* Đón đọc bài giải gợi ý các môn toán, hóa học, địa lý trên số báo ngày mai (4.6)
* Thanh Niên Online và Thanh Niên Mobile cập nhật liên tục
Những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống ngày càng được chú trọng trong đề thi các môn xã hội. Quan điểm tránh lối học vẹt, học tủ đã thể hiện rõ trong 3 môn thi ở ngày đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra hôm qua 2.6.
|
Có điều kiện bày tỏ quan điểm cá nhân
Đề thi môn văn không bất ngờ về nội dung với vấn đề biển Đông nhưng có nhiều đổi mới, gây bất ngờ với cả giáo viên và học sinh khi một vở kịch được đưa vào đề thi với những yêu cầu bộc lộ quan điểm cá nhân làm chủ đạo.
Xung quanh đề thi môn văn năm nay, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhận định: “Đề thi ở cả hai phần như vậy chắc chắn học sinh không thể học thuộc lòng mà làm bài được. Học sinh có nhiều cơ hội bộc lộ suy nghĩ và quan điểm cá nhân vì vậy chắc chắn tính sáng tạo sẽ được đánh giá cao”.
Cô Nguyệt Anh, giáo viên dạy văn Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhận xét: “Đề thi này tạo điều kiện cho học sinh tha hồ bộc lộ quan điểm cá nhân. Để đạt điểm trên 8 với đề thi này thì thật là khó nhưng “đạt” điểm liệt thì càng khó hơn.
Còn cô Phan Thị Thanh, giáo viên văn Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TP.HCM), nhận xét: “Cấu trúc của đề thi, thể hiện đúng tinh thần đổi mới việc dạy và học của Bộ. Phần đọc hiểu mang tính thời sự nhưng phù hợp với nhận thức và suy nghĩ của học sinh lớp 12, tạo điều kiện cho học sinh bày tỏ được lòng yêu nước, trách nhiệm đối với đất nước. Ở phần làm văn, người biên soạn chọn được đoạn trích mang tính triết lý và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gợi mở cho học sinh về một lối sống có ý nghĩa đồng thời giúp khẳng định cuộc sống của con người chỉ đẹp khi được sống là chính mình, sống trung thực, không dựa dẫm, vay mượn”.
Phần lớn các học sinh đều nhận định, với đề thi này thí sinh dù ít dù nhiều cũng đều làm được bài. Biển Đông đang là vấn đề mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng quan tâm nên việc viết về vấn đề đó không khó, chỉ có điều để đạt được điểm cao cần có những lập luận sắc sảo.
Sôi nổi bàn luận về lòng yêu nước
Kết thúc giờ làm bài môn văn, Nguyễn Lê Quốc Bảo, thí sinh tại hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) thở phào: “Đề dễ chứ không khó, nội dung hay, sát với thực tế cuộc sống đang diễn ra”. Cũng tại hội đồng thi này, thí sinh Trác Bảo Trâm vui mừng: “Đề vừa sức, dù cách ra đề mới so với những năm trước nhưng đã giúp học sinh nêu được cảm xúc của mình về chủ quyền biển đảo, thể hiện lòng yêu nước. Ngay đối với phần làm văn, dù tư liệu sử dụng lấy trong một tác phẩm văn học nhưng yêu cầu của đề lại gắn liền với cuộc sống”.
Nhận định về đề thi văn năm nay, nhiều học sinh cho rằng không quá khó, mở và rõ ràng tập trung nhiều về tình hình căng thẳng ở biển Đông. Nhiều thí sinh tại hội đồng thi Trường THCS Ba Đình, Q.5 cũng cho rằng nội dung phần đọc hiểu có thể đoán được trước đó và chú tâm ôn tập. Một thí sinh nói: “Đề thi dạng này tụi em đã được giáo viên ôn nhiều. Vì đề thi các năm trước cũng thường ra vấn đề thời sự. Trong thời gian qua, vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan là nóng nhất nên giáo viên và tụi em đều tập trung giải đề rất nhiều”.
|
Đối với đề thi môn ngữ văn ở hệ GDTX, nhiều thí sinh cảm thấy rất thích thú. Thí sinh Lê Đình Tuấn Anh, học sinh lớp 12A2 của Trung tâm GDTX Q.5 cầm đề thi trên tay và ra khỏi hội đồng thi với vẻ phấn khích: “Đề dễ và mở nên em rất thích. Đề này ai học vẹt là chết, không làm được đâu. Phần đọc hiểu cho một đoạn trích trong Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi (ngữ văn 10, tập 2) và kèm theo 3 câu hỏi nhỏ”.
