'Cánh tay đắc lực' của bác sĩ
Có hơn 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Nguyễn Trung Ngân (28 tuổi), kỹ thuật viên xét nghiệm Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho biết đây là 1 ngành học rất quan trọng trong việc hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh sau này.
“Kỹ thuật xét nghiệm y học là “cánh tay đắc lực” giúp bác sĩ có cơ sở chính xác và định hướng điều trị kịp thời, hiệu quả trong quá trình khám chữa bệnh. Không chỉ ở TP.HCM và Hà Nội, mà ở tuyến huyện, tỉnh khác vẫn cần nguồn nhân lực chất lượng để giúp tăng hiệu quả chữa trị tại các cơ sở y tế”, anh Ngân nói.
Kỹ thuật viên này cũng chia sẻ đây là công việc sẽ tiếp xúc với nhiều mẫu bệnh phẩm khác nhau, như: máu, phân, nước tiểu, dịch cơ thể... Do đó, người theo ngành này cần vượt qua nỗi lo ngại và thích nghi mới có thể đem lại kết quả nhanh chóng, chính xác đến bệnh nhân.
“Một kỹ thuật viên xét nghiệm lành nghề với kinh nghiệm từ 2 năm trở lên có thể kiếm được thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Tinh thần trách nhiệm và cẩn thận là những yếu tố cần thiết”, anh Ngân cho hay.
Lương Trần Minh Tiến (25 tuổi), công tác tại Khoa Huyết học - Đơn vị xét nghiệm, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), chia sẻ: “Công việc của kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ liên quan trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân. Do đó, người học ngành này cần sự cẩn thận và tính tư duy để đảm bảo không xảy ra sai sót trước khi đưa ra kết quả cuối cùng”.
Minh Tiến cho biết đây là ngành đặc thù nên cần có ý thức cao để tránh nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc các mẫu bệnh phẩm. “Trong các xét nghiệm, mẫu máu cần lưu ý nhất vì có tỷ lệ truyền nhiễm cao hơn các bệnh phẩm phân, nước tiểu hay dịch cơ thể khác không lẫn máu. Vì thế, ngoài việc có trang thiết bị y tế đầy đủ, còn phải thường xuyên giữ gìn vệ sinh”, anh Minh Tiến nói.
Theo tiến sĩ Trần Thị Huệ Vân, Trưởng bộ môn xét nghiệm, Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết đây là ngành cận lâm sàng với 6 lĩnh vực: vi sinh, sinh hóa, huyết học, ký sinh, y sinh học phân tử và tế bào - giải phẫu bệnh.
"Hiện nay, cơ hội việc làm của ngành phát triển liên tục với các kỹ thuật xét nghiệm mới. Sau khi ra trường, sinh viên có thể làm việc tại các bệnh viện, trung tâm chẩn đoán xét nghiệm, kiểm chuẩn chất lượng, công ty về trang thiết bị y tế hoặc giảng viên ở trường cao đẳng, đại học chuyên ngành y học”, tiến sĩ Huệ Vân cho hay.
Nhu cầu về nhân sự lớn
Khi được hỏi: “Tố chất cần có để theo nghề?”, tiến sĩ Huệ Vân chia sẻ đây là công việc "thầm lặng" nhưng góp phần không nhỏ trong chẩn đoán. Vì có nhiều loại bệnh lý nền nguy hiểm nếu không xét nghiệm sẽ khó xác định và theo dõi điều trị.
“Học ngành này phải thật sự đam mê, chỉn chu và trung thực vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Niềm hạnh phúc của nghề chính là sự đồng hành với bệnh nhân trong suốt quá trình xét nghiệm và khi phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường sẽ giúp họ tăng hiệu quả điều trị”, bà Vân nói.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ AnaPath (TP.HCM), cho biết: “Ngành học này đang có nhu cầu về nhân sự chuyên môn cao rất lớn, không chỉ bệnh viện, phòng khám mà còn ở các công ty về trang thiết bị y tế trong và ngoài nước. Thêm vào đó, trước đây các phòng khám đa khoa chưa có cơ sở xét nghiệm hoặc chỉ ở mức cơ bản, nhưng sau dịch Covid-19 đã được trang bị công cụ hiện đại để hỗ trợ bác sĩ điều trị đúng hướng cho bệnh nhân”.
Cũng theo ông Liêm, nhiều bệnh viện, phòng khám bắt đầu bổ sung các danh mục kỹ thuật xét nghiệm mới để chẩn đoán 1 số bệnh lý về nhiễm trùng, vi rút nhằm nâng cao chất lượng điều trị và nhu cầu xét nghiệm dịch vụ càng tăng dần. Từ đó, đòi hỏi các bệnh viện, phòng khám phải trang bị và nâng cấp công nghệ nên rất cần nguồn nhân lực trình độ cao.
“Hiện nay, mức thu nhập của các kỹ thuật viên mới ra trường có chuyên môn vững tại các bệnh viện, phòng khám, viện nghiên cứu và trung tâm xét nghiệm dao động từ 8 - 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thu nhập sẽ tăng thêm tùy thuộc vào vị trí và kinh nghiệm làm việc”, ông Liêm cho hay.
Chia sẻ về kinh nghiệm việc làm, phó giám đốc này chia sẻ: “Sinh viên khi học tại trường cần trang bị đầy đủ mọi nền tảng và cập nhật thêm kiến thức mới vì yêu cầu dùng công nghệ để làm việc rất lớn. Ngoài ra, ngành học này có nhiều chương trình hợp tác quốc tế nên đòi hỏi sinh viên biết làm nghiên cứu khoa học, giỏi ngoại ngữ và rất cần kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân, đối tác khi hoạt động trong lĩnh vực y tế”.
Bình luận (0)