Ngành văn hóa chỉ quản phần 'ngọn' việc đốt vàng mã

23/02/2018 16:53 GMT+7

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) Ninh Thị Thu Hương cho biết, ngành văn hóa chỉ quản lý phần "ngọn" của việc đốt vàng mã . Hiện tại, việc kinh doanh và sản xuất vàng mã không hề bị cấm.

Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL Phạm Xuân Phúc nhiều lần trả lời báo chí về việc đốt vàng mã, đồ mã. Nhưng nhiều năm nay, câu trả lời của ông Phúc không thể khác. “Chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở. Khi không cho đốt vàng mã nơi công cộng thì họ lại thuê người, thậm chí là trẻ con đốt hộ. Còn việc buôn bán và sản xuất vàng mã thì không thuộc chúng tôi quản lý, và cũng không bị cấm”, ông Phúc nói. 
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cũng cho biết hiện tại ngành nghề kinh doanh vàng mã không phải ngành nghề bị cấm, chỉ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chính vì thế, khi vận động giảm đốt vàng mã, chính Cục cũng gặp khó khăn. “Họ thắc mắc. Chẳng hạn, khi tôi làm việc với Bắc Ninh mới đây, họ còn nói nếu anh chị muốn làm tận gốc thì sao không cấm luôn ngành nghề kinh doanh vàng mã”, bà Hương nói.
Đốt mã ở chùa không nhiều
Theo một lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, việc đề nghị cấm vàng mã cũng từng được nâng lên đặt xuống cách đây hơn chục năm, khi xảy ra các đám cháy từ đốt mã. Tuy nhiên, do nó gắn với tâm linh nên chẳng ai dám đề xuất với Quốc hội để đưa vào ngành nghề cấm. “Bản thân ngành văn hóa khi đó cũng không đề nghị đưa vào ngành nghề cấm”, vị này nói.
Cục Văn hóa cơ sở cho biết, thực ra ở chùa, việc đốt vàng mã không nhiều. Xu hướng của chùa là không đốt đồ mã và đốt vàng mã cũng ít. Thậm chí, có chùa còn không cho đốt hương bên trong nhà, chỉ đốt ngoài sân. Đồ mã hiện được đốt ở các đền, phủ là chính. Việc đốt vàng mã cũng không gây bức xúc nhiều bằng đồ mã với những đồ to lớn.
Nhà nghiên cứu Thu Hòa cho biết đã chứng kiến một nghi lễ mà cả trăm mét vuông kín đồ mã cỡ lớn, với những con ngựa cao như người.
Cục Văn hóa cơ sở cho hay, hai nơi đốt nhiều đồ mã là đền bà chúa Kho Bắc Ninh, trên đền ông Hoàng Bảy Lào Cai. Những nơi này đốt ngựa, hình nhân thế mạng nhiều, với cỡ lớn như ngựa thật.
Cũng theo Cục này, chính vì không phải là người quản lý từ gốc, nên hiện tại, ngành văn hóa cũng chưa có kết quả thống kê cụ thể về số lượng mã được sản xuất và đốt hàng năm.
Vận động "ông" từ, "bà" đền
Bà Hương cũng cho biết, hiện tại, Cục Văn hoá cơ sở vẫn thường xuyên nhắc nhở địa phương thực hiện nghiêm việc vận động người dân giảm đốt vàng mã. “Nói chung là nhắc liên tục, kể cả công văn nhắc nhở, kể cả xuống địa phương nhắc tại chỗ, nhưng không giải quyết được tận gốc. Về tinh thần và chủ trương chung của Bộ là làm mọi biện pháp, đặc biệt là tăng vận động. Mới đây, tại đền bà Chúa Kho, chúng tôi cũng yêu cầu làm thêm biển yêu cầu không đốt nhiều vàng mã. Đồng thời, cũng yêu cầu ban quản lý cử người ở đấy túc trực để người dân chỉ đốt tượng trưng thôi rồi sau đó thu lại. Nói chung, việc đốt nhiều vàng mã luôn được quan tâm nhắc nhở”, bà Hương cho biết.
PGS - TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, cho rằng: “Ở chùa, việc không cho đốt vàng mã hợp lý, vì Phật là người, người ta đến chùa để tìm chính ông Phật trong bản thân mình. Chùa có thể không đốt vàng mã, chỉ hương hoa oản quả thôi, còn đình, đền, miếu, phủ, câu chuyện lại khác. Chỉ có điều, nên tuyên truyền để các con nhang hiểu không nên quan niệm ô tô xe máy cúng càng to, càng nhiều càng tốt. Làm thế nào để họ đừng đốt nhiều, đừng mang các thứ ngựa voi to rồi đốt hàng đống”.
Cũng theo ông Bài, vàng mã là biểu hiện vật chất của niềm tin. Vì vậy, cần thay đổi nhận thức cộng đồng. Khi đó, người dân tự nguyện đốt ít đi hoặc tự nguyện không đốt nữa. "Quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức con người. Đốt thế nào là đủ chứ không phải đốt nhiều, đốt to. Và khi có đồ mã thì ý thức khi đốt phải có. Ví dụ, ông sắm vàng mã to rồi mang ra đường đốt, bắt lửa vào xe máy là không được", ông Bài phân tích, và cho rằng, giải pháp là vận động "ông" từ, "bà" đền thực hiện đầu tiên.
“Làm thế nào vận động được ông từ, bà đền họ khuyên con nhang đệ tử của họ thì tác dụng tốt nhất. Chẳng hạn, khi Ban Quản lý đền Quán Thánh giải thích trong những buổi cúng đầu năm, thì hiện tượng xoa tay lên mặt tượng giảm hẳn”, ông Bài nói. Còn việc đốt mã với số lượng nhỏ trong gia đình, theo ông Bài, nhu cầu tâm linh của con người là không thể cấm, mà phải thay đổi nhận thức bằng giáo dục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.