Ngành tài chính London tìm cách tiếp cận EU theo kiểu Thụy Sĩ

21/08/2016 14:32 GMT+7

Ngành tài chính London vừa từ bỏ hi vọng Vương quốc Anh sẽ giữ quyền truy cập hoàn toàn vào các loại hàng hóa và dịch vụ ở thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Theo Financial Times, trung tâm tài chính London (The City of London) hiện tìm kiếm thỏa thuận thương mại riêng rẽ cho các ngành với EU, nhắm đến kiểu quan hệ tương tự song mạnh hơn giữa Thụy Sĩ và EU. Giới chức Anh đã và đang làm việc trong suốt mùa hè để lên kế hoạch cho Brexit, tức Anh rời Liên minh châu Âu.
Các quan chức và đại diện khu vực tài chính sẵn sàng để trình bày ý tưởng chính sách của họ cho ủy ban nội các Brexit, do tân Thủ tướng Anh Theresa May dẫn đầu, xem xét trong buổi họp tháng 9. Trung tâm tài chính London đi đến kết luận rằng bắt chước mối quan hệ của Na Uy với EU là rất khó cả về mặt chính trị lẫn thực tiễn. Na Uy có quyền truy cập vào thị trường EU nhưng không có tiếng nói trong việc thiết lập quy định. Na Uy cũng chấp nhận cho phép công dân các nước EU di chuyển tự do và đóng góp ngân sách cho EU.
Thay vì nối gót Na Uy, các quan chức Anh ưu ái cho một thỏa thuận thương mại độc đáo xây dựng trên nền tảng thỏa thuận của Thụy Sĩ. “Cần có một thỏa thuận song phương cung cấp cách tiếp cận thị trường càng hai chiều toàn diện càng tốt. Cả hai phía đều có lợi trong việc này, vì các nước EU cũng không có lợi khi bị cắt khỏi trung tâm tài chính trọng yếu, đặc biệt là vào lúc tất cả họ đang muốn thúc đẩy tăng trưởng”, Giám đốc điều hành Anthony Browne của hãng BBA cho hay.
Ông Browne trích các giao dịch thương mại của Thụy Sĩ và EU, cho thấy trên một số lĩnh vực, chẳng hạn như bảo hiểm, hai bên có đầy đủ quyền tiếp cận hai chiều vào thị trường thông qua thỏa thuận mà theo đó Thụy Sĩ giữ quy định của họ ở mức tương đương với quy định của khối nay chỉ còn 27 nước. Các nhà băng Thụy Sĩ không hưởng lợi từ bất kỳ thỏa thuận thương mại nào như thế, điều này đồng nghĩa với việc họ phải tiến hành hầu hết hoạt động kinh doanh thị trường vốn châu Âu từ các công ty con ở London.
Song The City, một phần của đất nước vừa chọn rời EU hôm 23.6, sẽ lấy lập luận Anh là thị trường xuất khẩu lớn nhất của EU để thương lượng về một phiên bản tăng cường của thỏa thuận kiểu Thụy Sĩ.
Đầu tuần này, Michael Roth, Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Đức, cho hay Anh có thể giành “trạng thái đặc biệt” với EU và có thể có thỏa thuận riêng rẽ. Dù vậy, ông cũng cảnh báo nước bạn không thể toàn quyền chọn chỗ đứng của họ.
Một trở ngại có thể đứng trước thỏa thuận riêng biệt là nhiều người trong ngành tài chính London đang thúc đẩy nước Anh chấp nhận yêu cầu tự do đi lại cho công dân các nước thành viên EU. Đây là điều EU đòi hỏi và là điều kiện giữ tiếp cận với thị trường thống nhất. Song khi nhiều dân Anh chọn Brexit muốn kiểm soát nhập cư, ít có khả năng nước này chấp nhận kiểu thỏa thuận mà Thụy Sĩ và Na Uy đang có, bằng cách chấp nhận vào khu vực tự do đi lại Schengen.
Ngoài ra còn có mối lo ngại về việc thỏa thuận chấp nhận được giữa London và Brussels sẽ tiêu tan nếu bị một trong số 27 nước thành viên bác bỏ. Hồi tháng 4, điều này đã xảy ra khi Hà Lan từ chối một hiệp định tự do thương mại EU được lên kế hoạch với Ukraine.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.