ĐBSCL là vùng nguyên liệu trái cây rộng lớn với nhiều loại trái đặc sản nhưng đầu ra lại luôn bấp bênh, trong khi chế biến xuất khẩu rất ì ạch.
Cánh đồng chuyên canh khóm ở vùng Đồng Tháp Mười (H.Tân Phước, Tiền Giang) - Ảnh: Hoàng Phương
|
Bà Lê Kim Loan, Tổng giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (TP.Cần Thơ), cho biết: hiện tại, mỗi ngày doanh nghiệp của bà thu mua từ 60 - 70 tấn đu đủ, khóm, xoài, cóc, ổi để chế biến xuất khẩu. Nhưng con số này không thấm vào đâu so với sản lượng khi vào chính vụ. “Với thực trạng nông dân sản xuất tự phát, nguyên liệu quá dư thừa thì doanh nghiệp cũng không thể làm gì hơn”, bà Loan chia sẻ.
Vòng luẩn quẩn
PGS-TS Nguyễn Minh Châu, người có thâm niên hàng chục năm gắn bó với ngành cây ăn trái của miền Nam, cho rằng tình trạng trồng rồi đốn - đốn rồi trồng là vòng luẩn quẩn do quản lý sản xuất còn yếu. Cụ thể là quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL còn quá lỏng lẻo. Nông dân tự mò mẫm thông tin thị trường, thấy loại trái cây nào có giá liền đổ xô trồng.
Ông cho biết từ năm 1996 đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện, tuyển chọn và tạo được tên tuổi cho nhiều giống cây đặc sản nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Chín Hóa, sầu riêng “chuồng bò”, sầu riêng Ri-6, nhãn xuồng cơm vàng, bưởi da xanh... Tuy nhiên, ngoài giống tốt, trái ngon, thị trường còn đòi hỏi phải có thêm tiêu chuẩn an toàn. Sau khi có chứng nhận GlobalGAP, từ năm 2003 trở đi một số loại trái cây ngon của VN như thanh long, chôm chôm, xoài, nhãn... bắt đầu xâm nhập được vào thị trường của nhiều nước rất khó tính như Nhật, Mỹ, Úc, New Zealand...
Phải tập hợp nông dân lại
|
PGS-TS Nguyễn Minh Châu cho rằng nếu có sự can thiệp của “nhạc trưởng” thì ngành trái cây sẽ phát triển nhanh hơn. Nhưng nhạc trưởng là ai? Theo ông Châu, chỉ có Bộ NN-PTNT mới có thể xác định loại cây nào là chủ lực để tập trung đầu tư, quy hoạch và có chính sách hỗ trợ cho nông dân làm. Ví dụ như ở Nhật, nông dân vẫn mạnh ai nấy trồng, nhưng trồng cùng một loại giống, theo quy trình chung và khi thu hoạch thì mang đến HTX đóng gói, tạo thành một thương hiệu với sản lượng lớn. Còn nhà nước thì hỗ trợ bằng cách đầu tư trực tiếp nhà đóng gói cho các HTX.
TS Châu cũng cho rằng cần học tập mô hình của Nhật, Đài Loan, tập hợp nông dân lại dưới hình thức HTX kiểu mới. Theo đó, nông dân tham gia HTX một cách tự nguyện, HTX phải trồng một loại cây giống nhau, theo một quy trình, để tạo ra một vùng chuyên canh với sản lượng hàng hóa lớn.
Bình luận (0)