Ngao ngán với ‘mùa nước nổi’

21/01/2014 14:12 GMT+7

Mỗi năm cứ đến “mùa nước nổi”, ở xã Đức Phong, H.Mộ Đức (Quảng Ngãi) đồng ruộng lại hóa thành sông, mùa vụ mới gieo sạ xong thì lúa giống cũng vừa "chết đuối" dưới đồng nước.

Mỗi năm cứ đến “mùa nước nổi”, ở xã Đức Phong, H.Mộ Đức (Quảng Ngãi) đồng ruộng lại hóa thành sông, mùa vụ mới gieo sạ xong thì lúa giống cũng vừa "chết đuối" dưới đồng nước.

Ngao ngán với ‘mùa nước nổi’
Đồng ruộng lại hóa thành sông - Ảnh: Linh Phạm

Cánh đồng lúa thôn Văn Hà nằm ngay trước trụ sở UBND xã Đức Phong, mỗi năm cứ đến mùa lũ, dòng sông Thoa lại kéo nước đổ về, gây cảnh ngập úng từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau khiến hàng ngàn hộ dân ngao ngán nhưng không có cách gì khắc phục. Số liệu của UBND xã Đức Phong cho biết, diện tích gieo sạ vụ đông xuân 2013-2014 của toàn xã là 715 ha. Sau đợt mưa lớn trong hai ngày 13 và 14.1, có đến 267 ha ở ba thôn Văn Hà, Lâm Hạ, Thạch Thang  bị ngập nước, trong đó có 125 ha  hư hại hoàn toàn.

Giải thích về tình trạng ngập úng ở ba thôn này, ông Đinh Văn Bé, Chủ tịch UBND xã Đức Phong, cho hay: "Sông Thoa bị bồi lấp, bờ sông bị sạt lở nặng nên dòng chảy không được khai thông, do vậy mà các cánh đồng ven sông đều chịu cảnh ngập úng khi nước lớn".

Sông Thoa nguyên là sông đào từ thời Pháp thuộc để lấy nước từ sông Vệ tưới tiêu cho 3 huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ. Hơn 20 năm nay, do không được nạo vét, tu bổ nên hình hài con sông bị biến dạng. Càng về phía hạ lưu, bờ sông càng lở tan hoang, lòng sông bị bồi lấp có nơi ngang bằng với mặt đồng. Đến mùa mưa, nước ứ lại, "nổi" dài ngày vì không có đường tiêu thoát.

Giữa cánh đồng lúa thôn Văn Hà, nhiều đàn vịt đạp nước bì bõm, người dân chèo ghe ra giữa đồng đánh cá như ở giữa lòng sông. Chị Nguyễn Thị Loan (ở thôn Văn Hà) đang đắp lại bờ cho ruộng, cho biết đây là 2,6 sào ruộng "gặp hên" vì nằm ở chỗ cao ráo. Chỉ tay về phía nước ngập, chị Loan nói rằng nhà chị còn 1,6 sào ruộng bị ngập úng chờ nước rút. Chị Loan có 3 con đều đang tuổi ăn học, cùng với tiền lao động kiếm thêm của chồng, hai đám ruộng trên phải nuôi 5 năm miệng ăn trong nhà. Tuy vậy, chị tự nhận là may mắn hơn nhiều người bị ngập hết ruộng, thậm chí có những người “không còn thiết tha lúa má chi nữa!”.

“Một sào ruộng tốn 7 kg lúa giống, một kg lúa giá khoảng 15.000 đồng, nếu mỗi vụ phải gieo sạ 3-4 lần thì chỉ tính riêng chi phí lúa giống/sào đã lên tới 300.000-400.000 đồng, đó là chưa kể phân bón, thuốc trừ sâu…”, chị Loan nhẩm tính. Ông Đinh Văn Bé khái quát: “Gần một nghìn hecta bị ngập trong mấy chục năm, cứ lấy con số nhân lên sơ bộ như vậy cũng đủ thấy thiệt hại là rất lớn”. Ông cũng nói rằng, vụ lúa ở xã Đức Phong là không giống với các nơi khác vì không thể theo kế hoạch chung của tỉnh. Vì chờ nước rút, vụ đông-xuân ở đây thường phải trễ gần 1 tháng, tết này nhiều bà con sẽ phải vừa ăn tết vừa gieo sạ lại.

Vụ đông-xuân năm nay, đồng lúa bị ngập trong khi người dân còn chưa kịp khắc phục thiệt hại nặng nề do trận lũ lịch sử cuối năm 2013 gây ra, khó khăn càng thêm chồng chất. UBND xã Đức Phong đã đề nghị huyện Mộ Đức bơm tiêu nước và hỗ trợ thêm lúa giống vụ đông-xuân để giảm bớt gánh nặng cho bà con. Nhưng về lâu dài, người dân rất cần các cấp chính quyền thực hiện những giải pháp có tính khoa học và bền vững vì họ đã quá ngán ngẩm với điệp khúc của bài ca “mùa nước nổi”.

Linh Phạm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.