Ngang nhiên 'thu hụi chết' người bán hàng rong ở Đồng Nai

12/09/2023 07:00 GMT+7

Từ phản ánh của người bán hàng rong về tình trạng trấn lột ở chợ tự phát nằm trên đường 3A thuộc KCN Bàu Xéo (thuộc ấp 1, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), PV Thanh Niên vào cuộc điều tra.

Sau gần 1 tháng thâm nhập thực tế, chúng tôi phát hiện người đứng ra thu tiền bãi của những người bán hàng rong tại chợ tự phát là người phụ nữ tên Th. (49 tuổi, ngụ Đồng Nai). Tại đây, bà Th. tự vẽ ra khu vực quản lý riêng của mình, ai muốn có chỗ ngồi bán hàng thì phải được sự đồng ý và phải đóng "hụi chết" hằng tháng.

Thu tiền bãi vô tội vạ

Khu vực chợ tự phát nằm cuối đường 3A thuộc KCN Bàu Xéo, đoạn tiếp giáp với con đường dân sinh thuộc ấp 1, xã Sông Trầu (H.Trảng Bom). Mỗi ngày có khoảng 50 gánh hàng rong buôn bán cả sáng lẫn chiều, trong số này có hàng chục người phải nộp tiền bãi cho bà Th. Nhiều ngày có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận cảnh bà Th. thu tiền của một số người bán hàng rong giữa "thanh thiên bạch nhật".

Ngang nhiên 'thu hụi chết' người bán hàng rong ở Đồng Nai - Ảnh 1.

Khu chợ tự phát bắt đầu nhộn nhịp từ lúc tan tầm vào khoảng 16 giờ 30 hằng ngày

Sáng 4.8, ngồi trong quán cà phê của bà Th., chúng tôi chứng kiến một người đàn ông ngoài 40 tuổi đang đứng ở khu vực bán đồ ăn sáng và cơm trưa, thì bà Th. từ trong nhà đi ra, ngồi nói chuyện. Khoảng 10 phút sau, có một người phụ nữ khoảng 40 tuổi vào ngồi cạnh người đàn ông và tiếp tục nói chuyện. Ngay sau đó, người phụ nữ lấy tiền từ trong bịch ni lông gồm nhiều mệnh giá đếm đi đếm lại nhiều lần, đưa cho bà Th. Qua quan sát, số tiền đóng "hụi chết" mà người phụ nữ này phải nộp hơn 1 triệu đồng. Sau đó, người phụ nữ rời đi và tiến lại xe bán bánh mì đậu cách đó không xa.

PV tiếp cận người phụ nữ bán bánh mì này thì được biết chị tên M. (37 tuổi, ngụ Đồng Tháp). "Hằng ngày, 5 giờ 30, tôi dọn ra bán đến 7 giờ 30 thì dọn về khi công nhân vào ca. Mỗi ngày, tôi chỉ bán khoảng 2 tiếng đồng hồ, nhưng phải đóng tiền chỗ cố định là 400.000 đồng/tháng cho bà Th.", chị M. chia sẻ.

Chị M. cho biết thêm mặc dù chỗ đứng bán thuộc đất của KCN Bàu Xéo, nhưng vẫn phải đóng tiền cho bà Th., vì bà này lấy cớ dọn dẹp, đổ đá, chống sình lầy… nên phải thu tiền chỗ.

"Nếu chúng tôi không nộp tiền thì bị đuổi đi. Tôi bán bánh mì cho công nhân với giá 15.000 đồng/ổ. Có hôm bán được 50 ổ bánh mì, ngày vắng thì được tầm 30 ổ, lời lãi chẳng được bao nhiêu. Vậy mà bà Th. cứ tìm cớ gây sự hoài khi chưa kịp nộp tiền. Thật sự, chỉ cần nghe tiếng bà Th. từ xa là tôi giật mình rồi, cũng vì cuộc sống nên âm thầm chịu đựng để có chỗ mưu sinh nuôi con ăn học", chị M. bức xúc.

Theo lời kể của một số nạn nhân (đang bán và đóng tiền "hụi chết" nhiều năm cho bà Th.), bà Th. thu tiền quanh năm suốt tháng không "khuyến mãi" ngày nào. "Kể cả những ngày lễ, tết, công nhân về quê hết, chúng tôi nghỉ bán, thế nhưng vẫn phải đóng tiền đầy đủ không thiếu ngày nào. Ngay cả năm 2021 khi có dịch Covid-19 bùng phát, mấy tháng liền không ai được ra đường thì đâu có buôn bán gì, thế nhưng bà Th. không bớt cho tháng nào. Vẫn phải đóng đủ, ai không đóng thì bà này đuổi đi không cho bán, để có chỗ mưu sinh nhiều người dù không có đủ tiền cũng phải đi vay mượn đầu này, đầu kia để đóng", một người bán hàng rong bức xúc.

Khi chúng tôi thắc mắc vì sao bị thu 400.000 đồng/tháng, mà lúc sáng đưa nhiều thế? Chị M. cho hay: "Do tôi gần sinh em bé, nên để giữ chỗ bán sau sinh và lấy lòng với bà Th. nên gom góp đóng luôn 3 tháng, với số tiền 1,2 triệu đồng".