Đối với phần làm văn của hệ GDTX, nhiều thí sinh cũng cho rằng đề yêu cầu phân tích đoạn thơ trong bài Đất nước (trích trong Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm, ngữ văn 12, tập 1) cũng thể hiện rõ tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ; phải phát huy tinh thần yêu nước, “Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở”.
Thí sinh ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Dương, đồng bằng sông Cửu Long... tỏ ra hào hứng với nội dung môn văn đề cập đến vấn đề thời sự đang xảy ra tại biển Đông. Đánh giá về đề thi ngày 2.6, hầu hết học sinh cho biết đề môn văn bám khá sát nội dung được ôn tập trên lớp. Đặc biệt, phần đọc hiểu nhấn mạnh vấn đề thời sự về biển đảo làm các em thích thú.
Khéo léo đặt vấn đề giải quyết biển Đông
Cô Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng tổ sử - địa - giáo dục công dân Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), cho rằng điểm dễ nhận thấy nhất trong đề thi môn lịch sử là cấu trúc đề có sự thay đổi rõ rệt. Thay vì 4 câu như mọi năm, năm nay chỉ có 3 câu và không có phần chung để thí sinh lựa chọn. Đề thi không buộc thí sinh phải nhớ sự kiện lịch sử theo ngày tháng cụ thể. Riêng câu 3, đề ra không chỉ hay mà còn khéo khi đưa vào đề thi vấn đề giải quyết chủ quyền biển Đông của Việt Nam gắn với nguyên tắc hoạt động của Liên Hiệp Quốc. Chỉ cần theo dõi báo đài, thí sinh sẽ hoàn thành tốt câu hỏi đặt ra. Nói chung, đề thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu đổi mới thi cử. Điểm 10 có thể không dễ nhưng thí sinh đạt điểm khá giỏi sẽ nhiều.
Còn tại hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), không khí buổi chiều khá im ắng khi chỉ có 4 thí sinh dự thi môn sử. Bước ra từ hội đồng thi này, Thái Hà cho biết có thể đạt 9 điểm. “Đề dễ và khá ngắn gọn. Chỉ cần nghe ngóng thông tin về chủ quyền biển đảo hiện nay là có thể làm được”. Thu Hiền, học sinh Trung tâm GDTX Q.1 cho biết: “Đề cho 3 câu, chỉ cần học thuộc bài là làm được. Nhưng năm nay, câu cuối trong đề không nằm trong sách vở mà học sinh phải vận dụng kiến thức theo dõi tình hình thời sự trong thời gian qua mới làm được”.
Môn lý khó hơn nhiều năm trước
Ở đề thi môn vật lý, hầu như các thí sinh Đà Nẵng đều cùng chung nhận định là 40% đề thi, cả lý thuyết lẫn bài tập là rất khó nên việc đạt điểm cao cho môn thi này không dễ dàng. Nhiều học sinh khá môn vật lý cũng nhận định với đề thi này chỉ làm được 70%, phần còn lại phải đánh trắc nghiệm theo kiểu hên xui.
Nhiều thí sinh tại TP.HCM nhận định đề lý (của cả hệ GDTX và THPT) khó và chỉ mong đạt điểm trên trung bình. Một thí sinh thi hệ GDTX cho biết: “Đề lý cho 40 câu, nhưng em làm được chưa đến phân nửa. Số còn lại em đánh đại. Em đã giải đề thử các năm trước, cả đề THPT em cũng làm được, nhưng đề năm nay khó quá. Em chỉ mong mình đạt điểm trung bình”. Nhiều thí sinh hệ THPT cũng cho rằng khó lòng đạt điểm trên trung bình môn lý.
