Sự kiện tháng 3.1988 không phải là một cuộc hải chiến. Thực tế, chỉ có một bên là quân Trung Quốc xâm lược với tàu chiến tối tân với pháo 100 li bắn thẳng vào khoảng 50 chiến sĩ công binh Hải quân Việt Nam, tay không vũ khí và kết thành vòng tròn bất tử quanh 3 lá cờ Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma, cùng 3 tàu vận tải đang thực hiện công vụ một cách bình thường.
|
Không một điều luật nào của Hiến chương LHQ 1946 cho phép sử dụng vũ lực để tranh giành lãnh thổ đã có chủ quyền. Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng LHQ ngày 24.10.1970 (Tuyên ngôn về các nguyên tắc của luật pháp đề cập các quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương LHQ) khẳng định: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương LHQ. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng thụ đắc bởi một quốc gia khác do đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp”.
|
Cưỡng chiếm Gạc Ma và các đảo đá Trường Sa, Trung Quốc đã bất chấp tất cả các quy tắc về luật Chiến tranh được quy định từ Công ước La Haye năm 1899 và 1907, các quy tắc về luật Nhân đạo quốc tế trong các Công ước Genève 1949 và các Nghị định thư năm 1977. Các tàu mang cờ của Hội Chữ thập đỏ đến cứu chữa thương binh và quy tập hài cốt các nạn nhân đã bị từ chối.
Nhưng sự hy sinh đó của các chiến sĩ không vô ích. Đất nước không bị bất ngờ, mất cảnh giác trước âm mưu bành trướng dù chúng ta chưa lường hết tính tàn bạo trong việc này. Ngay trong tháng 1.1988, Quân chủng Hải quân đã xác định: "Lúc này, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và vinh quang nhất của Quân chủng Hải quân". Chính sự chấp hành không nổ súng, không để mắc mưu đối phương, chấp nhận hy sinh, giữ vững kỷ luật quân đội của các anh đã giúp đất nước, lúc đó đang ở thế khó khăn tránh được một cuộc chiến không cân sức, tạo điều kiện để dân tộc đứng vững được trên 21 đảo như hiện nay. Sự hy sinh quả cảm của các anh và đường lối ngoại giao bình tĩnh, sáng suốt cũng như sự ủng hộ của dư luận đã làm đối phương phải chùn bước.
Hành động cho tàu ủi bãi, hy sinh để giữ đảo trong năm 1988 không phải là của kẻ hèn nhát không dám nổ súng. Không nổ súng khi bị đối phương tấn công đối với người lính thật khó khăn. Việc giữ kỷ luật không nổ súng trong năm 1988 có thể so sánh như chấp hành lệnh kéo pháo ra, chuẩn bị chu đáo để giành chiến thắng chắc chắn sau này ở Điện Biên Phủ năm 1954. Sự hy sinh cần thiết, ở mức thấp nhất cho mục đích cuối cùng. Nó cho đất nước có thời gian để giải quyết những việc hệ trọng ở biên giới tây nam, biên giới phía bắc, phá thế gọng kìm, củng cố lực lượng mở rộng ra biển.
Biển Đông là của chung nhân loại, không phải là ao nhà một nước. Nó thực sự là vấn đề, là quan tâm quốc tế mà không cần phải nỗ lực quốc tế hóa hay song phương hóa của bất cứ quốc gia nào. Thảy đều hướng tới mục tiêu hòa bình, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các quốc gia trong khu vực.
Với chúng ta, chiến tranh là sự lựa chọn cuối cùng để bảo vệ đất nước, còn hòa bình mới là kế sách lâu dài. Đạo lý của dân tộc ngàn năm nay vẫn là đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Bên cạnh việc khẳng định mạnh mẽ chứng cứ lịch sử và pháp lý đối với chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sự kiện tháng 3.1988 đã thúc đẩy ý thức bảo vệ chủ quyền biển của chúng ta một cách có tổ chức, khoa học, thực tiễn và tự chủ hơn trước. Từ xây dựng cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ trên các bãi ngầm thuộc thềm lục địa Việt Nam năm 1989, đưa chương trình biển đảo vào các trường phổ thông và đại học, gia nhập Công ước LHQ về luật Biển năm 1994, tới đỉnh cao mới là luật Các vùng biển Việt Nam năm 2012, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9.2.2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về biển, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đồng thời bảo vệ vững chắc an ninh chủ quyền biển.
Tháng 3.1988 đã tạo động lực góp phần đoàn kết người Việt ở trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài trong mối quan tâm chung và thiêng liêng vì chủ quyền biển đảo. Việc Trung Quốc dùng vũ lực thôn tính một lãnh thổ có chủ quyền đã cảnh tỉnh dư luận thế giới và ASEAN về nguy cơ bất ổn mới trong khu vực, thúc đẩy thông qua Tuyên bố ASEAN về biển Đông năm 1992, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và đang hướng đến Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Cúi mình thắp tâm hương trước anh linh của các anh hùng vừa là nhắc nhở các thế hệ nối tiếp về tinh thần cảnh giác, luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, hữu nghị với bạn bè chân chính, kiên quyết với ngoại xâm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền đất nước, vì bình yên hạnh phúc của nhân dân.
Hướng về Trường Sa Sáng nay 14.3, Hội Cựu chiến binh, Thành đoàn, Đài PT-TH Đà Nẵng và Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu "Hướng về Trường Sa thân yêu" nhằm ôn lại lịch sử chiến đấu anh dũng của Hải quân nhân dân Việt Nam nhân 25 năm trận hải chiến Gạc Ma - Trường Sa Việt Nam; đồng thời tưởng nhớ, tri ân 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó TP.Đà Nẵng có 9 liệt sĩ. Dịp này, Hội Cựu chiến binh, Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng thời kỳ 1984-1987 cũng tổ chức gặp mặt các chiến sĩ đã sống, chiến đấu trên quần đảo Trường Sa, trên tàu HQ84, HQ85, HQ87, HQ88 trong thời kỳ này. Hội Cựu chiến binh TP tặng quà cho 9 gia đình liệt sĩ người Đà Nẵng hy sinh trong trận hải chiến này. Hay tin có cuộc gặp mặt, anh Lê Hữu Thảo đã bày tỏ nguyện vọng về dự để tìm lại đồng đội năm xưa. Lê Hữu Thảo, quê ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), là nhân vật trong bài viết 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 2: Anh hùng đất Việt đăng trên Thanh Niên Online. Các đồng nghiệp, bạn bè và đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung đã tổ chức phương tiện, nơi ăn nghỉ để anh Thảo vào Đà Nẵng. Hội Cựu chiến binh TP.Đà Nẵng hay tin cũng đã mời anh Thảo tham gia cuộc gặp gỡ này. Thông qua Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Duy Khánh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thuốc lá Sài Gòn (đặt tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, TP.HCM), đã quyết định hỗ trợ anh Thảo (do hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn) số tiền 10 triệu đồng để làm lộ phí tham gia chương trình trên. Sáng 13.3, đại diện của Thanh Niên đã trao số tiền này cho anh Lê Hữu Thảo.
Nguyễn Thế Thịnh |
Việt Long
(Cựu binh Đoàn 125)
Bình luận (0)