Ngành chip Trung Quốc dốc sức trước thương chiến leo thang

17/11/2024 06:42 GMT+7

Ngay cả khi ông Donald Trump chưa chính thức quay lại Nhà Trắng, ngành chip bán dẫn Trung Quốc đã đối mặt khó khăn lớn nhưng có thể cũng là động lực để Bắc Kinh tăng cường tự chủ trong lĩnh vực này.

Ngày 16.11, tờ Nikkei Asia đưa tin Chỉ số CSI ngành bán dẫn của Trung Quốc (CSI931865) vừa qua đã tăng 6 phiên liên tiếp kể từ sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5.11. Đây là một chỉ số đánh giá nhóm doanh nghiệp bán dẫn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Lấy khó khăn làm động lực ?

Tính từ đầu năm, CSI931865 đã tăng 26% kể từ đầu năm, vượt trội so với mức tăng 12% của chỉ số chứng khoán chung của sàn chứng khoán Thượng Hải. Mức tăng trên cũng cao hơn cả mức tăng 20% của SOX - một chỉ số tương tự trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ).

Ngành chip Trung Quốc dốc sức trước thương chiến leo thang- Ảnh 1.

Bên trong một nhà máy sản xuất chip bán dẫn ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc)

Ảnh: Reuters

Việc CSI931865 tăng cao được cho là vì các doanh nghiệp ngành bán dẫn của Trung Quốc sẽ có cơ hội tăng trưởng khi đóng vai trò ngày càng lớn hơn ở thị trường nội địa giữa bối cảnh nước này sẽ bị hạn chế tiếp cận công nghệ, nguồn cung ứng và sản phẩm chip bán dẫn tiên tiến.

Điển hình, Công ty Empyrean Technology (sản xuất các công cụ tự động hóa để thiết kế chip) đã có mức tăng cao thứ 3 trên tổng thể thị trường chứng khoán Trung Quốc gần đây. Vì doanh nghiệp này được kỳ vọng sớm chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc khi những đối thủ đến từ Mỹ như Synopsys và Cadence Design Systems bị hạn chế tiếp cận thị trường đại lục. Xếp thứ 4 về tốc độ tăng giá trên thị trường chứng khoán Trung Quốc là Công ty Nexchip Semiconductor đã tăng hơn 20% kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2023.

Tích cực chuẩn bị nhưng thách thức không nhỏ

Có lẽ, do rút kinh nghiệm từ đối mặt các biện pháp trừng phạt từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump (2017 - 2021) cũng như nhiệm kỳ tiếp đó của Tổng thống Mỹ Joe Biden (từ 2021), các công ty bán dẫn Trung Quốc đang tận lực chuẩn bị khi thương chiến Mỹ - Trung dự kiến leo thang hơn nữa dưới thời ông Trump.

Theo Reuters dẫn dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, nước này đã tăng cường mua thiết bị bán dẫn từ nước ngoài. Từ tháng 1 - 9.2024, nhập khẩu thiết bị bán dẫn của Trung Quốc đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, lên 24,12 tỉ USD. Trong số thiết bị này, có đến 7,9 tỉ USD được chi ra cho máy in thạch bản vốn cần thiết để sản xuất các chip tiên tiến nhất. Mức đầu tư của Trung Quốc cho máy in thạch bản tăng 35,44% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các máy in thạch bản mà Trung Quốc mua đều đến từ Công ty ASML (Hà Lan) - có giá trị lên đến 7 tỉ USD, chiếm hơn 88% trong tổng giá trị 7,9 tỉ USD trên.

Tuy nhiên, ASML Holding đã cung cấp các máy in thạch bản cực tím sâu (DUV) tiên tiến nhất của tập đoàn này đến Trung Quốc trong năm nay. Theo yêu cầu do Mỹ đưa ra từ năm 2023, ASML chỉ được cung cấp một số DUV thế hệ cũ đến Trung Quốc. Từ năm 2019, Mỹ cũng yêu cầu ASML ngưng bán các máy in thạch bản siêu cực tím (EUV) cho Trung Quốc. Việc bị hạn chế tiếp cận các máy in thạch bản tiên tiến gây khó khăn cho ngành chip bán dẫn Trung Quốc. Đây cũng là một thách thức lớn của Trung Quốc trong quá trình tự chủ ngành chip bán dẫn. Bởi thực tế phát triển của Trung Quốc suốt nhiều năm qua, thì đến gần đây chỉ mới ra mắt được máy in thạch bản hoạt động ở bước sóng 193 nm, đạt độ phân giải dưới 65 nm và lớp phủ mỏng có độ chính xác dưới 8 nm.

Trong khi đó, DUV của ASML có thể đạt độ phân giải dưới 38 nm và lớp phủ mỏng có độ chính xác dưới đến 1,3 nm. Các máy EUV của ASML còn có độ phân giải cao hơn nữa. Và khi thiếu những máy in thạch bản đạt cấp độ như thiết bị của ASML thì Trung Quốc khó có thể tự sản xuất chip bán dẫn tiên tiến.

Không những vậy, ngay cả khi ông Trump chưa nhậm chức, Reuters vừa dẫn nguồn tin riêng tiết lộ từ ngày 11.11, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm TSMC (Đài Loan) - tập đoàn sản xuất chip bán dẫn tiên tiến lớn nhất thế giới - cung cấp chip bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc đại lục. Điều này khiến cho ngành công nghệ Trung Quốc gặp không ít khó khăn khi vẫn cần thêm rất nhiều thời gian để tăng năng lực tự chủ. 

Mỹ tài trợ 6,6 tỉ USD cho TSMC

Bộ Thương mại Mỹ hôm qua thông báo chính phủ nước này đã quyết định cung cấp khoản tài trợ 6,6 tỉ USD cho đơn vị tại Mỹ của Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) để sản xuất chất bán dẫn ở TP.Phoenix thuộc bang Arizona, theo Reuters. Vào tháng 4, TSMC đã đồng ý mở rộng đầu tư ở Mỹ và xây thêm nhà máy thứ ba tại Arizona vào năm 2030.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.