Ngành 'nóng' đều trong tầm ngắm

26/10/2018 04:21 GMT+7

Với 464/464 đại biểu có mặt tán thành, chiều 25.10, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Giáo dục, giao thông “đội sổ”
Kết quả lấy phiếu không gây bất ngờ cho các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng như cử tri, khi khối QH có phiếu tín nhiệm cao nhiều hơn khối Chính phủ. Trong 5 chức danh có phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất, có 3 chức danh ở khối QH và 2 chức danh ở khối Chính phủ, lần lượt là Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó chủ tịch Uông Chu Lưu và Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng.
5 vị tư lệnh ngành có phiếu tín nhiệm thấp cao nhất đều là những ngành “nóng”, bao gồm Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (28,25%), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể (22,06%), Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (20%), Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà (18,35%) và Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện (14,85%). Có 13/26 chức danh khối Chính phủ nhận được dưới 50% phiếu tín nhiệm cao của ĐBQH. Ở khối QH, chỉ có 1/18 chức danh khối QH nhận được dưới 50% phiếu tín nhiệm cao là Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh.
Dù vậy, với kết quả lấy phiếu này, tất cả các chức danh đều “an toàn”, bởi theo Nghị quyết 85/2014, có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp” thì mới “có thể xin từ chức”; từ 2/3 tổng số ĐBQH trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì mới khởi động quy trình bỏ phiếu tín nhiệm để dẫn đến bãi miễn chức vụ.
Đáng chú ý, trong 48 chức danh được lấy phiếu lần này, có 14 vị được lấy phiếu lần thứ 3 và 1 vị được lấy phiếu lần 2. Thống kê cho thấy tất cả các vị được lấy phiếu lại đều có phiếu tín nhiệm cao cao hơn những lần trước, trừ Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng có sự sụt giảm nhẹ (229 phiếu so với 247 phiếu của năm 2014). Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có cuộc “lội ngược dòng” khá ngoạn mục khi từ 97 phiếu tín nhiệm cao của năm 2014 đã lên được 224 phiếu tín nhiệm cao, và từ 192 phiếu tín nhiệm thấp, đã giảm xuống còn 53 phiếu tín nhiệm thấp.
Thúc đẩy tiến bộ mới là bản chất của lấy phiếu
Ngay sau khi kết quả lấy phiếu được công bố, các ĐBQH cũng đã chia sẻ quan điểm bên lề QH. ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhận định, “Tôi thấy QH đã làm việc khách quan, công tâm. Có những ngành, được đưa lên ở mức trung bình khá, ví dụ như y tế, tức là nỗ lực của Bộ trưởng đã được QH nhìn nhận”. Bình luận về việc các tư lệnh ngành y tế, giáo dục và giao thông qua 3 lần lấy phiếu đều là những vị trí được tín nhiệm thấp, ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng: “Trong điều kiện hiện nay, để tìm ra một bộ trưởng làm xuất sắc các lĩnh vực này thì rất khó. Ghế đó là ghế khó, vì tất cả mọi thứ đều xuất hiện, liên quan đến xã hội, trực tiếp đến đời sống của người dân”.
Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm sáng 25.10 Ảnh: GIA HÂN
Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm sáng 25.10 Ảnh: GIA HÂN

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho biết mình “không ngạc nhiên” khi thấy Bộ trưởng GD-ĐT bị đánh giá với số phiếu tín nhiệm thấp rất cao - 137, và đây là tiếng chuông cảnh tỉnh rất lớn cho bộ trưởng và ngành giáo dục để lấy lại niềm tin của nhân dân. Bày tỏ kỳ vọng vào việc sau lần lấy phiếu này các chức danh sẽ hoàn thiện lại mình, ĐB Lan cho rằng: “Thúc đẩy tiến bộ mới là bản chất của việc lấy phiếu. Lấy phiếu không phải đơn thuần là chê hay khen; những người được khen thì không vì thế mà ngủ quên trên chiến thắng; những người bị chê thì cũng thấy được công việc của mình chưa thuyết phục”.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng chia sẻ góc nhìn “về cách chúng ta gọi tên phiếu”. “Tại sao là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp? Tín nhiệm thấp là gì? Nói thẳng ra là tôi không tín nhiệm. Có như thế thì thuốc đắng mới dã tật. Để sau đó tổng kết lại các lá phiếu thì ta có thể nhìn thấy bộ trưởng đó được QH tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp hay tín nhiệm vừa vừa. Ta gọi thế này vừa dài dòng vừa không phản ánh được thực chất của vấn đề. Chúng ta vẫn xem các chính khách là “mong manh, dễ vỡ” quá”, ĐB nói. Theo ĐB, lãnh đạo, chính khách phải là người đủ bản lĩnh để chấp nhận sự thật, chấp nhận là mình được tín nhiệm hay không tín nhiệm. Do đó, “chúng ta phải xem lại đánh giá và phải tập dần văn hóa từ chức, xin nói thẳng là như vậy”, chứ theo Nghị quyết 85/2014, thì việc bộ trưởng từ chức hay bị bỏ phiếu để dẫn đến bãi miễn gần như không bao giờ xảy ra.

Chiều 25.10, ngay sau khi QH công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ - người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất, đã trở thành chức danh duy nhất trong 48 chức danh trao đổi với báo chí về tâm trạng của mình. Bên cạnh việc cảm ơn ĐBQH và cử tri đã quan tâm đến ngành giáo dục, bộ trưởng cho biết mình “coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và của nhân dân đối với sự nghiệp GD-ĐT. Giáo dục luôn liên quan đến mọi người mọi nhà được xã hội quan tâm, có những vấn đề không chỉ trong một sớm một chiều mới giải quyết mà phải có thời gian. Vừa rồi, tôi cũng như ngành rất nỗ lực, có một số việc có kết quả, một số việc cần có thời gian”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.