Ngành Nước giải khát Việt Nam: Từ nấu nước đóng chai đến công nghệ thế kỷ

23/08/2016 07:00 GMT+7

Xuất hiện tại VN vào đầu thế kỷ 20 với sản phẩm nước khoáng, đến nay nước giải khát (NGK) đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đâu là nguyên nhân giúp ngành hàng vốn dĩ bắt nguồn từ nấu nước đóng chai lại vươn mình lớn mạnh đến thế?
Xuất phát điểm với những “gã lang thang”
Lịch sử ghi nhận NGK xuất hiện đầu tiên vào thế kỷ 17, được pha chế thủ công bằng nước lọc, chanh và mật ong. Loại NGK đặc biệt này được chứa trong các thùng gỗ và phân phối bằng cách đeo trên lưng những gã trai trẻ đi bán khắp các đường phố Paris.
Đến thế kỷ 19, những thùng gỗ trên lưng được thay bằng các quầy giải khát nơi công cộng. Đây là tiền đề cho việc sản xuất NGK đóng chai phát triển.
Một trong những quầy nước giải khát đầu tiên trên thế giới
Tại Việt Nam, NGK đầu tiên xuất hiện vào những năm 1930 dưới tên gọi nước khoáng Vĩnh Hảo. Năm 1952, Tập đoàn BGI (Pháp) xây nhà máy Usine Belgique (tiền thân của nhà máy Chương Dương) và trở thành nơi cung cấp NGK lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ.
Có lẽ những ai sống tại miền Nam trước năm 1975 hẳn sẽ còn nhớ xá xị con cọp, sản phẩm được mệnh danh là“ông vua giải khát” một thời.
Vào thập niên 90, đất nước mở cửa, ngành NGK Việt đón nhận thêm những thương hiệu quốc tế như Pepsi, Coca Cola và sự trỗi dậy của các thương hiệu Việt như Tribeco hay Tân Hiệp Phát.
Giai đoạn này, nhu cầu sử dụng NGK của người dân chưa cao, sản xuất chỉ cầm chừng. Sản phẩm được phân phối qua đường “tiểu ngạch” bằng các phương tiện thô sơ như xe đẩy, xe thồ... gợi nhớ hình ảnh những gã trai trẻ lang thang bán nước trên đường phố Paris năm nào.
Đến “bước nhảy vũ bão” nhờ công nghệ thế kỷ
Sang những năm 2000, ngành NGK Việt Nam đã có bước nhảy vọt thế kỷ. Từ chỗ chỉ có vài nhà máy trong những năm 1990, đến nay đã có 1.833 cơ sở sản xuất. Từ hoạt động cầm chừng nay sản lượng lên tới 4,8 tỉ lít/năm, với doanh số lên tới 80.320 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2011 – 2014 lên tới 13,48%, gấp đôi mức tăng trưởng GDP Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra, đâu là bệ phóng cho sự phát triển thần kỳ, có một không hai này?
Theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh nhu cầu ngày càng cao của NTD, chiến lược phát triển nhạy bén của mỗi doanh nghiệp thì công nghệ chính là “bệ phóng” cho sự phát triển vũ bão của ngành NGK.
Điển hình cho câu chuyện thành công trong ngành NGK Việt có thể kể đến ông Trần Quí Thanh, người sáng lập và điều hành Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Theo ông Thanh, trước đây ông và gia đình phải ngược xuôi khắp mọi miền đất nước để mở rộng thị trường, kiếm nhà phân phối, tìm cách phát triển sản xuất. Tới nay, công ty ông sáng lập từng được định giá lên tới hơn 2 tỉ USD.
Sự thành công của ông Thanh đến từ chiến lược nỗ lực phát triển ngành hàng ngách, tạo ra các sản phẩm hoàn toàn khác biệt, đánh đúng vào nhu cầu thị trường dưới sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại - Aseptic. Đây được coi là công nghệ của thế kỷ 21 dành cho các doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống.
Trà thảo mộc Dr Thanh được sản xuất trên dây chuyền công nghệ Aseptic hoàn toàn tự động và khép kín.
Công nghệ Aseptic giúp cho Tân Hiệp Phát thể hiện được hết năng lực trong việc tạo ra một phân khúc hoàn toàn mới, phân khúc NGK có nguyên liệu tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Kéo theo sau đó là sự ra đời của hàng loạt các sản phẩm đến từ các thương hiệu trong và ngoài nước.
Sự ưu việt của Aseptic nằm ở điểm nhấn là sự kết hợp tối ưu giữa 5 yếu tố vô trùng (chai tiệt trùng, nắp tiệt trùng, nước tiệt trùng, sản phẩm tiệt trùng, môi trường chiết vô trùng) để tạo ra sản phẩm với chất lượng cao nhất, không chất bảo quản, không màu công nghiệp, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về ATVSTP.
Câu chuyện của ông Thanh và Tân Hiệp Phát chính là hình ảnh về sự phát triển thần tốc của ngành NGK Việt Nam. Là hình ảnh đại diện cho sự năng động, tư duy nhạy bén trong việc đầu tư về công nghệ, kỹ thuật và chiến lược kinh doanh. Tạo nên một trong những câu chuyện ly kỳ nhất về sức tăng trưởng, phát triển của ngành NGK trong lịch sử kinh tế Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.