Lên xuống vật liệu trong vùng an toàn của bến phà
Mặc dù được xác định là bến thủy không phép nhưng tại khu vực bãi tập kết vật liệu xây dựng nằm cặp sông Cổ Chiên (thuộc địa phận ấp Bình Thuận 2, xã Hòa Ninh, H.Long Hồ, Vĩnh Long) của Công ty Long Hưng, vẫn thường xuyên có sà lan sắt to neo đậu không phép, thậm chí lên xuống vật liệu trong vùng nước an toàn của phà Đình Khao.
Tại bến thủy trái phép của Công ty Long Hưng nằm trong vùng nước an toàn của phà Đình Khao chiều 11.9, cần cẩu lớn đang cạp cát xuống sà lan sắt |
chụp màn hình |
Ngày 12.9, ông Lê Hoàng Thông, Bến trưởng bến phà Đình Khao (QL57, thuộc H.Long Hồ, nối 2 tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long), cho biết sau khi Báo Thanh Niên phản ánh việc Công ty Long Hưng tự ý cắm bảng được phép neo đậu và neo đậu sà lan trái phép trong vùng nước an toàn, gây mất an toàn cho hoạt động của phà Đình Khao, công ty này ngưng hoạt động một thời gian.
Tuy nhiên, sau đó tại bến thủy của công ty này thường xuyên có sà lan sắt to neo đậu và lén lút lên xuống vật liệu vào cuối ngày, ban đêm hay lúc trời mưa. “Khi phát hiện, mấy anh em đã báo cho tôi. Tôi cũng có phản ánh nhiều lần nhưng không có tác dụng nên mấy anh em thấy riết rồi chán không thèm phản ánh nữa”, ông Thông bức xúc.
Bãi vật liệu xây dựng của Công ty Long Hưng và một sà lan sắt đậu trong vùng nước an toàn của phà Đình Khao |
Nam Long |
Theo đoạn clip do một người dân ghi lại vào cuối giờ chiều 11.9, tại bến thủy của Công ty Long Hưng có một sà lan lớn, trên bờ có một cần cẩu lớn đang cạp cát xuống sà lan này, khi đầy cát sà lan rời đi.
Người quay clip cho biết, thông thường vào ban đêm, có một sà lan chở cát bơm lên bãi vật liệu này, sau đó một sà lan khác đến chở cát đi. “Hoạt động không rầm rộ như trước nhưng vẫn lén thực hiện, tôi cũng không biết là bến này có được cấp phép chưa nữa”, người quay clip nói thêm.
Hai đống cát khổng lồ và xáng cạp trên bãi vật liệu của Công ty Long Hưng |
Nam Long |
Bến thủy Công ty Long Hưng xin phép nằm trong vùng nước an toàn của phà Đình Khao
Ông Lê Hoàng Thông cho biết, Cục quản lý đường bộ IV vừa có văn bản gửi Cụm phà Vàm Cống (đơn vị quản lý phà Đình Khao) và Sở GTVT Vĩnh Long thông báo ý kiến về việc Công ty Long Hưng xin mở bến thủy nội địa ở vị trí cạnh phà Đình Khao.
Công văn nêu rõ, bến phà Đình Khao thuộc phạm vi lý trình từ Km3+294-Km4+720, QL57, Vĩnh Long. Vị trí dự kiến mở bến thủy nội địa của Công ty Long Hưng thuộc xã Hòa Ninh, H.Long Hồ, Vĩnh Long (phía thượng lưu bờ Bến Tre); khoảng cách tính từ tâm ponton của bến phà đến tâm vị trí dự kiến xin phép mở bến thủy nội địa của Công ty Long Hưng là 150 m theo chiều dọc sông.
Vị trí bảng cấm neo và phao vàng báo hiệu của phà Đình Khao |
Nam Long |
Vùng nước hoạt động của bến phà Đình Khao phía bờ Bến Tre theo công văn số 88/CCĐS-KT ngày 5.3.2002 của Chi cục đường sông phía nam về việc xây dựng và vùng hoạt động của bến phà Đình Khao trên QL57- Km9+000 sông Cổ Chiên tính từ tim bắn về thượng lưu 150 m, hạ lưu 150 m, ngang từ mép ngoài ponton ra sông 50m.
Theo Nghị định 110/2010/NĐ-CP ngày 24.2.2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn của bến phà Đình Khao tính từ tim bến ra theo chiều dọc sông mỗi bên là 150 m.
Căn cứ các số liệu trên, vị trí xây dựng bến thủy nội địa của Công ty Long Hưng sẽ có một phần nằm trong hành lang an toàn và nằm trong vùng nước hoạt động của bến phà Đình Khao. Vì vậy, để đảm bảo vùng an toàn hoạt động của bến phà Đình Khao, Sở GTVT Vĩnh Long được đề nghị khi cấp phép hoạt động bến thủy nội địa cho Công ty Long Hưng cần phải đảm bảo không nằm trong hành lang an toàn và vùng nước hoạt động của bến phà Đình Khao, không để xảy ra chồng lấn vùng nước hoạt động của hai bến.
Cùng ngày, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Khải, Phó giám đốc Sở GTVT Vĩnh Long, cho biết khu vực bến thủy của Công ty Long Hưng xin cấp phép bến thủy nằm trong vùng nước an toàn của phà Đình Khao nên không được cấp phép. “Nếu công ty hoạt động thì chúng tôi chỉ có thể lập biên bản thôi, không xử phạt được vì theo quy định mới, chức năng xử phạt này giao về cho Cảng vụ đường thủy nội địa (thuộc Sở GTVT Vĩnh Long). Nhưng Bộ GTVT không cấp đầy đủ giấy tờ cho cán bộ ở cảng vụ để thực hiện việc kiểm tra xử phạt, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được”, ông Khải nói.
Bình luận (0)