Ngân sách không dùng để... bồi thường

28/01/2015 04:49 GMT+7

Sau vụ phải bồi thường 155 tỉ cho nhà thầu trong dự án cầu Nhật Tân đình đám hồi năm ngoái, dự án đường sắt đô thị Hà Nội chậm tiến độ, đội vốn khủng... thì dự án tuyến Metro số 1 (dự án đường sắt đô thị TP.HCM) hiện cũng đang phải đối mặt vấn đề tương tự: chậm giải phóng mặt bằng.

Sau vụ phải bồi thường 155 tỉ cho nhà thầu trong dự án cầu Nhật Tân đình đám hồi năm ngoái, dự án đường sắt đô thị Hà Nội chậm tiến độ, đội vốn khủng... thì dự án tuyến Metro số 1 (dự án đường sắt đô thị TP.HCM) hiện cũng đang phải đối mặt vấn đề tương tự: chậm giải phóng mặt bằng.

Trả lời trên Báo Thanh Niên, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM nói rằng, có thể cũng sẽ đền bù thiệt hại cho nhà thầu về sự chậm trễ bàn giao mặt bằng này.

Thống kê của Thanh tra Chính phủ cho thấy 70% khiếu kiện hiện liên quan đến đất đai, hơn 80% trong số khiếu kiện đất đai là vấn đề giá đền bù và chính sách tái định cư. Thế nên dễ hiểu, tuyệt đại đa số các dự án đều gặp vấn đề với giải phóng mặt bằng, chậm bàn giao hoặc bàn giao kiểu xôi đỗ gây khó khăn cho công tác thi công.

Theo luật Đất đai, trong các dự án thuộc diện nhà nước thu hồi đất, chính quyền bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư và tiến độ dự án được tính từ khi được bàn giao mặt bằng sạch. Nhưng hầu hết, trong suốt 15 năm qua, quy định này chưa được thực hiện. Cam kết về mặt bằng luôn là điểm khiến chính quyền mất uy tín nhất.

Ở tất cả các dự án mà việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chậm đều có chung một lý do: người dân không chấp nhận phương án thu hồi đất, không bàn giao mặt bằng. Nhưng ít khi nào lãnh đạo đặt câu hỏi: Tại sao dân không nhận tiền đền bù? Và tại sao ở các dự án bất động sản thường giải phóng mặt bằng nhanh hơn, còn các dự án giao thông, công trình phúc lợi lại quá chậm?

Giải phóng mặt bằng chậm, được đổ tại cơ chế, đổ tại người dân không hợp tác.

Hiện tại hình như ta chỉ có một “bài” duy nhất là thu hồi đất bắt buộc, căn cứ trên giá của UBND tỉnh, thành phố quy định và trả cho người dân một cục tiền. Ở các tỉnh, giá đất thấp thì người dân dễ đồng thuận hơn, còn ở Hà Nội, TP.HCM giá đất cao, cộng với việc sau khi thu hồi, người này mất đất nhưng lại có nhiều người khác hưởng lợi từ dự án, khiến người ta phải tính toán, dẫn đến khiếu kiện, trì hoãn. Mà đã có khiếu kiện, trì hoãn thì việc bồi thường cho nhà thầu là một hệ lụy tất yếu.

Ngân sách quốc gia tuyệt nhiên không thể dùng để bồi thường trong những trường hợp tắc trách.

Nếu vẫn không ai phải chịu trách nhiệm trong việc ngân sách phải bồi thường hàng trăm tỉ đồng cho nhà thầu do việc chậm giải phóng mặt bằng gây ra thì vấn đề còn chưa được giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.