Xe

Ngập lụt - nỗi lo của các tài xế

12/01/2013 08:50 GMT+7

Sau những trận “đại hồng thủy” dìm Hà Nội trong biển nước, do thiếu kinh nghiệm xử lý, vô số xe ô tô đã “uống nước no” và “phình bụng” khiến chủ nhân của chúng phải lao đao với một loạt vấn đề như gọi cứu hộ, xử lý xe bị ngập, rắc rối thủ tục bảo hiểm và đối mặt với khoản tiền sửa chữa không nhỏ.

Sau những trận “đại hồng thủy” dìm Hà Nội trong biển nước, do thiếu kinh nghiệm xử lý, vô số xe ô tô đã “uống nước no” và “phình bụng” khiến chủ nhân của chúng phải lao đao với một loạt vấn đề như gọi cứu hộ, xử lý xe bị ngập, rắc rối thủ tục bảo hiểm và đối mặt với khoản tiền sửa chữa không nhỏ.

Theo thông tin từ báo đài và các công ty cung cấp dịch vụ cứu hộ, các xe hỏng hóc rất đa dạng, nhiều nhất là loại xe 5 chỗ gầm thấp, loại 7 chỗ cũng có. Ngoài ra còn có các loại xe khách và cả các loại xe tải. Bên cạnh các nguyên nhân bị động như xe đang đậu ở chỗ trũng không kịp di chuyển thì đa số do tài xế thiếu kinh nghiệm khi đối mặt với mặt đường ngập lụt, liều lĩnh băng qua vùng ngập khiến tràn qua ống hút khí nạp của động cơ gây ra các thiệt hại khá đa dạng. Nhẹ thì chỉ cần sửa chữa nhanh thì dùng được, nặng thì phải tháo máy thay tay biên và piston. Có chiếc phải thay toàn bộ máy và hệ thống điện, thiệt hại rất nặng nề. Để hạn chế những sự cố trên, bạn nên tham khảo các thông tin hữu ích sau:

 Ngập lụt – Nỗi lo của các tài xế1

1. Lội nước đúng cách

Trong tất cả các tình huống đường phố bị ngập nước thì lời khuyên hữu ích cho các tài xế là “đừng liều lĩnh”, hãy tham dò địa hình trước khi đi qua. Trong trường hợp không còn sự lựa chọn nào và bạn buộc phải mạo hiểm đi qua vùng ngập lụt, bạn nên:

- Quan sát thật kỹ, để ý các phương tiện khác qua lại xem mực nước hiện tại là bao nhiêu, đoạn đường ngập dài hay ngắn. Mực nước an toàn cảnh báo là không nên vượt qua tâm bánh xe.

- Kiểm tra cổ hút gió của động cơ xem nó nằm ở mức nào so với mực nước hiện tại. Nếu miệng hút gió ở vị trí quá thấp, bạn nên tháo lọc gió động cơ ra để gió được trực tiếp vào từ khoang động cơ ở vị trí cao nhất. Qua khỏi đoạn ngập lụt, hãy lắp lại lọc gió như ban đầu.

- Nên tránh các xe chạy cùng chiều và ngược chiều bởi vì chúng sẽ xảy ra hiện tượng tạo sóng nước khi chạy qua, làm nước dâng cao và tràn bào đường nạp gió của động cơ.

- Không nên chạy quá nhanh bởi điều đó sẽ tạo sóng cao khiến nước dễ tràn vào động cơ hơn.

 Ngập lụt – Nỗi lo của các tài xế2

- Nên tắt hệ thống điều hòa, đi số 1, chân ga đạp ở mức vừa phải để máy nổ đều và liên tục, lái xe thật bình tĩnh. Hãy chuyển sang chế độ bán tự động nếu bạn đang lái một chiếc xe có trang bị hộp số tự động và để ở số 1 bởi vì khi vòng tua máy lên cao, xe sẽ tự sang số 2 khiến ga bị yếu, dẫn tới nước tràn vào động cơ thông qua ống pô. Bên cạnh đó, không nên đạp côn xe số sàn khi qua chỗ ngập.

- Không nên rồ mạnh ga để vượt qua đoạn đường ngập lụt như một số người thường nghĩ vì ga tăng mạnh sẽ khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt, đổ vào ống hút. Ngoài ra, khi tăng ga đột ngột vòng tua máy lên cao, nếu chẳng may nước vào sẽ khiến hiện tượng thủy kích mạnh hơn, làm cong tay biên và gây hư hại nghiêm trọng cho động cơ.

- Sau khi ra khỏi vùng ngập nước, hãy kiểm tra lại dầu máy. Nếu dầu máy chuyển màu nước gạo hoặc màu cà phê, tức là nước đã vào động cơ. Lúc đó, bạn tuyệt đối không nên tìm cách khởi động lại, nên rút chìa khoá điện, đẩy xe lên chỗ cao hơn và gọi cứu hộ.

Mặc dù đã lường trước các khả năng rủi ro, nhưng không thể nói trước được điều gì. Trường hợp xấu nhất là xe bị tắt máy đột ngột giữa vùng ngập:

- Tuyệt đối không được khởi động lại và phải liên lạc ngay đến điện thoại đường dây nóng của cứu hộ, đại lý hoặc nhân viên bán hàng để được tư vấn hướng dẫn, tìm biện pháp tối ưu để xử lý.

