Hôm 1.5, nhiều cuộc tuần hành và biểu tình lớn đã được tổ chức khắp các châu lục nhân ngày Quốc tế Lao động để yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương bổng, phúc lợi, đồng thời kêu gọi các công ty ưu tiên tuyển dụng người bản xứ.
Cảnh sát ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) dùng vòi rồng giải tán người biểu tình ngày 1.5 - Ảnh: AFP
|
Theo AFP, tại Hồng Kông, nhiều người giúp việc ngoại quốc xuống đường kêu gọi chính quyền bảo vệ quyền lợi của họ hơn nữa sau một số vụ người giúp việc nhà bị đánh đập, lạm dụng vừa qua. Trong khi đó, giới lao động Philippines xuống đường yêu cầu chính phủ tăng lương và tạo thêm cơ hội làm việc để ngăn chặn tình trạng nhiều người nghèo phải ra nước ngoài mưu sinh để rồi đối diện với bao hiểm nguy.
Tại EU, chủ đề chính của các cuộc tuần hành nhân ngày Quốc tế Lao động là phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” hà khắc nhằm đối phó khủng hoảng kinh tế. Đáng chú ý là tại Pháp, cuộc xuống đường ngày 1.5 truyền thống ở Paris tiếp tục cho thấy các nghiệp đoàn lớn vẫn tiếp tục mâu thuẫn khi họ không tuần hành chung mà chia thành nhiều nhóm. Tại Hy Lạp, Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis đã cùng 3 bộ trưởng khác đã tham gia tuần hành với 2.500 người.
Đa số các cuộc biểu tình đều diễn ra ôn hòa như ở Cuba, Malaysia... nhưng vẫn xảy ra bạo lực tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ. Khoảng 10.000 người tụ tập trước dinh Tổng thống Hàn Quốc nhằm phản đối kế hoạch cải cách thị trường lao động của chính phủ và một số người quá khích đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động, theo AFP.
Tại Đài Loan, người biểu tình ném bom khói về phía Văn phòng lãnh đạo Mã Anh Cửu để phản đối tình trạng lương thấp và thất nghiệp, đặc biệt trong giới trẻ.
Trong khi đó, cảnh sát thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ phun hơi cay và vòi rồng để trấn áp những người muốn xông vào quảng trường Taksim. Một số người đáp trả bằng gạch đá, chai lọ và ít nhất 134 người đã bị tạm giữ trong ngày 1.5.
Bình luận (0)