Ngành điện Quảng Nam 'bỗng dưng... muốn khóc'

23/01/2015 10:02 GMT+7

Những sự cố mất điện hàng loạt ở Quảng Nam, có vụ khiến hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng, bởi những nguyên nhân “trời ơi đất hỡi” khiến ngành điện cũng… bỗng dưng muốn khóc.

Những sự cố mất điện hàng loạt ở Quảng Nam, có vụ khiến hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng, bởi những nguyên nhân “trời ơi đất hỡi” khiến ngành điện cũng… bỗng dưng muốn khóc.

Công nhân nhành điện ở Quảng Nam khắc phục sự cố đường dây
Công nhân ngành điện ở Quảng Nam khắc phục sự cố đường dây - Ảnh: H.X.H
Cưa 1 cây, 14 xã mất điện
Tính đến hôm nay 23.1, đã chẵn 1 tháng kể từ ngày xảy ra sự cố cưa gỗ trái phép ở khu vực rừng phòng hộ thuộc địa phận thôn 8 xã Trà Tân (H.Bắc Trà My, Quảng Nam) gây mất điện 4 xã ở Bắc Trà My và toàn bộ H.Nam Trà My (10 xã), nhưng hướng xử lý cho khoản thiệt hại tiền tỉ vẫn chưa ngã ngũ. “Công an địa phương vẫn đang xử lý theo trình tự, còn phía điện lực chúng tôi thì nhanh chóng cấp điện tạm cho người dân. Nói thật là chúng tôi bị kẹt ở giữa, vì thiệt hại của ngành điện vẫn đang “treo” lại ở đó”, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty điện lực Quảng Nam cho biết.
Công ty điện lực Quảng Nam vừa kêu gọi người dân địa phương khi xây dựng nhà cửa, công trình gần đường dây điện cần liên hệ với ngành điện để lập các thủ tục và biện pháp đảm bảo an toàn, sau khi liên tiếp xảy ra sự cố gây tai nạn cho người dân.
Nhắc lại sự cố chặt cây chuồn trái phép xảy ra chiều 23.12 tại Bắc Trà My gây mất điện cho gần 2.900 khách hàng của ngành điện. Đinh Mạnh Huấn (35 tuổi, trú xã Trà Giác) khi cưa cây chuồn lớn (đường kính tại gốc gần 0,5m) đã làm cây ngã đè lên đường dây điện 35kV tại khoảng trụ 290 - 291. Hậu quả thật tai hại: 4 trụ bê tông ly tâm cao 10.5m hư hỏng, 1 bộ xà bị cong, nhiều trụ điện lân cận nghiêng vẹo, toàn bộ H.Nam Trà My và 4 xã của H.Bắc Trà My mất điện. Kỳ họp lần thứ 12 HĐND H.Nam Trà My cũng bị gián đoạn, phải nhờ đến nguồn máy phát dự phòng… Một ngày sau đó, nguồn điện mới phục hồi do địa hình nơi xảy ra sự cố nằm trên đồi cao rất hiểm trở và đến nay ngành điện vẫn đang thiết kế làm lại các trụ, đường dây…
Trong thông báo số 7/CV-ĐT, Cơ quan CSĐT Công an H.Bắc Trà My cho biết bước đầu Đinh Mạnh Huấn thừa nhận “do muốn cưa cây chuồn lấy gỗ và không chú ý đến đường dây điện nên đã để cây ngã đè lên”. Như vậy, chỉ bởi sự bất cẩn của một đối tượng cưa gỗ trái phép đã khiến hàng ngàn khách hàng vạ lây. Và điều làm cho ngành điện Quảng Nam đau đầu hơn là sự cố thiệt hại tiền tỉ này không biết sẽ khắc phục ra sao, và không chỉ diễn ra một lần. Hai năm trước, vụ chặt cây tương tự tại khu vực xã Trà Vân (H.Nam Trà My) cũng đã gây đứt đường dây điện.
Tê liệt vì trạm biến áp
Đầu tháng 1.2015, đến lượt hàng trăm hộ dân ở thôn Đại Bình (xã Quế Trung, H.Nông Sơn) bị mất điện hơn 1 tuần do quá trình thi công nâng cấp trạm biến áp công suất 160kVA bị trục trặc. Mà nguyên nhân trục trặc cũng rất “lạ”: Tổ quản lý điện lực H.Nông Sơn không được chủ hộ (nơi đặt trạm biến áp) cho vào vườn để thi công, vì gia đình cho rằng họ chưa được giải quyết đền bù thỏa đáng.
Trạm biến áp thôn Đại Bình này đưa vào vận hành từ năm 1998, đến tháng 6.2012 địa phương bàn giao cho ngành điện quản lý vận hành theo chủ trương giao nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Do trạm biến áp quá tải, gây mất an toàn nên Công ty điện lực Quảng Nam thống nhất nâng cấp. Nhưng mọi nỗ lực nâng cấp đều phải “đứng ngoài” khu vườn của một người dân, theo đúng nghĩa đen, kể cả khi UBND H.Nông Sơn mở cuộc họp khẩn vẫn không thuyết phục được. Trong khi chờ kết quả xử lý giữa địa phương và chủ lô đất (nơi đặt trạm biến áp), hàng trăm hộ dân lân cận gặp khó vì điện cúp. Rốt cuộc, Công ty điện lực Quảng Nam và các chi nhánh điện liên quan chọn giải pháp “kéo” đường dây điện từ nơi khác, dù biết rõ chất lượng dịch vụ sẽ không đảm bảo.
Thống kê mới nhất của Công ty điện lực Quảng Nam, trong năm 2014 có 37 sự cố vi phạm đường dây điện, giảm 36,2% so với năm 2013 và thỏa mãn chỉ tiêu mỗi năm giảm 20% sự cố. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại của các vụ “điển hình” lại không giúp ngành điện vơi bớt nỗi lo, trong điều kiện khách hàng ngày một đòi hỏi cao về chất lượng phục vụ. Đây là tình thế “bị kẹt ở giữa” của ngành điện, như ông Nguyễn Quang Vinh ví von về các sự cố bỗng dưng... mất điện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.