Một câu hỏi rất đơn giản được đặt ra: "Ông/Bà có quan tâm tới thu, chi ngân sách nhà nước không?". Ở ngay một số vùng không xa Hà Nội lắm, người hỏi không nhận được câu trả lời mà lại nhận được câu hỏi: "Thế ngân sách nhà nước là gì?". Người hỏi đành phải giảng giải bổ sung sao cho dễ hiểu nhất về ngân sách nhà nước gồm có các khoản từ phí, thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... mà người dân phải nộp và cả các khoản nợ công mà nhà nước đi vay; rồi nhà nước phân bổ ngân sách đó để chi thường xuyên cho bộ máy, chi đầu tư phát triển và để trả nợ các khoản đã vay...
Người hỏi lại nhận được câu hỏi tiếp: "Vậy nợ công là gì?" và "Chi thường xuyên là gì?"... Cứ như vậy, rất lâu mới nhận được câu trả lời thật giản dị: "Người dân chúng tôi phải được biết tiền mà mình đóng góp được nhà nước chi vào việc gì, kể cả trả công nợ đã vay!". Số lượng ý kiến muốn được biết về thu, chi ngân sách cũng luôn chiếm trên 95% số người tham gia trả lời ở tất cả các địa phương triển khai.
Cuộc phỏng vấn người dân đã trở thành cuộc người dân phỏng vấn lại quá dài mới đi tới được câu trả lời giản dị cuối cùng. Điều đó cho ta thấy rõ việc sử dụng quá nhiều thuật ngữ khó hiểu để công khai ngân sách được người dân coi như không công khai. Các nước phát triển có trình độ dân trí cao mà người ta cũng phải tính tới việc đưa ra hình thức "Ngân sách công dân" ở dạng văn bản thuyết minh thu, chi ngân sách sao cho thật giản dị để người dân ít chữ nhất cũng hiểu được. Ở ta, nhiều cán bộ lại tư duy theo hướng thuyết minh rằng, bản chất ngân sách là rất phức tạp, có công khai thì người dân cũng không hiểu được, thế là không muốn công khai hay có làm thì cũng chỉ làm cho có...
Tiếp theo, nợ công hiện nay như thế nào, tại sao lại sắp kịch trần và trần đó do ai đặt ra? Đại đa số người dân đều không hiểu đó là gì và đang xảy ra như thế nào. Nhiều người dân được hỏi thì lại than rằng tưởng dân nghèo mới phải đi vay nợ chứ nhà nước cũng nợ nần à! Ở Mỹ, đồng hồ nợ công quốc gia được đặt tại trung tâm của New York để mọi người dân đều biết số nợ mà mình phải gánh.
Tóm lại, các cuộc khảo sát cho thấy, người dân bình thường sinh sống ở vùng nông thôn hay thành thị đều có khát vọng được biết thu, chi ngân sách nhà nước.
Vậy thì điều cần làm của nhà nước là đáp ứng được khát vọng đó thành tâm nhất, công khai sao cho dễ hiểu nhất, công khai ở chỗ thật minh bạch nhất và tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình thu, chi ngân sách. Khát vọng của dân và cách đáp ứng khát vọng của dân cần được luật hóa trong luật Ngân sách nhà nước sẽ được QH thảo luận trong tuần này.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 8: Quản lý nợ công, chi ngân sách và tinh thần pháp trị
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 7: Luận về vốn ODA ở Việt Nam
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 6 : Bi kịch của nền dân chủ lấy số đông thống trị số ít
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 5: Nhà nước vú em
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 4: Thành công không được ca tụng
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 3: Khi tự do bị chối bỏ
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson
Bình luận (0)