Cuối tuần trước, Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đóng điện đưa vào vận hành mạch 2 đường dây 220 kV Di Linh - Bảo Lộc sau 1 năm thi công. Đây là công trình năng lượng cấp 1, nhóm B, có mức đầu tư trên 168 tỉ đồng do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) thay mặt EVNNPT điều hành quản lý dự án. Công trình có quy mô xây dựng mới mạch 2 đường dây 220 kV Di Linh - Bảo Lộc (Lâm Đồng) có tổng chiều dài 34,4 km gồm 92 vị trí trụ điện đi qua 3 huyện, thành phố gồm: Di Linh, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc; xây dựng mới 1 ngăn xuất tuyến 220 kV tại Trạm biến áp 500 kV Di Linh (điểm đầu) và 1 ngăn xuất tuyến 220 kV tại Trạm biến áp 220 kV Bảo Lộc (điểm cuối).
Việc đóng điện đưa vào vận hành mạch 2 ĐZ 220 kV Di Linh - Bảo Lộc sẽ góp phần truyền tải công suất từ nhà máy thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai 2 vào hệ thống điện quốc gia, nâng cao độ tin cậy, cung cấp điện ổn định, an toàn cho các huyện, thành phố trong khu vực; chống quá tải cho ĐZ 220 kV Di Linh - Bảo Lộc mạch đơn hiện hữu; hình thành mối liên kết hệ thống lưới điện 220 kV giữa khu vực miền Trung và miền Nam đến giai đoạn sau năm 2025.
Cùng thời gian trên, tại H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) đã tổ chức khởi công công trình lắp máy biến áp 220 kV thứ 2 tại Trạm biến áp 220 kV Đông Hà. Công trình có tổng mức đầu tư 195 tỉ đồng do EVNNPT làm chủ đầu tư, CPMB thay mặt EVNNPT quản lý điều hành. Công trình được đầu tư xây dựng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao của tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Trị; đảm bảo cung cấp điện ổn định lâu dài, tin cậy cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực; tăng cường độ ổn định, vận hành an toàn, linh hoạt lưới điện.
Trong lúc đó, CPMB cũng đã phối hợp với PTC3, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Trung (CRLDC) tổ chức đóng điện thành công công trình Trạm cắt 220 kV Phước An. Công trình có tổng mức đầu tư 162,7 tỉ đồng do EVNNPT làm chủ đầu tư (sử dụng vốn vay thuộc danh mục vốn vay hiệu quả lưới điện truyền tải (TEP) của Ngân hàng thế giới - WB), CPMB thay mặt EVNNPT quản lý điều hành dự án, PTC3 tiếp nhận quản lý vận hành.
Trạm cắt 220 kV Phước An được đầu tư xây dựng nhằm đấu nối các đường dây 220 kV trên địa bàn tỉnh Bình Định, tăng cường liên kết lưới điện truyền tải trong khu vực và giai đoạn tiếp theo sẽ nâng thành trạm biến áp với công suất 2 x 250 MVA, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Định.
Bình luận (0)