Tôi xa quê, lên Sài Gòn trọ học rồi làm việc. Nhớ những ngày đầu vào Sài Gòn, thi vào Học viện Hành chính nơi quận 10, ở ghép với một gia đình trong hẻm nhỏ. Đêm đầu tiên không tài nào ngủ được, không phải vì nhớ nhà mà vì… không thở được, theo đúng nghĩa đen. Lần đầu tiên vào Sài Gòn tôi hiểu rõ cảm giác ngột ngạt đến thế. Chắc tại sinh ra lớn lên từ làng, nhà không cửa, vườn rộng mấy mẫu nên quen rồi.
Sau này, ở Sài Gòn mấy năm tôi cũng quên dần nỗi sợ “không thở được” và quen dần với những hẻm nhỏ, những nhà chật, cửa hẹp. Không quen sao được, muốn sống nơi đất khách phồn hoa này thì phải… tập quen. Nhưng tâm hồn của đứa trẻ từ quê lên phố vẫn mãi như cánh diều luôn đòi no gió, thế là mỗi chiều về sớm tôi xách xe chạy xa ra khỏi trung tâm thành phố “đổi gió”. Và trong các hành trình “trốn phố” nhiều lần tôi vẫn chọn ngang qua Phú Mỹ Hưng.
Là một lữ khách, nhưng với Phú Mỹ Hưng tôi có khá nhiều kỷ niệm.
Nhớ thời sinh viên nghèo, Phú Mỹ Hưng là một cụm từ “sang chảnh” với tôi và đám bạn. Bạn bè rủ đi nhậu, bận đi làm nhà hàng tiệc cưới nhưng vẫn oang oang nói đùa: “Ừ, tao đi làm để mua nhà bên Phú Mỹ Hưng” - nó như một mục đích để phấn đấu, mặc dù với sinh viên thì việc mua nhà Phú Mỹ Hưng mơ hồ như mây như khói. Nhưng cuộc đời có ai đánh thuế ước mơ đâu? Mà giờ ra trường mấy năm rồi, câu nói đùa ngày trước “mua nhà Phú Mỹ Hưng” sắp thành hiện thực với một số đứa bạn. Nghĩ mà mừng cho tụi nó!
Cũng một thời tình yêu gắn với khu vực hồ Bán Nguyệt, những lần nắm tay hẹn hò vào những đêm đầy sắc màu nơi này. Thường mỗi tối thứ bảy hai đứa lại xúng xính váy áo qua hồ Bán Nguyệt chơi, có hôm gặp thằng bạn thân chở bồ đi cùng. Thế là hai đôi, tay trong tay hòa vào hàng trăm đôi đang hò hẹn. Sài Gòn có nhiều điểm dừng chân cho tình yêu, nhưng hồ Bán Nguyệt có nét riêng quyến rũ đặc biệt. Có lẽ, ở đây những người trẻ họ yêu nhau và tìm được khát vọng “rất thực tế”, như chính câu nói của người tình một thời: “Nếu có tiền mình mua nhà ở đây, anh nhỉ?”.
Phú Mỹ Hưng xa hoa nhưng cũng thật gần, nó đủ xa để người ta khát khao, nhưng cũng đủ gần để người ta tìm đến mà không sợ lạc lõng giữa dòng người. Tôi muốn nhắc đến những đêm nhạc Trịnh với hàng chục ngàn người già trẻ, lớn nhỏ từ nhiều nơi đổ về. Có nhiều lý do như không gian rộng, giao thông thuận lợi… để tổ chức một đêm nhạc lớn ở nơi này. Nhưng tôi có cảm giác, dường như nhạc Trịnh hợp với không gian nơi này, nơi đủ xa ồn ào khói bụi của khu vực nội thành để người yêu nhạc Trịnh đủ “tĩnh tâm” mà nghe, mà cảm nhận.
Có thêm một điều mà với một lữ khách ngang qua Phú Mỹ Hưng như tôi phải nhớ, đó chính là hội chợ hoa xuân tết Bính Thân. Không biết người tổ chức có phải là một người con xa quê như tôi không khi mà chọn chủ đề Về làng, ở đó tôi tìm thấy những biểu tượng của làng quê được phục dựng, nổi bật nhất là những chiếc cổng làng tiêu biểu của ba miền.
Ngày tết, xa nhà, xa quê mà đi giữa không gian có cánh đồng lúa chín, có những chiếc vó cá, rơm rạ… thử hỏi tấm lòng sắt đá nào không thôi nhớ cho được. Lần đó, tôi cố đi qua từng đoạn chợ hoa thật chậm, chỉ để được hít hà một chút “hương đồng cỏ nội” - như một liều doping thật mạnh để bớt nhớ nhà đi một chút.
Tôi vẫn là một lữ khách ngang qua Phú Mỹ Hưng, vẫn mang trong mình khát khao như thời sinh viên, vẫn thường xuyên nói “mua nhà bên Phú Mỹ Hưng” như một đích đến. Ước mơ xin cất giữ lại một góc nào đó, giờ phải làm và yêu đời, để một ngày với Phú Mỹ Hưng tôi không còn là một lữ khách.
Bình luận (0)