Đi làm lo né giờ xe kẹt
Nhận việc tại công ty mới sau 2 năm nghỉ ở nhà vì Covid-19, anh Trần Tuấn (ngụ Q.7, TP.HCM) hào hứng với việc mới, môi trường mới, đồng nghiệp mới. Ngày nào cũng đến cơ quan từ rất sớm và nằm top những người ra về cuối cùng, sau hơn 2 tháng duy trì “thương hiệu nhân viên gương mẫu”, anh “đuối sức” vì… kẹt xe.
“Nhà tôi bên Q.7, ngày nào qua cầu Kênh Tẻ cũng kẹt xe. Nếu đi sớm khoảng 8 giờ thì có hôm hơn 9 giờ mới tới được cơ quan bên Q.3. Chiều còn khủng khiếp hơn. Đường về tới Q.4 không quá ùn tắc nhưng qua khỏi cầu Ông Lãnh, hướng về phía Khánh Hội coi như xác định nhích thêm cả giờ đồng hồ chưa về tới nhà. Thời gian “chôn chân” trên đường bỏ lỡ rất nhiều việc, còn mang bực vào thân nên tôi đành xin sếp buổi sáng sắp xếp công việc ở nhà rồi tới cơ quan trễ hơn một chút, chiều về sớm hơn một chút. May công việc linh động, không thì khéo mất việc vì kẹt xe”, anh Tuấn kể.
Cũng theo anh, tình trạng kẹt xe cầu Kênh Tẻ không phải chuyện mới nhưng hồi 2019, cây cầu này được mở rộng nên ùn tắc có phần “hạ nhiệt”. Sau đó lại dịch bệnh, nhiều người ít ra đường nên đã dần quen với hình ảnh đường thông hè thoáng. Hiện nay, hoạt động kinh tế hồi sinh, nhu cầu di chuyển trở lại như trước dịch, lại đúng lúc khu vực vòng xoay Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ rào chắn thi công nên con đường vốn hẹp càng trở nên ngột ngạt. Nhiều hôm, xe container vướng lô cốt xếp hàng dài từ đường Nguyễn Văn Linh, lan vào cả các tuyến đường trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khiến khắp các ngả đi lối về ken cứng xe cộ.
Khảo sát sáng 26.9, PV Thanh Niên ghi nhận không chỉ nghẽn tại cầu Kênh Tẻ, ùn tắc tiếp tục lan rộng xuống khu vực Phước Kiển đến vòng xoay Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, đặc biệt tại đoạn qua cầu Rạch Đĩa 2. Nối xã Phước Kiển (H.Nhà Bè) và P.Tân Phong (Q.7), cây cầu này “gánh” một lượng lớn phương tiện đổ từ khu đô thị nam TP dồn về phía trung tâm. Suốt quãng đường kéo dài hơn 1 km, dòng xe ô tô xếp thẳng hàng, nhích từng chút trong dòng xe máy chạy hỗn loạn. Trên cầu, xe cộ chen nhau, nhiều người dân leo lên cả khu vực dành cho người đi bộ, gây mất an toàn giao thông. Trước đây, một số người “né” cầu Kênh Tẻ sẽ chạy xe vòng ra đường Nguyễn Tất Thành hoặc hướng qua cầu Nguyễn Văn Cừ để sang trung tâm TP, nhưng giờ đường nào cũng đông xe, ùn tắc không chừa tuyến nào.
Ùn tắc bóp nghẹt đường Nguyễn Hữu Thọ (kéo dài từ H.Nhà Bè tới Q.7) |
H.M |
Không chỉ khu nam hay các cửa ngõ của TP thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng, nhiều tuyến đường nội đô cũng đang dần được ghi tên vào danh sách “đường phải né” của cánh tài xế. Đơn cử, phương tiện chạy từ Q.4 đi sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) tới vòng xoay ngã sáu Phù Đổng (Q.1) thường sẽ rẽ vào Lý Tự Trọng, đâm ra Trương Định để tránh dòng xe chen nhau trên đường Cách mạng tháng 8. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, đoạn từ Trương Định - Lý Tự Trọng tới Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu gần như sáng nào cũng ùn tắc, luôn hiển thị màu đỏ (đường kẹt xe) trên bản đồ của các bác tài. Khắp TP.HCM, khu vực nào cũng có những nút cổ chai, những điểm đen ùn tắc khiến người dân ngao ngán.