Sáng 5.8, PV ghi nhận cảnh bà Th. thu tiền của một người đàn anh tên H. tại quán cà phê của bà. Theo tìm hiểu của PV, nhiều ngày trước đó, vợ chồng anh H. bán quần áo ở vỉa hè, trên con đường đất trước quán bà Th. Khoảng

15 giờ mỗi ngày, vợ chồng anh H. đẩy xe quần áo tới đây bày bán. Anh H. xin giảm giá tiền "hụi chết" do buôn bán ế ẩm, nhưng bà Th. không đồng ý nên anh phải đưa 2 triệu. Chiều cùng ngày, trong vai trò người buôn bán tại đây, PV tiếp cận anh H. để trò chuyện. Anh H. cho biết đã bán quần áo ở đây được 10 năm, nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, anh H. buôn bán ế ẩm, nhiều lần muốn nghỉ, nhưng nghỉ cũng chẳng biết làm gì nên bán thêm một thời gian xem sao, rồi tính. Khi đề cập đến chuyện đóng tiền chỗ, anh H. than vãn: "Buôn bán ế ẩm thế mà tiền chỗ không được giảm đồng nào, vẫn đóng đủ hằng tháng. Như sáng nay, tôi mới đóng tiền cho bà Th. xong, năn nỉ giảm mãi mà không được, nên phải đóng đủ 2 triệu cho 2 tháng".

Ngang nhiên 'thu hụi chết' người bán hàng rong ở Đồng Nai - Ảnh 3.

Anh H. (người bán quần áo) đang ngồi đếm tiền đưa cho bà Th.

Thanh Niên

Bắt buộc phải đóng "hụi chết"

Theo tìm hiểu của PV, việc thu tiền chỗ, bà Th. buộc người bán hàng rong phải đóng "hụi chết" theo tháng, theo quý hoặc theo năm.

Ông S. (46 tuổi, ngụ Quảng Nam, bán rau gần 10 năm tại khu chợ tự phát này) tiết lộ: "Để có chỗ ổn định buôn bán suốt thời gian qua, tôi phải đóng tiền chỗ đều đặn hằng năm. Trước kia, tôi phải đóng mỗi tháng 1,2 triệu đồng, sau đó thì đóng theo quý. Từ sau dịch tới nay, tôi đóng theo năm, giá có giảm được chút đỉnh. Giờ đây, mỗi năm, tôi đóng cố định 10 triệu đồng".

Còn theo anh T. (một trong số người bán hàng rong ở chợ tự phát này), ngoài tiền phải chung chi hằng tháng, chúng tôi luôn mệt mỏi với sở thích thường xuyên hỏi mượn tiền mọi lúc mọi nơi, có khi đang trong lúc bán hàng bà Th. cũng ra hỏi mượn tiền. Nếu không đạt được mục đích là bà Th. "đá thúng, đụng nia", rồi chửi bới, thậm chí đòi đuổi đi không cho bán, vì miếng cơm manh áo mà chúng tôi đành phải nhẫn nhịn cho qua chuyện".

Luật sư Nguyễn Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết theo điều 170 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nào có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Đồng thời tùy tính chất, mức độ sẽ có hình phạt khác nhau.

Cụ thể, luật sư Hùng cho hay người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 1 - 5 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản; phạt tù từ 3 - 10 năm khi phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tái phạm nguy hiểm... Cũng theo luật sư Hùng, hình phạt tù cao nhất đối với tội phạm này là 20 năm tù khi chiếm đoạt trên 500 triệu đồng trở lên.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 12.9

Để xác tín thông tin việc thu tiền "hụi chết" của bà Th., chiều 16.8, PV Thanh Niên theo chân một người đàn ông tên L. đến gặp bà Th. tại một quán cơm (sát chợ tự phát) để xin chỗ nhỏ đứng bán chôm chôm tại khu chợ tự phát này. Gặp bà Th., anh L. giãi bày, do thất nghiệp vốn không có nhiều, nên mỗi ngày chỉ lấy vài chục ký chôm chôm về bán kiếm sống qua ngày. Sau đó. bà Th. dẫn anh L. ra vỉa hè sát bên trụ đèn chiếu sáng của KCN, chỉ chỗ đứng rồi nói "đứng đây mà bán".

Nói xong, bà Th. nhắc nhở chị bán rau kế bên: "Mày bỏ gọn rau lại chừa chỗ nhỏ cho thằng này (tức anh L. - PV) bán với". Lập tức, chị bán rau chạy ra thu gọn sạp dưa leo đang bày bán để nhường cho anh L. một khoảng đất trống nhỏ.

Quay trở lại quán cơm, chúng tôi hỏi giá tiền bãi phải nộp thì bà Th. nói: "Bán ít vậy thì đóng 200.000 đồng/tháng, nhưng phải đóng tiền liền". Không còn lựa chọn khác, chúng tôi lấy ra tờ 200.000 đồng đóng cho bà Th., rồi bày bán chôm chôm ngay vị trí được chỉ định trước đó.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.