Ngành nghề ‘nhạy cảm’ dễ phát sinh tệ nạn xã hội

Đình Phú
Đình Phú
05/08/2018 11:50 GMT+7

Để giải quyết căn cơ tệ nạn xã hội phát sinh các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” ở TP.HCM, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi luật.

Ngày 5.8, tại chương trình Lắng nghe và trao đổi do HĐND TP.HCM phối hợp tổ chức về chủ đề quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại tệ nạn phát sinh phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, văn minh của người dân TP.
Ngành nghề dễ “biến tướng”
Bà Trần Hải Yến, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM nhìn nhận do quy định về cấp phép kinh doanh khá thoáng, do đó có tình trạng lợi dụng để thay tên, đổi chủ giấy phép để tái hoạt động khi bị xử lý sai phạm, cố tình thách thức tính nghiêm minh của pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó chủ tịch UBND Q.1 - một trong những quận phát hiện, xử lý hàng loạt cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vi phạm quy định pháp luật thời gian vừa qua - cho rằng phải xem hoạt động biến tướng phát sinh tệ nạn xã hội nguy hiểm, là hành vi phạm tội, là đối tượng tội phạm để có cách giải quyết căn cơ. Không nên xem đó chỉ là hoạt động văn hóa - xã hội thuần túy, bởi nếu nhìn nhận vấn đề không đúng bản chất, cách giải quyết có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý, Sở LĐ-TB-XH kiến nghị bổ sung một số ngành nghề kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để phát sinh tệ nạn vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của luật Đầu tư năm 2014. Cụ thể gồm: massage, nhà hàng, công ty giải trí, day ấn huyệt, hớt tóc gội đầu, spa, cà phê DJ, ghi âm, thu âm trên nền nhạc…
Theo quan điểm của Sở LĐ-TB-XH , những ngành nghề này có sử dụng nhiều tiếp viên, kỹ thuật viên, nhân viên nữ dễ “biến tướng”, nhưng do không được xếp phân loại ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý, nên gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung điều 27, 28 của luật Doanh nghiệp năm 2014 về nội dung thẩm định, xác minh và lấy ý kiến của chính địa phương đối với tình hình hoạt động của ngành nghề kinh doanh dịch vụ trước đây đã được cấp phép và đang hoạt động, tránh tình trạng chủ cơ sở khi bị xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực tệ nạn xã hội nhiều lần dễ dàng thay tên, đổi chủ để né tránh việc đóng phạt; bổ sung tình tiết xử lý tăng nặng khi chủ cơ sở tái phạm hoặc đối phó với cơ quan quản lý nhà nước khi ra quyết định cưỡng chế hành chính. Trong quá trình kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ này, lực lượng chức năng ghi nhận và phát hiện các hành vi vi phạm như hoạt động karaoke không phép, hoạt động quá giờ, sử dụng quá số lượng nhân viên nữ phục vụ, có tính chất khiêu dâm (mặc đồ hở hang, múa thoát y, múa cột…), có hành vi mua bán dâm, kích dục…
ngành nghề nhạy cảm;massage,karaoke,nhà hàng
Các tụ điểm nhà hàng, massage, karaoke, game bắn cá... hoạt động biến tướng khiến vấn nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc trá hình... "bùng nổ" ẢNH: ĐÀM HUY
Thỏa thuận ngầm
Qua thực tiễn hoạt động kiểm tra, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM ghi nhận còn có tình trạng chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ có các hành vi đối phó với hoạt động kiểm tra như có ký hợp đồng lao động với nhân viên nữ, nhưng hợp đồng này chỉ mang tính “hình thức”. Thực tế chủ cơ sở và nhân viên nữ có những thỏa thuận ngầm với nhau (không hưởng bất cứ khoản lương nào mà chỉ được hưởng tiền boa của khách); thường xuyên đối phó kiểm tra bằng cách tắt điện, khóa cửa, bố trí người cảnh giới, thậm chí thuê đối tượng đeo bám hoạt động của đoàn kiểm tra để thông báo cho chủ cơ sở tìm cách đối phó; tình trạng né tránh nộp phạt vi phạm hành chính...
Trong nhiều giải pháp được đề ra để xử lý vấn nạn này, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM cho biết UBND TP.HCM đã có chỉ đạo cụ thể, trong đó sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cơ sở quản lý trực tiếp địa bàn có dấu hiệu buông lỏng quản lý để tệ nạn phát sinh, diễn biến phức tạp.
TP.HCM hiện có hơn 8.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội ký bản cam kết với UBND phường, xã, thị trấn về việc phòng, chống tệ nạn mại dâm và khiêu dâm, kích dục, trong đó hơn 4.500 cơ sở lưu trú; hơn 1.600 nhà hàng có tiếp viên nữ; 544 cơ sở karaoke, ghi âm trên nền nhạc, hát với nhau; 34 cơ sở vũ trường, bar, công ty giải trí biến tướng thành bar; 792 quán cà phê đèn mờ, cà phê DJ, cà phê giải khát có tiếp viên nữ; 480 cơ sở massage, spa, day ấn huyệt, xông hơi - xoa bóp; 700 cơ sở hớt tóc thanh nữ…
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, một trong những bất cập đang tồn tại là phần lớn chủ cơ sở ký bản cam kết này chỉ để đối phó; một số chủ cơ sở không chấp hành ký cam kết nhưng vẫn chưa có biện pháp chế tài. Một bất cập khác, đó là nhiều ngành nghề dịch vụ “nhạy cảm” cấp phép thì dễ nhưng hậu kiểm thì… buông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.