'Ngành công nghiệp' leo núi ở Nepal thất thu lớn

29/04/2015 10:38 GMT+7

(TNO) 'Mong rằng mọi người sẽ ngừng đến đây trong mùa này', quản lý một công ty leo núi ở Nepal nói. Năm thứ hai liên tiếp, thảm họa thiên nhiên chết người lại xảy ra ở núi Everest, gây thêm tổn thất nguồn thu cho đất nước nghèo thứ hai tại châu Á.

(TNO) 'Mong rằng mọi người sẽ ngừng đến đây trong mùa này', quản lý một công ty leo núi ở Nepal nói. Năm thứ hai liên tiếp, thảm họa thiên nhiên chết người lại xảy ra ở núi Everest, gây thêm tổn thất nguồn thu cho đất nước nghèo thứ hai tại châu Á.

Nỗ lực cứu hộ tại trại căn cứ ở Everest - Ảnh: Reuters
Ngày 29.5.1953, ông Edmund Hillary, người New Zealand và ông Tenzing Norgay, người Nepal, lần đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest cao hơn 8.840 mét.
Kể từ đó, hơn 4.000 người đã theo chân họ, thử thách bản thân bằng cách chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới, tạo ra một ngành công nghiệp đồ sộ.
Trang web để các công ty lữ hành Mỹ quảng cáo chuyến du lịch chinh phục Everest theo nhóm, với hướng dẫn viên người phương Tây và bản địa, niêm yết mức giá 50.000 USD/người - tương đương hơn 1 tỉ đồng VN/người. Nếu đi riêng cùng hướng dẫn viên người phương Tây, chi phí tăng gấp đôi.
Bhim Paudel, nhà quản lý ở một công ty leo núi tại Kathmandu cho hay công việc này có thể đem lại cho những người dân tộc Sherpa khoản lương đến 700.000 Rupee Nepal. Khoản tiền này tương đương 6.900 USD tại đất nước được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá có mức lương bình quân đầu người là 750 USD, theo Bloomberg.
Được trả mức lương cao, công việc đổi lại cũng không đơn giản. 
“Mọi người đến Everest đối mặt với các hiểm nguy mà họ không tài nào kiểm soát được. Tuy nhiên, họ không đến đây vì nghĩ có thể mình sẽ gặp một trận động đất”, Tom Briggs, Giám đốc tiếp thị tại hãng Jagged Globe (Anh) cung cấp dịch vụ lữ hành đến Everest nói.
Ông Paudel cho biết vẫn còn nhiều xác hướng dẫn viên đang chờ được tập trung lại ở trại căn cứ. Sau khi dư chấn ảnh hưởng ở khu vực núi Everest, Paudel cho biết quan tâm đầu tiên của ông là những người bị thương.
Quang cảnh trại căn cứ Everest hôm 26.4 - Ảnh: Reuters
Trước đó, sau trận động đất kinh hoàng 7,8 độ Richter xảy ra ngày 25.4, một cơn dư chấn mạnh 6,7 độ Richter tiếp tục làm rung chuyển Nepal và khiến nhiều trận lở tuyết liên tiếp xảy ra trên núi Everest hôm 26.4.
Tính đến sáng 28.4, hơn 4.000 người đã chết vì trận động đất kinh hoàng ở Nepal. Tờ The New York Times hôm 27.4 cho biết đã có ít nhất 18 người thiệt mạng ở núi Everest và con số này có thể tăng lên. Hiện vẫn chưa có ước tính thống nhất về số người hiện diện ở đây khi các trận động đất làm tuyết lở xảy ra.
Ông Paudel cho biết khi ấy có khoảng 1.000 người đang ở Everest, với 400 người leo núi và số còn lại là những khuân vác cùng người dân tộc Sherpa. Còn Chủ tịch Hiệp hội leo núi Nepal, ông Ang Tshering Sherpa thì cho rằng có tổng cộng có 800 người và ông không mong sẽ tìm thấy thêm một thi thể nào nữa.
Một "người vận chuyển" Nepal khuân vác đồ lên đỉnh núi cho khách đến chinh phục Everest. "Người vận chuyển" ở đây thường phải vác đồ đạc có khối lượng lớn hơn trọng lượng bản thân - Ảnh: Reuters 
Ada Tsang, một giáo viên trung học ở Hồng Kông (Trung Quốc) có mặt ở Everest khi thảm họa diễn ra, cho biết cô đã nhìn thấy từ 30-40 thi thể trên núi. 5 người trong nhóm của cô cũng thiệt mạng.
Ông Paudel cho biết mùa leo núi năm ngoái cũng đã bị hủy tại Nepal vì 16 hướng dẫn viên chết trong một trận lở tuyết. “Rất mong rằng, mọi người sẽ ngừng đến đây trong mùa này”, ông Paudel nói.
Ông Briggs ở hãng Jagged Globe cũng nói rằng ông không nghĩ các tour sẽ tiếp tục được tổ chức vào mùa này. “Rất khó để nghĩ về tiềm năng thám hiểm núi Everest trong tương lai”, ông nói.
Hãng tư vấn IHS ước tính chi phí xây dựng lại Nepal từ hoang tàn của trận động đất có thể vượt con số 5 tỉ USD, tương đương 20% GDP của Nepal, vốn chủ yếu là nông nghiệp và có nguồn thu ngoại tệ đa phần chảy về từ ngành du lịch, kiều hối.
Động đất khiến Nepal thiệt hại hàng tỉ USD
Nếu số người chết do thảm họa động đất là 1.000 người, thiệt hại kinh tế đối với Nepal sẽ là 1 tỉ USD, tương đương 9% GDP; nếu con số này tăng lên 10.000 người, kinh tế Nepal sẽ mất 10 tỉ USD, một nửa GDP của quốc gia Nam Á này. Đó là ước tính của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) dựa trên số thương vong trong trận động đất kinh hoàng xảy ra ngày 25.4.
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới (WEO) năm 2015, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nepal sẽ đạt khoảng 21 tỉ USD.
Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á cũng thông báo sẽ phối hợp để giúp Nepal đánh giá thiệt hại của thảm họa nhằm đề xuất biện pháp hỗ trợ thích hợp. (Ngọc Mai)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.