hợp với mức cận trên của kịch bản phấn đấu theo Nghị quyết của Chính phủ là 6,5 - 7%", lãnh đạo Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia nói.
Trên cơ sở kết quả hoạt động kinh tế quý 3 và 9 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê nhận định khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5 - 7% là khả thi.
Theo Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%, quý 4 sẽ cần tăng 5,7%; mục tiêu 6,8% thì quý 4 cần tăng 6,76%; mục tiêu 7% thì quý 4 cần tăng 7,5%.
Với kết quả tăng trưởng của quý 3 và 9 tháng, cùng với nhận định về xu hướng tăng trưởng các tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khả năng cao đạt được mục tiêu cận trên của kịch bản tăng trưởng.
Bình luận (0)