Không thể chờ xây cầu, mở đường
Theo kế hoạch của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), các dự án quan trọng giải tỏa ùn tắc giao thông khu nam TP đều đang được xúc tiến triển khai.
Ưu tiên hàng đầu là công trình cầu đường Nguyễn Khoái đã hoàn thành các bước trình tự thủ tục đầu tư và TP đang đợi bố trí vốn trong hạn bổ sung. Dự án sau khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối từ khu chung cư Him Lam (Q.7) sang Q.4 và đấu nối xuống đường Võ Văn Kiệt. Cùng với đó, cầu vượt Bình Tiên, đi từ Q.6 nối dài qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nhập vào đường Nguyễn Văn Linh dự kiến được triển khai thi công cuối năm 2022, cùng dự án mở rộng QL50. TP đang khảo sát lại hình thức đầu tư xây cầu, có thể kêu gọi xã hội hóa hoặc đầu tư công để sớm triển khai. Ngoài ra, UBND H.Nhà Bè đang kiến nghị làm trục 15B song song với đường Huỳnh Tấn Phát, kết nối với điểm đầu của cầu Cần Giờ. Đây cũng là tuyến đường của trục bắc - nam góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông hiện nay, đặc biệt là trục Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Tất Thành. Trong tương lai, tuyến đường Vành đai 2 có cây cầu chạy qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và qua bến Phú Định; Cầu Thủ Thiêm 4 được xây dựng cũng sẽ mở ra một hướng đi mới về TP.Thủ Đức…
“Tất cả quy hoạch đều có và một số dự án đã ở bước chuẩn bị đầu tư, đang được cân đối nguồn vốn. Trong khoảng 3 - 5 năm tới, hàng loạt dự án giao thông sẽ được triển khai, giảm tải cho một số tuyến đường hiện hữu hiện nay”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, thông tin thêm.
Dự kiến 3 - 5 năm tới hoàn thành nhưng thực tế, các công trình kể trên đã nằm trong danh sách các dự án cấp bách suốt cả thập niên qua. Trong khi đó, dọc tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, các tòa cao ốc, chung cư cao tầng, văn phòng liên tục mọc lên với tốc độ chóng mặt, ngày càng tạo áp lực lớn lên trục giao thông huyết mạch phía nam Sài Gòn.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhận định với tốc độ phát triển của khu vực Nhà Bè - Hiệp Phước hiện nay, các dự án đã được quy hoạch phải triển khai khẩn cấp. Đường Nguyễn Hữu Thọ chỉ 4 làn xe là quá nhỏ, vẫn còn lộ giới để mở thêm lên 8 - 10 làn xe. Các cây cầu, đường giảm tải ra nhiều hướng trục ngoài, cần xúc tiến làm nhanh. Hạ tầng giao thông đã quá trễ so với nhu cầu, không thể tiếp tục theo sau thêm nữa. Nếu hạ tầng không thể đáp ứng được thì TP buộc phải hạn chế nhu cầu giao thông để bảo đảm cuộc sống cho người dân, đồng nghĩa kìm hãm sự phát triển của khu nam.
Nhìn rộng ra bức tranh giao thông toàn TP, ông Võ Kim Cương cho rằng không thể trông chờ xây cầu, mở đường là TP sẽ hết ùn tắc. Khi hạ tầng chậm trễ đã “hết phép”, phải chuyển sang sắp xếp lại nhu cầu giao thông. Việc tổ chức lại mạng lưới giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân cần được quyết liệt triển khai bằng những biện pháp cụ thể, không phải chỉ dừng ở hô khẩu hiệu.
Cơ quan quản lý quyết tâm làm, người dân cũng cần thay đổi tư duy vì sự phát triển chung cũng như vì chính lợi ích của mình. Mọi người phải hiểu đây là việc làm cần thiết và buộc phải lựa chọn giữa việc ngồi trên xe cá nhân chôn chân hàng giờ ngoài đường hoặc chuyển dần sang sử dụng giao thông công cộng. Nếu không đồng bộ tăng cường hạ tầng đô thị và chuyển đổi nhu cầu di chuyển thì giao thông TP.HCM sẽ mãi không có lối thoát.
Ông Võ Kim Cương
Bình luận (0)