Đánh giá về đề thi, ông Nguyễn Thế Phong, Trường THPT Vĩnh Viễn, cho rằng đề phân hóa tốt, khó hơn đề tốt nghiệp các năm trước. Có mấy câu thuộc trình độ ĐH, CĐ. Đề không có phần tự chọn nên học sinh học nâng cao thiệt thòi vì học nhiều hơn cơ bản gần 3 chương. Học sinh trung bình làm 4 - 6 điểm, đề này thí sinh khó có điểm cao được.
Môn văn “gánh vác” nhiều trọng trách Thế là bao nhiêu chờ đợi cuối cùng cũng đã đến, những "bí mật" mà toàn xã hội và thí sinh cả nước chờ về sự đổi mới của đề thi tốt nghiệp năm nay của môn ngữ văn đã được "vén màn". Nếu đưa ra một cái nhìn khái quát (có so sánh với cấu trúc đề thi của các năm trước, cả hệ THPT lẫn GDTX ), có thể thấy những điểm đổi mới sau đây. Thứ nhất, về cấu trúc câu hỏi, thay vì trước đây được tính theo thang điểm: Câu 1 (gọi là câu hỏi tái hiện kiến thức): 2 điểm; Câu 2 (gọi là câu nghị luận xã hội): 3 điểm; Câu 3 (nghị luận văn học): 5 điểm, thì năm nay chỉ rút gọn còn 2 câu (hai phần), với thang điểm: câu đọc hiểu: 3 điểm và câu làm văn: 7 điểm. Thứ hai, có thể nói, cả hai câu đều có sự tích hợp kiến thức giữa nghị luận văn học (NLVH) và nghị luận xã hội (NLXH). Chẳng hạn câu làm văn của đề thi hệ THPT khi yêu cầu: "Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích trên" (là NLVH), và phần yêu cầu tiếp theo là: “Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: con người cần được sống là chính mình" (là NLXH). Hoặc như đề bài của đề thi hệ GDTX, ở câu làm văn: "Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ trên" (là NLVH), và cũng yêu cầu tiếp theo là: "Từ đó, bày tỏ suy nghĩ về lòng yêu nước của thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay" (là NLXH). Thứ ba, ở phần đọc hiểu của hai đề THPT và GDTX đều có yêu cầu đọc hiểu và "viết đoạn văn ngắn". Điều này cho thấy có sự tích hợp giữa đọc hiểu văn bản - gồm nhiều văn bản: văn học, văn bản thông tin (chính luận, báo chí, khoa học, hành chính...) và biết vận dụng vào đời sống thực tế xã hội. Thứ tư, ngoại trừ phần câu hỏi làm văn của đề thi tốt nghiệp THPT, còn lại đều là những câu hỏi về các vấn đề thời sự nóng bỏng như: độc lập, chủ quyền dân tộc; thái độ, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với chủ quyền đất nước... trong một bối cảnh "nóng" ngày nay về vấn đề biển đảo của Tổ quốc... Từ sự phân tích trên có thể thấy, cách ra đề đúng hướng với những gì mà Bộ đã công bố về đổi mới cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT và GDTX năm nay: tích hợp, thời sự và phù hợp với thời gian làm bài là 120 phút... Thế nhưng, cần thấy những "hạt sạn" trong đề thi năm nay: Ở câu hỏi phần đọc hiểu của đề thi khối GDTX, sau khi trích dẫn đề bài lại kèm theo phần chú thích: "Điếu phạt: (điếu: thương, phạt: trừng trị) rút từ ý "Điếu dân phạt tội" nghĩa là thương dân, đánh kẻ có tội". Câu hỏi đọc hiểu mà đề lại giải nghĩa? Đề thi chia làm hai phần. Ở phần thứ hai gọi là làm văn. Thế thử hỏi câu 3, phần đọc hiểu ở đề thi của THPT và GDTX yêu cầu viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ, bày tỏ thái độ... thì có phải là làm văn hay không? Cuối cùng cũng cần phải cảm ơn môn ngữ văn, bởi vì nó đã “gánh vác” trọng trách lịch sử, chính trị, xã hội... trong bối cảnh mà nhiều thí sinh đã e dè với việc chọn thi môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay! Trần Ngọc Tuấn |
