Ngành Ngân hàng phải giúp kinh tế tăng trưởng và ngăn ngừa lạm phát

23/12/2009 18:29 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nhiệm vụ trọng tâm năm 2010 của ngành Ngân hàng nói chung và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là thực hiện chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, chủ động để vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa ngăn ngừa lạm phát.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và có những ý kiến chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2010 của ngành Ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức tại Hà Nội ngày 23/12.

Hệ thống ngân hàng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Theo báo cáo của NHNN do Phó Thống đốc Thường trực Trần Minh Tuấn trình bày, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt của Chính phủ cùng với sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, hoạt động ngân hàng năm 2009 đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong năm 2009, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp với mục tiêu quản lý, điều hành của Chính phủ; triển khai kịp thời và có hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất; thực hiện đồng bộ các giải pháp về tín dụng nhằm khuyến khích sản xuất và xuất khẩu, điều hòa và giữ ổn định ngoại tệ trên thị trường ngoại hối…

Tính đến ngày 10/12/2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đã đạt hơn 445.000 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp duy trì và mở rộng được quy mô sản xuất- kinh doanh nhờ giảm được chi phí vay vốn, giá thành nguyên vật liệu.

So với cuối năm 2008, tổng phương tiện thanh toán cả năm 2009 ước tăng 28,67%, huy động vốn ước tăng 28,7%, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 37,73%.

Theo đánh giá chung của các cơ quan ban, ngành, hệ thống ngân hàng đã hoạt động rất hiệu quả, góp phần đưa nền kinh tế tăng trưởng cao, đạt khoảng 5,2% trong năm 2009 (trong khi nhiều nước trên thế giới tăng trưởng thấp hoặc suy thoái), tạo thêm nhiều việc làm và đảm bảo an sinh xã hội...

Các chính sách được ban hành kịp thời, uyển chuyển của NHNN (như điều chỉnh lãi suất, nới lỏng tín dụng ở thời điểm bị tác động do suy thoái kinh tế thế giới đã giúp nền kinh tế tăng thêm nguồn vốn, kích thích sự phục hồi hoặc thắt chặt tín dụng khi phòng ngừa lạm phát…) đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và hệ thống các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận trong quá trình triển khai các giải pháp tiền tệ đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể như trong chương trình hỗ trợ lãi suất ngắn hạn 4%, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa tốt, xử lý các vướng mắc còn chậm nên kết quả đạt thấp.

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất cũng đã khiến tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng tăng cao, ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát năm 2009 và có thể sẽ bị kéo dài sang năm 2010 do độ trễ của chính sách tiền tệ.

Cấp quản lý của NHNN cũng chưa nhanh nhạy thực hiện các giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng mất cân đối cung- cầu ngoại tệ ở một số thời điểm căng thẳng, đồng thời chưa có biện pháp xử lý kịp thời, mạnh tay đối với những tin đồn thất thiệt trên thị trường ngoại hối.

Trong năm 2010, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt theo nguyên tắc thị trường, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát do Quốc hội đề ra, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. 


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (người thứ 2 từ trái sang trong ảnh) trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn

Bảo đảm vừa tăng trưởng vừa ngăn ngừa lạm phát

Biểu dương  nỗ lực của NHNN cũng như toàn ngành Ngân hàng trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, trong giai đoạn nhiều khó khăn,  thách thức như năm 2009, ngành Ngân hàng đã thực thi có hiệu quả nhiều chính sách tiền tệ, hệ thống các tổ chức tín dụng được an toàn, qua đó giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế.

Năm 2010, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm ổn định và phát triển vững chắc nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng đạt cao hơn năm 2009, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội. Vì thế, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng, đặc biệt là NHNN, với vai trò là “hệ thống huyết mạch” của nền kinh tế, phải thực hiện chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, chủ động sao cho vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa ngăn ngừa lạm phát. Đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành trong năm 2010.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong công tác điều hành, NHNN cần theo dõi, nắm chắc diễn biến thị trường thế giới và trong nước để ban hành và tham mưu cho Chính phủ những chính sách kịp thời, phù hợp với  thị trường.

Đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại tài sản và nguồn vốn theo hướng an toàn, bền vững, nhằm hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Đối với thị trường ngoại hối, NHNN phải triển khai đồng bộ các biện pháp ổn định thị trường, trong đó phải kiên quyết xử lý nghiêm các hiện tượng đầu cơ trong mua bán ngoại tệ, vàng.

“Thời gian qua, hoạt động của các sàn vàng gây ra nhiều bức xúc vì chưa có một văn bản nào quy định cụ thể. Trong cuộc họp mới đây, Chính phủ đã giao NHNN là cơ quan duy nhất quản lý sàn vàng và chỉ đạo NHNN soạn thảo một nghị định sửa nhiều nghị định về quản lý sàn vàng”, Thủ tướng cho biết.

Nhiệm vụ của ngành Ngân hàng năm 2010:

1. Tiếp tục hoàn thiện 2 dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt và thận trọng. Trong đó dự kiến tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 25% so với cuối năm 2009.

3. Tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển thị trường ngoại hối một cách đồng bộ, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất.

4. Theo dõi, giám sát chặt chẽ và dự báo kịp thời diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính- tiền tệ trong nước và quốc tế.

5. Mở rộng tín dụng phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô. Trong đó tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế hỗ trợ lãi suất trong năm 2010; đầu tư vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất- kinh doanh, tăng cường cho vay đối với các đối tượng chính sách, các đối tượng ở 62 huyện nghèo và vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

6.Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng.

7.Phát triển vững chắc và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống.

8.Tiếp tục triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2020.

9. Tăng cường hoạt động đối ngoại của NHNN.

10. Triển khai tích cực công tác cải cách thủ tục hành chính

11. Thực hiện tốt thông tin tuyên truyền về diễn biến tiền tệ ngân hàng.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.