- Khi gọi cứu hộ, bạn cũng lưu ý nếu xe được trang bị hộp số tự động, tự động cài cầu, hoặc dẫn động 4 bánh toàn thời gian thì không nên để bánh xe chủ động tiếp xúc với mặt đường, nên chở bằng xe cứu hộ hoặc chỉ nên kéo xe bằng bàn nâng để tránh làm hư hại thêm động cơ.

- Bạn cũng nên lưu ý không mở cửa xe ra ngay mà hãy chú ý tới mực nước bên ngoài xem đã vượt qua phần thấp nhất của cửa ra vào chưa. Nếu không nước sẽ tràn vào cabin gây hư hỏng nội thất và các hệ thống điện tử.

2. Xử lý xe ngập nước

Sau khi vượt qua cơn lũ và đã bình tâm lại, bạn nên thực hiện một số các kiểm tra sau đây:

Máy móc

Ngập lụt – Nỗi lo của các tài xế 3 

- Kiểm tra dầu động cơ xem có màu cà phê sữa không hoặc mực dầu cao hơn mức bình thường thì có nghĩa là nước đã tràn vào động cơ. Nếu vậy, bạn nên súc rửa sạch sẽ và thay mới toàn bộ dầu động cơ, lọc dầu.

- Kiểm tra tình trạng dầu hộp số xem có màu cà phê sữa hay không, nếu có chứng tỏ nước đã vào qua lỗ thông hơi. Do đó, bạn nên thay mới dầu hộp số. Dầu hộp số tự động khi bình ở trạng thái bình thường có màu đỏ (dầu mới) hoặc đỏ sậm (dầu cũ), khi bị nước vào trộn lẫn với dầu hộp số thì sẽ chuyển sang màu hồng.

- Kiểm tra tình trạng của lọc gió xem mức độ hư hại như thế nào, có bị ướt và biến dạng không, bạn nên thay mới lọc gió nếu cần.

- Kiểm tra các đường ống khí nạp, chắc chắn rằng trong đường ống nạp không còn đọng nước hoặc bùn đất.

- Xem xét và vệ sinh bugi sạch sẽ. Đề thử máy một vài lần cho nước bên trong buồng đốt thổi ra ngoài và tiến hành lắp bugi vào.

- Kiểm tra dưới gầm xe, dầu ở các cầu xe, vệ sinh tang trống, tra dầu mỡ vào các ổ bi bánh xe tránh nguy cơ bị hoen rỉ do ngập nước.

Điện

- Kiểm tra các đèn cảnh báo và tình trạng hoạt động xem còn bình thường hay không.

- Thổi khô các giắc điện và các hộp điều khiển, hộp cầu chì., mối chuyển của hệ thống điện đều có cấu tạo vỏ nhựa, lõi kim loại. Các đầu tiếp xúc kim loại này sẽ han gỉ, ảnh hưởng đến khả năng truyền điện. Chuyện chập cầu chì, hỏng đèn hay tê liệt một chức năng nào đó trong xe hoàn toàn có thể xảy ra nếu các linh kiện này không được sấy khô kịp thời.

- Kiểm tra tình trạng hoạt động của các hệ thống điều khiển điện tử bằng thiết bị chẩn đoán IDS.

Nội thất

- Bạn hãy kiểm tra bộ thảm sàn xe xem có bị ẩm ướt hay không. Nếu có bạn có thể phải đem thảm sấy khô hoặc thay mới nếu cần thiết.

- Kiểm tra lớp nỉ trải sàn. Nếu bị ngậm nước lâu, nỉ sẽ bị mục rách. Mút cách âm được dán liền vào nỉ trải sàn có khả năng chống tiếng ồn vọng lên từ sàn xe, do đó nếu bị ngậm nước nó sẽ tơi ra ảnh hưởng đến khả năng chống ồn của xe.

- Kiểm tra hệ thống ống dẫn khí điều hòa trong xe, đặc biệt là ống dẫn khí thổi chân nằm chìm bên dưới lớp nỉ trải sàn, bởi vì nước bẩn, bùn đất sau khi lọt vào trong xe sẽ ứ đọng trong các ống này. Nếu không được vệ sinh kịp thời, các dạng vi sinh vật có hại sẽ nảy nở và được phát tán ra khoang xe thông qua hệ thống gió điều hoà, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cho người ngồi trong xe, đặc biệt là trẻ em.

- Ghế ngồi và các chi tiết nội thất sẽ xuống cấp rất nhanh nếu không được làm vệ sinh nội thất một cách kịp thời và bài bản. Các ghế sẽ phải tháo rời ra và đem sấy khô. Sau khi tẩy uế, ghế da phải được chăm sóc bằng hoá chất chuyên dụng, dạng làm sạch hoà tan, không chứa xút và ít lưu mùi.

 Ngập lụt – Nỗi lo của các tài xế 4

- Nên đặt quạt sấy, máy hút ẩm trong xe để hút hết hơi ẩm trong xe.

Với mỗi xe khác nhau thì việc xử lý sự cố sau khi ngập nước cũng khác nhau, lời khuyên đúng đắn nhất là đừng nên tìm cách tự sửa nếu các bạn không có chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh đó nếu chẳng may động cơ bị hư hại và xe bạn đã được trang bị loại bảo hiểm có bao gồm gói bảo hiểm thủy kích, hãy gọi cho công ty bảo hiểm để nhận được quyền lợi chính đáng của mình.

Tổng hợp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.