Ngập nước, kẹt xe nghiêm trọng tại TP.HCM

01/10/2012 14:23 GMT+7

(TNO) Ngày 1.10, tại TP.HCM, mưa lớn , đường ngập nước trong giờ cao điểm sáng đầu tuần đã gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại nhiều khu vực nội thành. Chiều nay lại tiếp tục có mưa lớn...

Nhiều hoạt động đình trệ vì... ngập

Tại cửa ngõ Quốc lộ 13, Q.Bình Thạnh và Q.Thủ Đức ùn xe nghiêm trọng. Nhiều người dân đã chịu cảnh kẹt cứng gần 30 phút mới thoát ra khỏi khu vực ùn xe tại ngã tư Bình Triệu.
 
Một phần mặt đường Quốc lộ 13 bị ngập (ở làn đường dành cho xe gắn máy), cùng với việc dừng chờ tàu lửa quá lâu, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn xe nghiêm trọng tại nút giao thông này.  
 
Ở hướng đường từ Q.Thủ Đức về Q.Bình Thạnh, hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau kéo dài đến cầu Đúc Nhỏ, trong khi hướng ngược lại ô tô xếp hàng dài chiếm gần hết cầu Bình Triệu 1.
 
Nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM bị ngập chìm trong biển nước, nặng nhất là khu vực Bàu Cát thuộc Q.Tân Bình, nơi cách đây mấy hôm cũng đã xảy ra một trận ngập nghiêm trọng.

Người dân ở đây cho biết, khoảng 4 giờ 30 sáng ngày 1.10 bắt đầu mưa, đến khoảng 6 giờ 30 sáng cùng ngày dứt mưa lớn, chỉ còn mưa lâm râm nhưng nước mưa ập vào nhà dân, hàng quán, chợ búa, khiến hoạt động buôn bán bị đình trệ.

 
Người dân tự làm "đê chắn" trên đường Hậu Giang (Q.6) - Ảnh: Anh Minh


Cảnh ngập nước trên đường Bình Tiên (Q.6) - Ảnh: Anh Minh


 
Đến khoảng 10 giờ 30 sáng lại xảy ra cơn mưa nên tình trạng ngập lụt càng nặng hơn.
 
Các tuyến đường Hồng Lạc, Đồng Đen, Phạm Phú Thứ, Bàu Cát, Phan Sào Nam, khu vực ngã ba Đồng Đen - Âu Cơ (giáp ranh giữa Q.Tân Bình - Tân Phú), Bệnh viện Tân Phú (đường Âu Cơ, Q.Tân Phú) cũng bị nước ngập. Cây xăng Rồng Phụng (ngã tư Hồng Lạc - Đồng Đen, Q.Tân Bình) cũng bị nước bao vây.
 
Tại những khu vực nói trên, hàng trăm xe chết máy tìm tiệm sửa. Một số người dựng xe lên lề, tự sửa chữa, tiếng rồ ga xe ầm ầm cả khu vực ngập nước. Nhiều vụ va chạm xe cộ, té ngã trong dòng nước đen cũng xảy ra.

“Tổ hợp” mưa, triều cường, xả lũ

Đến 10 giờ sáng cùng ngày, chợ Bàu Cát (P.14, Q.Tân Bình) vẫn chìm trong biển nước. Một tiểu thương bức xúc: “Mưa to, ngập lớn, chợ biến thành chợ nổi”. Phía trước chợ cũng ngập nhưng nhẹ hơn, riêng khu vực phía sau (giáp ranh công viên Bàu Cát, khu kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống) bị ngập nặng. Ngay buổi sáng nhiều sạp đã phải đóng cửa chạy ngập… Tình trạng “chợ nổi” cũng diễn ra ở khu vực chợ Bà Hoa (P.11, Q.Tân Bình).
 
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, đến hơn 13 giờ cùng ngày, nhiều tuyến đường tại TP.HCM vẫn còn chìm trong biển nước. 

 Mưa to, xe chết máy, hàng quán đóng cửa, chợ biến thành sông 1
Xe để trong bãi chung cư số 2 Bàu Cát 1 (Q.Tân Bình) cũng bị ngập nước

Nguyên nhân do trận mưa vào đêm qua và rạng sáng 1.10 quá lớn. Theo số liệu từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, vũ lượng đo tại trạm Tân Sơn Hòa (Q.Phú Nhuận) là 58,9 mm; trạm Mạc Đỉnh Chi (Q.1) là 50,8 mm.

Cũng theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, ngày 2.10 sẽ là ngày triều cường lên đỉnh điểm, với đỉnh triều dự báo là 1,52 m vào buổi sáng và 1,53 m vào chiều tối.
 
Một nguyên nhân khác là do triều cường trên hệ thống sông, rạch của TP.HCM đang dâng cao. Đỉnh triều vào sáng nay tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn đã lên mức báo động 3 (1,50 m).
 
Thời tiết tiếp tục diễn biến xấu, bên cạnh đó, các hồ chứa trên thượng nguồn đang tiến hành xả lũ khiến nhiều khu vực tại TP.HCM rơi vào cảnh “ngập chồng ngập”.
 
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, tổng lưu lượng xả xuống hạ lưu của hồ thủy điện Trị An (sông Đồng Nai) là 2.400 m3/giây (trong đó xả tràn: 1.536m3/giây, chạy máy: 864m3/giây); hồ Dầu Tiếng (sông Sài Gòn) dự kiến xả tràn hạ thấp mực nước hồ từ 7 giờ sáng 3.10, với lưu lượng xả tràn là 50m3/giây.

