Ngày 29.7 có 1.803 ca mắc Covid-19 trên cả nước

Liên Châu
Liên Châu
29/07/2022 18:56 GMT+7

Chiều 29.7, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 1.803 ca mắc Covid-19 trong nước. Bộ này cho biết đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và theo dõi hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19.

Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đầu dịch đến nay Việt Nam có hơn 10,77 triệu ca nhiễm (tăng thêm 1.803 ca trong 24 giờ qua, cao nhất trong vòng hơn 50 ngày gần đây), số ca mắc mới đã tăng liên tục trong các ngày gần đây.

Tổng số mắc Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay hiện đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cả nước ghi nhận 1.803 ca mắc trong 24 giờ qua

BỘ Y TẾ

Theo công bố của các sở Y tế, hôm nay có 9.077 bệnh nhân khỏi bệnh. Tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi từ đầu dịch đến nay là gần 9,9 triệu ca.

Hiện, 45 bệnh nhân đang thở ô xy. Trong đó, 43 ca thở ô xy qua mặt nạ và 2 ca thở ô xy dòng cao HFNC, không có ca nặng phải thở máy xâm lấn và điều trị ECMO.

Trong 24 giờ qua ghi nhận 1 bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Quảng Ninh.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.093 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Về tiến độ tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế cho biết trong ngày 28.7 có 933.258 liều vắc xin được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm trên cả nước là hơn 244,75 triệu.

Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là gần 212,34 triệu; số liều tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là hơn 20,5 triệu; số liều tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi là hơn 11.87 triệu.

Xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là chống dịch

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực với tỷ lệ bao phủ mũi 1, mũi 2 cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên cao.

Kết quả tiêm vắc xin Covid-19 đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, nhất là giảm thiểu tình trạng bệnh chuyển nặng, nhập viện và tử vong, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Tại một số địa phương, Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19, chính quyền các cấp chưa vào cuộc quyết liệt dẫn đến chưa đạt tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam tiếp tục ghi nhận các biến thể mới BA.4 và BA.5 và dịch bệnh vẫn có nguy cơ gia tăng bùng phát trở lại.

Tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.

Để bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng chống dịch thời gian qua, tạo điều kiện tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ mới đây đã có công điện yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục bảo đảm cung ứng, phân bổ đầy đủ, phù hợp, kịp thời vắc xin Covid-19 theo nhu cầu của các địa phương, không để tình trạng vắc xin; đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các địa phương.

Xây dựng chiến lược truyền thông về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trọng điểm, có bằng chứng khoa học, tập trung vào tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, các đối tượng có nguy cơ cao.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan, khoa học, bằng nhiều hình thức đa dạng, về lợi ích, hiệu quả của vắc xin, nhất là trong việc ngăn ngừa chuyển nặng, tử vong khi mắc Covid19 để người dân nâng cao nhận thức và chủ động tích cực tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và theo dõi hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 để có thông tin khoa học, chính xác cung cấp cho người dân; đẩy mạnh việc cấp hộ chiếu vắc xin cho người dân.

Tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, hoàn thành trong tháng 8.2022...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.