Ngang nhiên phá rừng

03/02/2015 10:00 GMT+7

Kiểm lâm Quang Nam tuyên bố mở chiến dịch truy quét lâm tặc kéo dài trước, trong và sau tết Ất Mùi. Tuy nhiên, sau nhiều ngày bám rừng, Thanh Niên ghi nhận họat động khai thác gỗ trái phép vẫn diễn ra bất kể ngày, đêm.

Kiểm lâm Quang Nam tuyên bố mở chiến dịch truy quét lâm tặc kéo dài trước, trong và sau tết Ất Mùi. Tuy nhiên, sau nhiều ngày bám rừng, Thanh Niên ghi nhận họat động khai thác gỗ trái phép vẫn diễn ra bất kể ngày, đêm.

Ngang nhiên phá rừngRừng ở khe 39 bị tàn phá tan hoang - Ảnh: N.N
Trong vai người đi rừng, chúng tôi có mặt tại đường Hồ Chí Minh cách thị trấn Khâm Đức (H.Phước Sơn 9km) để tiếp cận tiểu khu 647 và khe 39 thuộc xã Phước Hòa (H.Phước Sơn). Để qua mắt được đám “đề lô” (người được thuê để theo dõi động tình của lực lượng chức năng) ngồi trong barie tự phát đối diện Km6/1362 đường Hồ Chí Minh, chúng tôi phải đi ngược lên trên suối Rô hướng về trung tâm thị trấn Khâm Đức khoảng 200m rồi bơi qua sông để vào rừng trong tiết trời rét buốt của mùa đông. Trên đường đi, người dẫn đường tình nguyện tên N.D cho biết: “Nếu không mạo hiểm bơi qua sông mà đi ngang qua suối Rô đối tượng “đề lô” thấy người lạ xuất hiện sẽ báo tin ngay cho đồng bọn nghỉ làm, tẩu tán gỗ lậu”. Từ suối Rô cuốc bộ gần một tiếng đồng hồ, vất vả leo đồi, lội suối và băng rừng hơn 2km chúng tôi cũng đến được tiểu khu 647. Theo quan sát của chúng tôi, rừng tại đây được phân làm hai lô, lô A giao cho một người tên M., còn lô B giao cho ông D. quản lí được ghi vội trên một tấm bảng khá nhỏ. Càng đi sâu vào bên trong chúng tôi bắt đầu thấy dấu hiệu của sự tàn phá rừng hiện rõ.
Tại khe 39, sau khi khai thác gỗ xong lâm tặc sẽ vận chuyển gỗ bằng hai con đường: một theo dòng nước đổ về Km4/1360 đường Hồ Chí Minh sau nhà một đầu nậu buôn gỗ khét tiếng tại Khâm Đức; hai là vận chuyển bằng xe máy hoặc ôtô qua suối Rô ra Km6/1362 đường Hồ Chí Minh.
Cạnh con đường mòn “lâm tặc” dùng để kéo gỗ, những cây dẻ trắng cổ thụ bị lâm tặc “xẻ thịt” từ lâu, gốc nằm chỏng trơ. Tiến sâu vào, nhiều cây gỗ hương, dổi mới bị đốn hạ cách đây vài ngày, lá còn xanh, mùn cưa còn tươi, vẫn còn trên 50 phách khung ngoại bằng gỗ hương dài 3m ngang 15cm nằm chỏng chơ. Lên tới đỉnh núi (tại tọa độ 15.531,107.861) chúng tôi kinh hãi khi phát hiện cả một khu rừng có hàng chục cây gỗ hương đường kính 2-3 người ôm nằm ngổn ngang, chồng chất lên nhau. Những phách gỗ hương đã được lâm tặc xẻ vuông vắn chưa kịp chuyển đi tiêu thụ được ngụy trang bên dưới lớp lá chè rừng. Quan sát tại hiện trường có rất nhiều bình nhớt máy cưa loại Access, vỏ gói lương khô, chai nhựa đựng nước vứt bừa bãi… giống như một công trường khai thác gỗ. Anh N.D cho biết lâm tặc ở đây không phải dùng rựa, rìu thủ công đốn hạ mà dùng cưa máy loại khủng để hành nghề. Đi dọc theo khe suối để sang lô B có hàng chục lán trại lớn, được lát ván kiên cố làm chỗ nằm, chứng tỏ lâm tặc cưa xẻ gỗ rất công khai và đã đóng quân dài ngày ở đây. Theo ghi nhận của chúng tôi nơi đây có rất nhiều gỗ hương, dổi, sơn huyết… đường kính trên 1m bị lâm tặc đốn hạ lấy đi phần thân, có những thân cây mới đốn chưa kịp rọc phách xẻ gỗ, nhựa ở gốc ứa ra đỏ quách.
Rời rừng tiểu khu 647, đi bộ hơn 5km chúng tôi vào khe 39. Lúc này trời đã về chiều. Sau khi băng qua dòng nước chảy xiết ở khe 39, cách 1,5km đã nghe thấy âm thanh gầm rú inh ỏi của máy cưa, tiếng cây đổ... Ở hai bên đường có hàng trăm cây gỗ quý như dổi, hương... bị đốn hạ không thương tiếc. Càng đi vào sâu bên trong tại tọa độ 15.513,107.816 tiếng máy cưa càng gần hơn làm kinh động cả khu rừng. Trong vai những người đi tìm phong lan rừng, chúng tôi tiếp cận hai đối tượng đang cưa một cây gỗ to phải ba người ôm ngay giữa đường. Chúng tôi hỏi làm giữa ban ngày như thế này không sợ kiểm lâm sao, họ cho biết “chúng tôi làm theo sự chỉ đạo của chủ gỗ còn mọi thủ tục đều do chủ gỗ lo liệu rồi”...
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.