Đột phá lớn Mặc dù đề đi rất sát với chương trình, phù hợp với kiến thức phổ thông nhưng không phải học sinh nào cũng có thể trả lời hoàn chỉnh. Đặc biệt, đề thi năm nay có thiên hướng nghị luận xã hội nhiều hơn. Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt rất hay và có nhiều triết lý sống sâu sắc. Đề thi cũng chỉ cho một phần tác phẩm nên lại càng khó cho các em học sinh chỉ học vẹt. Đề thi năm nay cũng là một sự cảnh báo cho việc dạy và học thiếu ứng dụng thực tế. Thạc sĩ Hổ Hoài Khanh Không còn chỗ cho lối học vẹt Tiêu chí đổi mới của Bộ thể hiện rõ ràng, đồng bộ qua đề thi. Đề thi có nhiều thay đổi nhưng không làm học sinh bỡ ngỡ, trái lại các em đón nhận một cách thú vị. Tôi rất tâm đắc đề thi năm nay. Dù có nhiều thay đổi nhưng thí sinh cảm thấy không bị đánh đố. Đề mang tính phân loại cao và không còn chỗ cho lối học vẹt. Dương Thu Trang Minh Luân |
Bên lề Một thí sinh được đề nghị xét tốt nghiệp THPT. Đó là trường hợp em Võ Thị Tú Oanh, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Che Guevara (H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre). Oanh đăng ký dự thi tốt nghiệp hệ THPT năm 2014, nhưng đến ngày thi em không thể đi thi vì phải nhập viện điều trị bệnh ung thư máu. (Khoa Chiến) Hàng trăm suất ăn miễn phí hỗ trợ thí sinh. Hội phụ huynh học sinh Trường THPT Phan Văn Trị (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) hỗ trợ hơn 200 suất ăn cho các thí sinh tại hội đồng thi này (ảnh). Ngoài ra, hội đồng thi Trường THPT Giai Xuân (H.Phong Điền), Trường THPT Thuận Hưng (Q.Thốt Nốt), Trường THPT Thới Lai (H.Thới Lai)... cũng tổ chức hàng trăm suất ăn miễn phí phục vụ thí sinh. (Bách Hợp - Đình Tuyển) Công bố điện thoại đường dây nóng phản ánh tiêu cực. Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2014 của tỉnh Quảng Ngãi đã công bố số điện thoại đường dây nóng: 0914737493, 0913442897, 0905100117 và 0553824164. Cán bộ phụ trách đường dây nóng và số điện thoại của Sở GD-ĐT Phú Yên phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 là ông Diệp Thế Thân, Chánh thanh tra Sở, điện thoại: 0982215393. (Hiển Cừ - Đức Huy) Một thí sinh bị tai nạn giao thông trên đường đi thi. Trong buổi thi môn văn, một thí sinh ở hội đồng thi Trường THPT Thủ Đức trên đường đi thi thì bị tai nạn giao thông. Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, theo quy định đặc cách của Bộ GD-ĐT, thí sinh bị tai nạn có học lực khá trở lên, hạnh kiểm tốt sẽ được xét tốt nghiệp dựa trên kết quả học tập lớp 12 dù thí sinh này chưa thi môn nào. (Minh Luân) |
THANH NIÊN
>> Gợi ý giải đề thi môn lịch sử
>> Gợi ý giải đề thi môn vật lý
>> Đón xem gợi ý giải và nhận xét đề thi tốt nghiệp THPT 2014
>> TP.HCM: Một thí sinh bị tai nạn giao thông không thể dự thi
>> Thí sinh Hàn Quốc không bất ngờ với đề thi có phần 'giàn khoan
>> Thi tốt nghiệp THPT 2014: Hơn 900.000 thí sinh bước vào môn thi đầu tiên
Bình luận (0)