Ngày con chào đời: Màu xanh của hy vọng

Ngọc An
Ngọc An
24/09/2021 06:58 GMT+7

Không kịch tính, khốc liệt, đẩy cảm xúc đến tận cùng như Ranh giới , bộ phim tài liệu thứ 2 Ngày con chào đời của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư (phát trong chương trình VTV Đặc biệt tối 22.9) mang đến cho người xem nhiều khoảng lặng, để cảm nhận được sự thiêng liêng của sự sống.

Tiếp tục mạch chuyện ở Bệnh viện Hùng Vương, nơi có khu điều trị cho những sản phụ F0 lớn nhất tại TP.HCM cũng là tâm dịch của cả nước, ở bộ phim Ngày con chào đời, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư để người xem dõi theo hành trình của những thai phụ F0 từ lúc chuyển dạ, sinh con và cho đến lúc chờ ngày mẹ con được đoàn tụ.
Đó cũng là hành trình mà người phụ nữ thấy thấm thía câu: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Và như lời của một bác sĩ chia sẻ trong phim, với thai phụ F0, hành trình đó lại càng khó khăn, nguy hiểm hơn. Bởi, triệu chứng bệnh của những thai phụ F0 tăng gấp nhiều lần so với người bình thường, và họ có thể trở nặng chỉ trong tích tắc.
Một thai phụ đã rất lo lắng khi bác sĩ chỉ định chị cần phải mổ đưa con ra, để tránh nguy hiểm cho chị và các con. Chị mang song thai, mới 32 tuần rưỡi tuổi, chỉ cầu trời các con sinh ra được bình thường. Một thai phụ đã không ngừng rơi nước mắt khi nằm trên bàn mổ vì lo lắng. Chị chỉ cảm thấy an lòng khi được nghe tiếng khóc chào đời của con… Những người mẹ chỉ được nhìn thấy con, kề cạnh con trong giây lát và sau đó với hai mẹ con là những ngày dài xa cách. Những giọt sữa đầu tiên con không được bú mẹ. Niềm an ủi xoa dịu các sản phụ là được nhìn thấy những bức ảnh chụp con, biết con lớn lên mỗi ngày như thế nào.
Mỗi con người, mỗi gia đình là mỗi hoàn cảnh. Có sản phụ sau sinh con rồi vẫn tiếp tục ở lại bệnh viện chữa trị, con chị được theo dõi ở khoa nhi, chồng chị thì ở bệnh viện dã chiến. Có em bé mãi chưa thể về nhà vì ba mẹ bé vẫn còn trong khu cách ly. Có em bé chào đời nhưng mẹ đã không còn, ba vẫn đang ở bệnh viện dã chiến… Có những cuộc đoàn tụ trong nước mắt của niềm vui, có những cuộc đoàn tụ trong nước mắt của sự mất mát.
Sự khốc liệt của đại dịch vẫn còn đó, nhưng hơn hết, sự sống mới đang được tiếp tục. Khoảnh khắc những em bé được đón ra từ bụng mẹ, cất tiếng khóc chào đời được thu lại trong ống kính của nhà làm phim không chỉ khiến người xem cảm nhận rõ ràng những khoảnh khắc thiêng liêng của sự sống, mà còn thấy ở đó ánh sáng của hy vọng. Như lời một bác sĩ đã nói khi thấy nụ cười của người mẹ lúc con chào đời: “Thấy nụ cười là thấy cuộc đời phía trước tươi sáng”. Những em bé được đặt những cái tên Cô Na, Cô Vy, Hùng, Dũng, Kiên, Cường, Mạnh, Thành, Đạt, Như Ý, Cát Tường… như những gì mà cha mẹ, người thân, các y bác sĩ mong các em sau này biết mình đã sinh ra vào một thời điểm lịch sử khó khăn nhưng đã kiên cường, mạnh mẽ đến nhường nào.
Dù có những tranh cãi xoay quanh góc nhìn và cách thể hiện của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, nhưng Ranh giới và Ngày con chào đời đã cho thấy những mảng màu sáng, tối chân thực trong đại dịch. Sau cùng, mỗi người xem sẽ thấy trân trọng hơn cuộc sống mà mình được ban tặng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.