Ngành chế biến gỗ xuất khẩu: Trước nguy cơ bị kiện chống bán phá giá

24/11/2005 09:57 GMT+7

Hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu, nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp như các rào cản và cạnh tranh trong thương mại, việc chống bán phá giá (CBPG)… Các vụ kiện về cá tra, cá basa, tôm, giày dép, xe đạp… minh chứng rất rõ điều này. Theo dự báo của các chuyên gia, sau những mặt hàng trên, ngành gỗ chế biến của VN sẽ là mặt hàng tiếp theo nằm trong tầm ngắm của các vụ kiện CBPG.

4 lý do có thể bị kiện

Theo thống kê của Mỹ, từ tháng 1 đến tháng 9/2005, đồ gỗ nội thất dùng trong phòng ngủ của VN xuất khẩu vào nước này tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2004. Theo Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC), mặt hàng đồ gỗ VN hiện chiếm 2,2% thị phần tiêu dùng ở Mỹ trong năm 2003, chiếm tới 4,2% giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2004. Dự kiến, đồ gỗ nội thất của VN có thể chiếm tới 6% thị phần ở Mỹ trong thời gian tới. Từ những số liệu trên, câu hỏi đặt ra là liệu đồ gỗ nội thất dùng trong phòng ngủ hay mặt hàng đồ gỗ nào của VN có thể bị Mỹ kiện CBPG?

Trả lời vấn đề này, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất thương mại Sài Gòn - Đắc Lắc (Sadaco) đã đưa ra 4 lý do đầy thuyết phục để cảnh báo. Thứ nhất, kim ngạch về đồ gỗ của chúng ta đang ở tốc độ phát triển cao nhất so với các ngành khác trong cả nước.

Thứ hai, xuất khẩu đồ gỗ của VN vào Mỹ luôn có tốc độ tăng trưởng “nóng” như đã nói ở trên nên phía Mỹ có thể dựa vào để thêm những lý do áp mức thuế CBPG với mặt hàng này.

Thứ ba, các nhà sản xuất đồ gỗ từ Mỹ, châu u, Trung Quốc vẫn tiếp tục xu hướng chuyển dịch về VN nhằm nâng cao sức cạnh tranh do VN có nhiều lợi thế như giá nhân công thấp, chính trị ổn định và thuế xuất nhập khẩu đồ gỗ của ta vào Mỹ còn thấp. Điều này đã làm kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của VN tiếp tục tăng cao. Thứ tư, hiện tại đồ gỗ của chúng ta xuất khẩu vào Mỹ chỉ đứng sau Trung Quốc.

Ông Mạnh kết luận, với những lý do trên, chúng ta không thể không tính đến khả năng có thể bị kiện CBPG. Do vậy, việc tìm các giải pháp tháo gỡ và chuẩn bị tốt để đối phó là không thừa nếu như chúng ta muốn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ.

Đối phó bằng cách nào?

Tiến sĩ Adam McCarty, chuyên viên Quỹ xây dựng năng lực quản lý quốc gia có hiệu quả VN-Australia cảnh báo, số lượng các vụ kiện CBPG đối với hàng hóa VN sẽ ngày càng tăng. Do vậy, việc dự báo và thiết lập trước một kế hoạch ở một số ngành hàng có nguy cơ bị kiện như chế biến gỗ để tự vệ là điều rất cần. Kinh nghiệm từ 2 vụ kiện CBPG cá da trơn và tôm của Mỹ đối với các DNVN cho thấy, việc cảnh báo nguy cơ bị kiện để các DN có thời gian chuẩn bị đối phó đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Chẳng hạn, trong vụ cá da trơn, các DN chỉ có khoảng 1 tháng rưỡi để chuẩn bị, trong khi vụ tôm dự đoán trước khoảng 2 năm và đã có hơn 10 cuộc tập huấn được tổ chức cho các DN. Do có sự chuẩn bị chu đáo nên trong vụ kiện tôm chỉ có 1 công ty của VN bị coi là không hợp tác, trong khi vụ cá da trơn có tới 11 công ty. Kết quả phía Mỹ đã áp mức thuế CBPG trong vụ kiện tôm từ 4,13% tới 25,76% lên DNVN, trong khi mức thuế trong vụ cá da trơn từ 36,84% đến 63,88%.

Trở lại với ngành gỗ chế biến, nhiều ý kiến tại hội thảo “Cạnh tranh thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế” được tổ chức vào sáng 23/11 tại TP.HCM, cho rằng để hạn chế rủi ro, ngay từ bây giờ các DN cần tính đến việc ưu tiên nhập khẩu nguyên liệu từ các nước có nền kinh tế thị trường, đặc biệt là nhập nguyên liệu từ Mỹ dưới dạng mua, bán, gia công, nhập nguyên liệu bán thành phẩm… để có thể có lợi thế khi chọn nước thay thế.

Về phía Nhà nước, cần tăng cường hỗ trợ về vốn, thông tin và đào tạo chuyên môn khi đối diện với vụ kiện CBPG cho các DN (như tài chính phải minh bạch, trung thực và nghiêm túc trong trả lời câu hỏi, vận động hành lang, tôn trọng thời hạn phía điều tra đưa ra…). Bên cạnh đó, Nhà nước cần tổ chức một nhóm nghiên cứu nghiêm túc vấn đề CBPG như một dự án cạnh tranh trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia, các luật sư trong và ngoài nước, các hiệp hội nhằm giảm thiểu nguy cơ bị kiện bán phá giá.

Đồng tình với ý kiến của các DN, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) cho rằng, ngay từ bây giờ Cục sẽ phối hợp với Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP thành lập thử nghiệm nhóm nghiên cứu liên quan đến vấn đề CBPG nhằm giúp các DN có nhiều nguồn thông tin về thị trường, sản phẩm, luật lệ của các nước…

Thúy Hải
(Sài Gòn Giải Phóng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.