Ngàn người biểu tình trước Nhà Trắng đòi ông Biden quyết liệt hơn về quyền phá thai

10/07/2022 10:45 GMT+7

Hàng trăm người đã biểu tình bên ngoài Nhà Trắng ngày 9.7 để yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden có những hành động mạnh mẽ hơn bảo vệ quyền phá thai, sau khi tòa tối cao ra phán quyết gây tranh cãi.

Người biểu tình ủng hộ quyền phá thai bên ngoài Nhà Trắng ngày 9.7

reuters

Theo AFP, đám đông ước tính khoảng 1.000 người, chủ yếu là phụ nữ, đã hô hào những khẩu hiệu như "Cơ thể là của tôi, lựa chọn là của tôi", và một số người ngồi trên vỉa hè dưới trời mưa, trong khi cảnh sát đứng canh.

Những người biểu tình kêu gọi ông Biden hành động quyết liệt hơn để chống lại phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ ngày 24.6, qua đó các thẩm phán đã lật ngược án lệ "Roe kiện Wade" nổi tiếng và tuyên rằng phá thai không phải là quyền hiến định.

"Hãy đứng lên, Joe Biden", một người biểu tình tên Becca, 37 tuổi, nói. Cô cầm một tấm băng rôn ghi "Phá thai theo nhu cầu mà không cần phải xin lỗi".

Một ngày trước đó, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm giúp phụ nữ Mỹ mua được viên uống phá thai và đi đến các bang nơi họ vẫn có thể thực hiện thủ thuật này. Song một số người biểu tình nói hành động này là chưa đủ.

"Tôi muốn một thế giới không phải là thế giới mà bà tôi phải sống. Mẹ tôi đã đấu tranh cho điều này trên đường phố. Chúng tôi không cần phải ở đây", chị Becca nói với AFP.

Một phụ nữ khác, Christine, tham gia cuộc biểu tình cùng với ba cô con gái của mình, một người ở độ tuổi 20 và hai người còn lại ở tuổi vị thành niên.

"Chúng tôi thực sự cảm thấy ông ấy (Tổng thống Biden) cần phải khám phá toàn bộ quyền lực của mình về hành pháp để đảm bảo rằng phụ nữ giữ được quyền của họ, quyền sinh sản của họ", bà Christine, 50 tuổi, nói với AFP.

Bà cũng nói thêm: "Và tôi ở đây để đảm bảo rằng các con gái của tôi không phải quay ngược thời gian 50 năm để trở về những ngày mà việc phá thai xảy ra trong những con hẻm nhỏ".

Ông Biden, người không có quá nhiều quyền hạn trong vấn đề này, đã hứng chịu chỉ trích vì bị cho rằng không hành động kể từ khi tòa tối cao đưa ra phán quyết.

Khi ký sắc lệnh hành pháp hôm 8.7, ông kêu gọi người Mỹ bỏ phiếu bầu cho các nhà lập pháp ủng hộ quyền phá thai (pro-choice) trong cuộc bẩu cử giữa kỳ tháng 11 và trao cho ông sự kiểm soát vững chắc ở quốc hội, để ông có thể hệ thống hóa quyền phá thai thành luật liên bang và qua mặt phán quyết của tòa tối cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.