Đợt triều cường đầu tháng 10.2012 lên cao, cùng với những ảnh hưởng của thời tiết đã gây ngập nhiều khu vực của TP.HCM.
 
Sáng 1.10, đỉnh triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn vào buổi sáng sớm đã gây ngập nhiều khu vực của thành phố. Trong đó, một số đoạn của đường Hòa Bình (Q.Tân Phú, Q.11), Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú), Hậu Giang, Kinh Dương Vương (Q.6), Huỳnh Tấn Phát (Q.7), Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức)… nước ngập sâu gần nửa mét khiến nhiều người không dám chạy xe gắn máy qua đường.

Nhiều khu dân cư có địa hình trũng, thấp và ven kênh rạch thuộc Bình Thạnh, Thủ Đức, Bình Tân, Q.6, Q.8 cũng bị ngập và nước còn tràn cả vào nhà dân.
 
Trong khi đó, theo báo cáo của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, thành phố đã lắp đặt được 615 van ngăn triều và 30 trạm bơm nên tình trạng ngập đã được cải thiện. Thành phố đã xóa được các điểm ngập tại đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Thị Thập, Bùi Hữu Nghĩa.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 4 điểm ngập nặng do triều tại đường Lương Định Của, Phú Định, Huỳnh Tấn Phát, Quốc lộ 50 và 5 điểm ngập nhẹ tại các đường Bình Quới, Phạm Thế Hiển, Văn Thân, Nguyễn Hữu Hào, Kha Vạn Cân. (Anh Minh)

 Mưa to, xe chết máy, hàng quán đóng cửa, chợ biến thành sông 2
Chợ Bàu Cát biến thành… chợ nổi, tiểu thương kêu trời vì nước ngập, buôn bán ế ẩm - Ảnh: Hoàng Việt

 
Các bảo vệ Công viên Bàu Cát (Q.Tân Bình) kê ghế ngồi tránh nước ngập - Ảnh: Hoàng Việt

 Mưa to, xe chết máy, hàng quán đóng cửa, chợ biến thành sông 4
Công viên Bàu Cát biến thành sông - Ảnh: Hoàng Việt

 Mưa to, xe chết máy, hàng quán đóng cửa, chợ biến thành sông 5
Khu vực Bàu Cát - Đồng Đen (Q.Tân Bình) ngập trong biển nước. Người dân ngồi bó gối, hàng quán đóng cửa - Ảnh: Hoàng Việt

 Mưa to, xe chết máy, hàng quán đóng cửa, chợ biến thành sông 6
Khu vực chợ Bà Hoa cũng biến thành… chợ nổi - Ảnh: Hoàng Việt

 
Xe chết máy chờ sửa tại một tiệm sửa xe trên đường Đồng Đen (P.22, Q.Tân Bình) - Ảnh: Hoàng Việt

 

Thời tiết ngày càng diễn biến dị thường do biến đổi khí hậu

Sáng nay 1.10, TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến thời tiết, khí hậu nước ta.

Theo TS Thục, trong 50 năm qua, nền nhiệt độ trên cả nước đã tăng 0,5 độ C. Nhiệt độ tại các tỉnh phía bắc tăng nhanh hơn tại các tỉnh phía nam. Nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn mùa hè. Số ngày nắng nóng có xu hướng gia tăng ở hầu hết các khu vực trên cả nước.
 
“Mùa đông những năm gần đây thường ấm hơn. Số ngày rét đậm, rét hại ít hơn nhưng lại xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài”, TS Thục nói.

Theo TS Thục, lượng mưa mùa khô có xu hướng giảm, mùa mưa có xu hướng gia tăng. Biến đổi khí hậu làm cho mưa tập trung hơn tuy tổng lượng mưa của cả năm giảm không rõ nét. Tại các tỉnh nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ, mưa trái mùa xuất hiện nhiều hơn, trong đó có nhiều đợt mưa lớn và kéo dài.

Biến đổi khí hậu cũng đã và đang làm cho các cơn bão diễn biến bất thường, vượt ra ngoài quy luật. Theo đó, khu vực đổ bộ của bão và áp thấp có xu hướng dịch dần vào các tỉnh phía nam, xuất hiện nhiều cơn bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp. Mùa mưa bão kết thúc muộn hơn so với trước đây.

TS Thục cho biết, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước biển dâng. Theo tính toán, tại vùng ven biển nước ta bình quân mực nước biển dâng thêm khoảng 2,9 mm/năm.

Dự báo, đến cuối thế kỷ 21, trung bình toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 78-95 cm. Mực nước biển ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang có thể dâng tối đa đến 105 cm.

“Nếu mực nước biển dâng 1 m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập”, ông Thục lưu ý. (Quang Duẩn)

Mai Vọng - Hoàng Việt

>> Mưa ngập nhiều khu dân cư
>> TP.HCM: Mưa ngập, nắng cũng ngập !
>> Thời tiết xấu kết hợp, mưa lớn trên diện rộng
>> TP.HCM mưa lớn, đường thành sông
>> Mưa lớn, nhiều tuyến đường ở TP.HCM thành… sông
>> Mưa lớn gây thiệt hại tại nhiều địa phương
>> TP.HCM: Mưa lớn, nhiều tuyến đường bị ngập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.