Ngăn Trung Quốc tiếp cận chip tiên tiến, Mỹ rơi vào thế khó

16/10/2024 13:00 GMT+7

Lá bài then chốt của Washington nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận chip tiên tiến đang tạo ra thế khó cho chính Mỹ.

Hôm qua, Reuters dẫn một số nguồn tin thân cận cho hay các quan chức Mỹ đang thảo luận viện hạn chế xuất khẩu chip chuyên phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và một số công ty nước này như AMD đến một số quốc gia.

Hạn chế xuất khẩu đến nhiều quốc gia

Thời gian qua, Mỹ đã hạn chế việc xuất khẩu các bộ xử lý đồ họa (GPU) của NVIDIA, vốn được đánh giá cao để phát triển AI, sang một số quốc gia như Trung Quốc, Ả Rập Xê Út, UAE…

Ngăn Trung Quốc tiếp cận chip tiên tiến, Mỹ rơi vào thế khó- Ảnh 1.

AMD có thể bị ảnh hưởng bởi những hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ (Trong ảnh: AMD giới thiệu chip mới tại Mỹ hồi tuần trước)

ẢNH: ĐOÀN ĐỨC

Lần này, Washington đang tập trung xem xét hạn chế chip AI đến các nước vùng Vịnh và biện pháp được đưa ra là ban hành các hạn mức về số lượng xuất khẩu. Lý do Mỹ theo đuổi ý định trên là "vì lợi ích an ninh quốc gia". Cả Bộ Thương mại Mỹ và các tập đoàn như NVIDIA, AMD, Intel đều từ chối trả lời Reuters về vấn đề trên. Hồi tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ ban hành quy định mới nhằm hạn chế việc bán các lô hàng chip AI cho các trung tâm dữ liệu ở vùng Vịnh.

Năm ngoái, Washington đã công bố các biện pháp mở rộng yêu cầu cấp phép xuất khẩu chip bán dẫn tiên tiến sang hơn 40 quốc gia, bao gồm một số quốc gia ở Trung Đông và Đông Nam Á, có nguy cơ chuyển chip sang Trung Quốc - quốc gia đang chịu lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ. Việc cấm vận xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc được xem là một trong các át chủ bài của Washington trong cuộc cạnh tranh sống còn hiện tại với Bắc Kinh.

Rơi vào thế khó

Theo Bloomberg, có một sự đồng thuận rộng rãi trong giới chính trị Mỹ là cần hạn chế Trung Quốc tiếp cận các loại chip tiên tiến. Tuy nhiên, làm sao để đối phó với tình trạng các loại chip được chuyển sang quốc gia khác rồi mới đến Trung Quốc đã trở thành bài toán đầy thách thức cho Mỹ.

Washington đánh giá chip tiên tiến không chỉ đem đến lợi thế về công nghệ mà còn cả sức mạnh quân sự cho Bắc Kinh. Sau khi chịu lệnh cấm vận từ Mỹ, Trung Quốc vẫn có được chip tiên tiến thông qua trung gian một số nước ở Trung Đông, Đông Nam Á và cả khu vực khác của châu Á. Vì thế, Mỹ đã ban hành các quy định việc xuất khẩu đến một số nước phải xin phép với quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt. Điều này khiến chính các tập đoàn công nghệ Mỹ gặp thách thức không nhỏ khi cung cấp chip cho nhiều đối tác lớn.

Điển hình, Microsoft vừa qua đã đầu tư khoảng 1,5 tỉ USD vào một công ty chuyên về AI là G42 ở UAE. Tuy nhiên, chính quá trình phê duyệt chậm trễ việc cung cấp các loại chip tiên tiến cho G42 đã khiến dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hay tại một quốc gia Đông Nam Á đang tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ phát động với tâm điểm là phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn, cũng gặp khó trong các kế hoạch hợp tác với Mỹ do nằm trong danh sách bị Washington hạn chế chip tiên tiến vì lo ngại "tuồn hàng" sang Trung Quốc.

Không những vậy, chính những rào cản đó mở ra cơ hội để nhiều công ty công nghệ ở các nước khác có cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu mà không bị lệ thuộc vào những ràng buộc do Washington đặt ra. Gần đây, Huawei (Trung Quốc) đã không ngừng đầu tư và phát triển các dòng chip tiên tiến, nên có thể tận dụng cơ hội vừa nêu để khai thác thị trường.

Vì thế, chính quyền Mỹ đang phải tìm ra một giải pháp vẹn cả đôi đường, nhưng điều này không hề đơn giản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.